Bài 2: Vị thế nào cho điện ảnh châu Âu?

13/07/2010 07:27 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Câu hỏi lớn, lời đáp thuộc về tác giả và những khán giả trung thành của họ. Trong quá khứ, đã có nhiều trào lưu điện ảnh được nhìn nhận và phát triển, đã có nhiều minh chứng lịch sử cho “cái nôi” của nghệ thuật thứ bảy. Còn ở thì hiện tại, người ta vẫn loay hoay giữa một Hollywood cường tráng và một châu Âu đắm mình trong sự hoan lạc của những xúc cảm cá nhân.

Thời vang bóng chưa xa

Đức, Ý, Pháp, Nga… là các nước có nền điện ảnh tiêu biểu tại châu Âu. Trong đó, Ý và Pháp vẫn là hai cái tên vĩ đại trong kĩ nghệ phim ảnh khu vực này. Một thập niên trở lại đây, trong khi Ý đang có dấu hiệu của một quý bà “xuống sắc” thì Pháp vẫn phần nào duy trì được bản lĩnh và tên tuổi của mình qua hàng loạt những bộ phim tạo tiếng vang lớn với sự ra đời của nhiều ngôi sao điện ảnh thực thụ.

Nhìn lại quá khứ phải nhớ lại Luis Buñuel, người tiên phong cho màn ảnh Tây Ban Nha với phong cách làm phim chủ nghĩa siêu thực nối kết giữa các thế giới của thực tại - ảo tưởng và luôn luôn khiến người xem không thể lường trước được diễn biến với những chi tiết bất ngờ đáng kinh ngạc. Các tác phẩm của Buñuel như: Los olvidados (1950), Viridiana (1961), Belle de jour (1967), The Discreet Charm of the Bourgeoisie (1972)… đưa ông vào vị trí những đạo diễn quan trọng nhất của lịch sử điện ảnh. Sau khi Buñuel qua đời, người ta khó tìm lại được ánh hào quang của màn ảnh xứ này chỉ đến khi xuất hiện Pedro Almodóvar vào cuối thập niên 80.

Còn phải kể thêm Michelangelo Antonioni (Ý), một trong số ít những huyền thoại đáng nhớ với Blow-up (1966), tác phẩm kinh điển của điện ảnh thế giới và ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ những nhà làm phim sau này. Còn đó Krzysztof Kieslowski (Ba Lan), người để lại cho đời những thước phim như The Double Life of Veronique (1991), Three Colors… mang tư tưởng bộc lộ giá trị về nền dân chủ và lòng khoan dung. Eric Rohmer (Pháp) – tiếng nói mang chất tự sự cá nhân đã hằn sâu vào lớp đạo diễn trẻ của cả châu Âu và châu Á. Andrei Tarkovsky (Nga) với những tác phẩm đi vào việc miêu tả sự vật và sự việc theo cái nhìn của triết học và phân tâm học. Bergman Ingmar (Thụy Điển), nhà làm phim coi trọng tính biểu tượng và ẩn dụ, luôn đặt ra các câu hỏi về bản thể và sự cô đơn, cái chết và sự sống, đức tin và tình yêu…

Liên Hoan Phim - Tìm lại hào quang xưa

Để nhìn vào “đất sống” của điện ảnh châu Âu thì không đâu bằng việc điểm qua hàng loạt LHP quốc tế lớn mà những Cannes, Berlin, Venice vẫn có đủ sức để nuôi dưỡng tài năng, những khám phá mang tính sáng tạo và cả việc duy trì một lượng người yêu nghệ thuật khắp nơi.

Sự đi xuống của điện ảnh Ý đã ảnh hưởng không nhỏ đến LHP Venice, một LHP lâu đời nhất thế giới bởi các tác phẩm tham gia không còn ở đỉnh cao. Gần như chưa có một nhà làm phim trẻ của Ý thể hiện được cái tôi độc đáo của mình ở thì hiện tại.


Những ngôi sao màn bạc châu Âu - những biểu tượng của điện ảnh thế giới:
Brigitte Bardot và Sophia Loren (ảnh trên)
Điện ảnh Pháp thì đã có Cannes làm bệ phóng, khoảng 5 năm gần đây người ta mới thấy dần sự vươn mình trở lại của đất nước này.

Điện ảnh Đức cũng đang được “khai phá” trở lại nhờ vào tên tuổi của nhà làm phim Fatih Akin với ba tác phẩm Head-On (2004), The Edge of Heaven (2007), Soul Kitchen (2009)… đều giành được các giải thưởng quan trọng của LHP Berlin, Cannes và Venice. Mới đây, người ta đánh giá nữ đạo diễn Lucrecia Martel sẽ là dấu ấn tiếp theo của điện ảnh Tây Ban Nha nhờ cách kể chuyện “có mà như không” của mình qua La ciénaga (2001) hay The Headless Women (2008)…

LHP châu Âu là nơi tổng kết lại những tên tuổi đi đầu trong khả năng dàn dựng và sáng tạo. Thành công mới nhất của Michael Haneke với phim The White Ribbon (2009) – một đạo diễn Áo làm phim Pháp, Đức, Hollywood… là ví dụ xác thực nhất cho sự bền bỉ của điện ảnh châu Âu trên bản đồ thế giới cho dù với nhiều người, nó chỉ còn trong hoài niệm.

Đi đâu và về đâu?

Tất cả mọi con đường đều dẫn đến… Hollywood. Sự hào phóng về vật chất của xứ “phù hoa” này đã kéo theo những tài năng hàng đầu châu Âu. Một dạo, diễn viên tài sắc hai lần đề cử Oscar người Pháp, Isabelle Adjani, cũng đã qua Hollywood đóng cùng Sharon Stone trong Diabolique (1996). Rồi Isabelle Huppert – một tên tuổi cùng thời khác, cũng đóng Amateur (1994), I Love Huckabees (2004) ở kinh đô điện ảnh. Gần đây nhất Marion Cotillard, kể từ khi chiến thắng vang dội với tượng vàng Oscar cho La vie en Rose (2007), đã chuyển hẳn sang đóng phim Hollywood. Cùng với đó, các đạo diễn tên tuổi như Florian Henckel von Donnersmarck (phim The Lives of Others) cũng đã sang Hollywood để nhận lời dàn dựng The Tourist có ngôi sao Angelina Jolie hay Luc Besson, một nhà làm phim thương mại rất thành công tại Pháp cũng chuyển sang Hollywood.

Việc những tài tử, nhà làm phim hàng đầu châu Âu rẽ… trái sang Hollywood không ít thì nhiều vẫn chứng tỏ được sức hấp dẫn của danh tiếng và tiền bạc của nước Mỹ. Và quan trọng hơn, Hollywood dù không hào hứng nhiều với những tư tưởng lớn nhưng họ thừa nhận tài năng của châu Âu và sẵn sàng rải thảm đỏ đón chào. Bên cạnh đó, điều sống còn là Hollywood vẫn đang nắm trong tay cả một thị trường khổng lồ. Bao giờ châu Âu lấy lại hào quang xưa, bao giờ các nhà làm phim châu Âu sẽ thôi cằn nhằn “Những gì Hollywood làm được đến ngày hôm nay đều có nguồn gốc châu Âu” và bao giờ châu Âu có bộ máy tiếp thị “khủng khiếp” hơn Hollywood?

Những trào lưu khởi nguồn từ châu Âu

Quattro passi tra le nuvole (1942) của đạo diễn Alessandro Blasetti đánh dấu sự ra đời của trào lưu Hiện thực mới (neorealismo). Trào lưu Hiện thực mới hồng (neorealismo rosa) ra đời sau đó với các ngôi sao như Sophia Loren, Gina Lollobrigida, Silvana Pampanini… cho đến dòng phim hài mà đầu tiên là I soliti Ignoti (1958) giới thiệu đến khán giả gương mặt của Monica Vitti. Năm 2009, bậc thầy phim kinh dị Dario Argento làm Giallo nhằm gợi nhớ lại dòng phim rùng rợn cùng tên được phát triển tại Ý những năm 50, 60.

The Cabinet of Dr. Caligari (1920) được cho là đi tiên phong của chủ nghĩa biểu hiện vẽ nên bức tranh trên màn ảnh với một phong cách xây dựng phi thực với những khối hình, những bức tranh được vẽ trên sàn và tường biểu trưng cho các đồ vật, câu chuyện về những ảo giác đen và một người điên.

French New Wave trở thành cụm từ quá đỗi quen thuộc với sinh viên chuyên ngành điện ảnh, những bài học của họ đến bằng tác phẩm đầu tiên làm thay đổi diện mạo điện ảnh Pháp nói riêng: Breathless (1959) của Jean Luc-Godard, Les Cousins (1959) của Claude Chabrol hay Jules et Jim (1962) của François Truffaut… Ngày nay, cả Jean Luc-Godard và Claude Chabrol đều duy trì khá tốt phong cách và tầm ảnh hưởng lớn lao của họ.

French Shock Cinema và New French Extremity nhằm ám chỉ sự ra đời táo bạo của những nhà làm phim trẻ tuổi như Christophe Honoré với Ma mère, Leos Cara với Pola X, Gaspar Noé với Irréversible, Claire Denis với Trouble Every Day… đa số các phim này đều bị dán nhãn NC-17 bởi hành vi bạo lực, bạo động và ái tình. Catherine Breillat có lẽ là một trong số rất ít những đạo diễn nữ thành công theo dòng semi-porn với toàn bộ tác phẩm sặc mùi tính dục và gây tranh cãi của chị hơn 30 năm qua.

Dogme 95 cũng gây được tiếng vang lớn khi trình làng một tài năng sáng tạo vượt bậc có tên Lars Von Trier. Hàng loạt những tác phẩm sau này của Von Trier mà mới nhất: Antichrist (2009) cũng tạo ra không ít điều tiếng. Với Dogme 95, người xem bị dồn vào thái cực của đường cùng với các nhân vật duy trì sự thích nghi hạn hẹp của họ với cuộc sống bên ngoài. Rosetta (1999) của anh em nhà Jean-Pierre Dardenne, theo phong cách này đã bất ngờ giành Cành cọ vàng, Von Trier cũng mang về phần thưởng tương tự với Dancer in the Dark (2000).


Bài kết - Từ hàng ghế khán giả: "Thẻ đỏ" cho LHP châu Âu
Chu Trần Minh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm