Bài kết: "Thẻ đỏ" cho LHP châu Âu

14/07/2010 06:54 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Hàng năm, LHP châu Âu tại Việt Nam (được tổ chức vào đầu mùa Hè) gần như là cơ hội duy nhất cho những fan điện ảnh có thể thưởng thức một hương vị khác của điện ảnh ngoài hương vị Hollywood. Thế nhưng, cơ hội hiếm hoi ấy cũng ngày càng mất đi hương vị của chính nó, mà câu chuyện nằm ở phía... ban tổ chức - nếu áp dụng luật bóng đá của FIFA thì “cầu thủ” này, có lẽ đã phải lãnh một thẻ đỏ tại LHP châu Âu 2010!


Vier Minuten - 4 phút, bộ phim làm sững sờ khán giả tại LHP châu Âu tại Việt Nam 2009. LHP châu Âu tại Việt Nam năm nay không có những tác phẩm như vậy.

Từ vài năm nay, LHP châu Âu tại Việt Nam - do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức thông qua các Đại sứ quán tại Việt Nam - là một hoạt động văn hóa thường niên được những khán giả yêu phim đón chờ hàng năm. Nhưng… trong lúc các hoạt động điện ảnh ở châu Âu và thế giới càng lúc càng sôi động, và mặt bằng chiếu bóng ở Việt Nam đã được nâng cấp khá hiện đại và hầu như đã hòa chung vào dòng chảy của thị trường phát hành phim toàn cầu… thì ngược lại, LHP châu Âu tại Việt Nam càng lúc càng thụt lùi một cách không thể hiểu nổi! Nhất là cách phổ biến phim đến với khán giả kém đến mức tạo ra cảm giác, LHP châu Âu dường như không hiểu đến nỗi thành xem thường khán giả Việt Nam!


Cách đây vài ba năm, tất cả phim được chọn chiếu tại LHP này đều là phim nhựa - như một điều đương nhiên tất yếu, thì từ năm ngoái (2009), tỉ lệ phim nhựa được chọn chiếu chỉ còn là 50%, còn lại là chiếu bằng DVD (dùng máy phóng chiếu lên màn ảnh). Đã vậy một số phim còn không có bản dịch, khán giả phải xem bằng ngôn ngữ gốc, nội dung thì ai muốn hiểu sao thì hiểu! Năm nay, LHP châu Âu tại Việt Nam 2010 (từ ngày 14 đến 23/5 tại Hà Nội và từ ngày 19 đến 29/5 tại TP.HCM) còn tệ hơn: 95% chiếu bằng DVD, chỉ có 2 phim nhựa: một của Rumani - Con gà trống bị chặt đầu, và một của Anh - Chuộc lỗi. Nhưng phim Chuộc lỗi nghe đâu lại mượn từ kho phim cũ của Megastar! Như vậy chính thức LHP châu Âu tại Việt Nam năm nay gồm 14 phim đại diện cho 14 nước chỉ mang sang đúng 1 phim nhựa, số còn lại - trong đó rất nhiều nước là cường quốc điện ảnh trên thế giới - lại mang “home video” (video gia đình - DVD) ra chiếu ngoài rạp!

Có lẽ cũng cần phải nhắc lại là định dạng DVD đã được thế giới quy ước là chỉ dùng trong gia đình (home video) đem ra chiếu rộng rãi ở công cộng là vi phạm quy định phổ biến phim. Ở những nước tiên tiến có luật lệ về phát hành nghiêm khắc như phương Tây không ai đi làm điều này cả. Thử hỏi 14 nước có phim chiếu tại LHP châu Âu 2010 có nước nào mang DVD ra chiếu rạp không? Hay ban tổ chức nghĩ rằng ở Việt Nam vẫn còn lạc hậu, nghèo nàn và thiếu hiểu biết trong hưởng thụ nghệ thuật nên muốn chiếu sao cũng được? Xem phim ở rạp bằng DVD chiếu từ máy phóng, có khác nào mời khán giả đến nhà hát xem hòa nhạc rồi… bật CD lên để nghe?

Cách đây không lâu, anh D. - một chủ rạp ở Hà Nội, vì quá yêu những bộ phim kinh điển nổi tiếng như Casablanca, Bố Già, Cuốn theo chiều gió, Ben-Hur… đã tìm mọi cách liên lạc với các hãng phát hành ở Mỹ xin mua về chiếu ở Việt Nam, nhưng tất cả đều không còn bản phim nhựa, nếu in một bản mới thì kinh phí thậm chí còn đắt hơn cả mua phim “bom tấn”! Anh D. thiết tha đề nghị nếu không thể có bản phim nhựa thì cho phép anh chiếu bản DVD ở rạp bằng máy phóng và vẫn trả tiền bản quyền như phim nhựa, nhưng các hãng phát hành ở Mỹ kiên quyết từ chối với một lý do duy nhất: Ra rạp bắt buộc phải xem phim nhựa, vì chỉ như thế khán giả mới tận hưởng trọn vẹn cái hay, cái đẹp của tác phẩm điện ảnh! Chưa kể xem phim bằng DVD ngoài rạp là chứng tỏ sự thiếu tôn trọng với những người đã rất khó nhọc để làm ra một bộ phim. Chiếu DVD ngoài rạp là vi phạm pháp luật, điều này lúc nào cũng được ghi rõ ở phần warning (cảnh báo) trong tất cả các DVD chính gốc trên thế giới.

Thế mới hiểu vì sao điện ảnh Mỹ lại hùng mạnh bao trùm cả thế giới suốt hơn 100 năm qua. Bởi ngay cả cách hưởng thụ và truyền bá văn hóa đi khắp thế giới của họ cũng đã nghiêm túc một cách chuyên nghiệp từ bao đời nay. Sự kết hợp của các nước châu Âu để trở thành Liên minh châu Âu, là một sự đoàn kết các nền văn hóa để tạo nên sức mạnh làm đối trọng với sự bành trướng văn hóa toàn cầu của nước Mỹ (ở đây chỉ nói riêng về văn hóa). Phim châu Âu không phải dễ xem và hiếm khi thành công về thương mại vì quá ít tính giải trí, nhưng mỗi một bộ phim từ các nước châu Âu đều mang một thông điệp riêng, một giá trị riêng… chính vì thế khi phổ biến một bộ phim châu Âu ra trước công chúng - nhất là ở nước ngoài - cần phải được trân trọng, thế mà…

Trở lại với LHP châu Âu 2010 tại Việt Nam. Chương trình đã được P.R rầm rộ từ rất lâu, vé và chương trình (program) đã được in rất tử tế, người xem đến rạp phần lớn là giới trí thức (bởi phim châu Âu không phải dành cho số đông) - nghĩa là khán giả đến rạp có chọn lọc biểu hiện sự trân trọng một cách vô hình đối với phim châu Âu… nhưng nói thật đa số người xem đã thất vọng với kỳ LHP này về nhiều mặt… Phim chiếu bằng DVD, mà máy phóng lại đặt cố định trên cao khiến cho chất lượng các bộ phim có thể gói gọn trong hai chữ: quá tệ! Hình ảnh nhòe nhoẹt, mờ mịt, phụ đề bị mất đoạn, âm thanh tậm tịt như mono… Phim lựa chọn cẩu thả, lộn xộn không theo một chủ đề nào rõ rệt - mà đây là điều rất cần thiết của một LHP không tranh giải. Có cảm giác không hề có sự nghiêm túc nào trong việc chọn phim. Hầu hết các phim được chọn chiếu đều là phim cũ, ngoài Welcome (Chào mừng, phim Pháp) sản xuất năm 2009, còn đâu là cách đây rất nhiều năm, thậm chí phim khai mạc LHP của Tây Ban Nha sản xuất từ năm 1984! Có lẽ sợ mang tiếng là đem chiếu phim cũ, nên từ program đến vé đều không ghi năm sản xuất của mỗi bộ phim (trừ phim Welcome).

Thêm một chuyện nghe buồn nữa, là nghe đâu bộ phim Welcome có mang bản nhựa sang Việt Nam, nhưng lại chuyển sang DVD để dễ làm phụ đề, vì chủ phim không cho làm phụ đề tiếng Việt lên bản phim nhựa cho mượn. Chính phủ Pháp trước giờ đã rất cố gắng trong việc duy trì tiếng Pháp cho các nước đã từng sử dụng ngoại ngữ này, vậy LHP châu Âu là một dịp rất tốt để văn hóa Pháp đến với Việt Nam, thì sá gì lại tiếc một bản phim nhựa đến thế (một bản in nhựa trị giá khoảng 1.000 USD)?

Ở đây xin dành một tràng pháo tay và sự kính trọng dành cho nước Đức. Năm ngoái Đức đem đến LHP châu Âu 2009 một kiệt tác thật sự - bộ phim 4 phút (tất nhiên là phim nhựa). Năm nay, nước Đức lại tiếp tục chứng tỏ sự tôn trọng đối với khán giả Việt Nam bằng một LHP Đức (tổ chức ngay sau LHP châu Âu) với 5 bộ phim được yêu thích của nước Đức (hoàn toàn là phim nhựa). Ở đây xin nhấn mạnh một điều, 14 nước tham gia LHP châu Âu 2010 lần này không có phim Đức, có lẽ do đã xin tổ chức chiếu riêng loạt phim của mình.

Không thể nói là các nước không có sự chuẩn bị. Đây là sự kiện thường niên, các nước tham gia đều có thừa thời gian để biết mình phải làm gì để tham gia LHP châu Âu. Một năm chỉ có một lần, một bản phim nhựa với phụ đề tiếng Việt không đáng bao nhiêu tiền, chính là sự trân trọng tác phẩm của chính quốc, đồng thời là sự tôn trọng đối với khán giả Việt Nam.

Nếu phạt “thẻ đỏ” với LHP châu Âu 2010, thì cũng nên phát thêm “thẻ vàng” đối với Cục Điện ảnh Việt Nam. Lẽ ra ở cương vị đứng đầu ngành điện ảnh, Cục Điện ảnh phải quyết liệt trong việc đưa ra quy định các nước tham gia LHP châu Âu bắt buộc phải chiếu phim nhựa, đằng này…!

Thiền Đăng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm