Bài 1: Điện ảnh châu Âu - Duy nhất, và không lặp lại

12/07/2010 06:14 GMT+7 | Phim

CHÂU ÂU CÒN CÓ ĐIỆN ẢNH!

Sản sinh ra môn thể thao vua và cũng là vùng đất vàng của các giải đấu bóng đá đỉnh cao, nơi thâu tóm tất cả các ngôi sao của sân cỏ thế giới, song bóng đá châu Âu lâu nay vẫn thua bóng đá châu Mỹ “một bàn” về số lần đoạt cúp vàng khi giải đấu không tổ chức ở châu Âu.

Tương tự, lại “một bàn không gỡ” cho điện ảnh châu Âu - vốn được xem là nền điện ảnh khai sáng cho cả thế giới, nhưng giờ đây lại chịu lép vế trước Hollywood hừng hực tham vọng.

Nhưng tại Nam Phi 2010, lần đầu tiên bóng đá châu Âu đã trở thành bá chủ ở nơi không phải quê nhà, khuất phục những cường quốc bóng đá từ Brazil, Argentina một cách tâm phục khẩu phục.

Còn điện ảnh châu Âu thì sao? 

Tổ chức chuyên đề: THỦY PHẠM

(TT&VH Cuối tuần) -Tôi không mấy bất ngờ khi bộ phim Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Livescủa đạo diễn Thái Lan Apichatpong Weerasethakul đoạt giải cao nhất tại LHP Cannes năm nay cũng như vì thế mà nổ ra một cuộc tranh cãi dữ dội trên báo chí châu Âu. Tôi đã xem 2 bộ phim trước của Apichatpong để đủ nhận thấy rằng, nó khá giống với phim của Thái Minh Lượng, Giả Chương Kha, Abbas Kiarostami, Jean-Pierre & Luc Dardenne… Đó là loại phim làm cho nhiều người buồn ngủ nhưng cũng đồng thời làm một số người mất ngủ.

Có một giai thoại, trong một buổi chiếu phim của mình, Thái Minh Lượng từng đứng lên giữa buổi để nhắc nhở những người lục đục bỏ về giữa chừng: “Ai ra khỏi rạp thì làm ơn yên lặng để những người trong rạp… còn ngủ”. Nhưng những ai không ngủ thì luôn nhận được món quà xứng đáng cho lòng kiên nhẫn. Bộ phim Rossetta của hai anh em đạo diễn người Bỉ Jean Pierre và Luc Dardenne khiến rất nhiều người bỏ về giữa chừng, nhưng nó lại khiến đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng… khóc trong rạp và bị chứng bao tử hành hạ suốt mấy tháng liền vì bị ám ảnh bởi bộ phim…

Cảnh trong phim Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives.

Đó là thứ điện ảnh mà khi ta đã quá nhàm chán với những công thức, khuôn sáo, bố cục kinh điển, hay quyền lực của ngôi sao, hóa trang và dàn cảnh, kỹ xảo…, sẽ cảm thấy thật sung sướng khi thưởng thức thứ điện ảnh thuần chất nhất, nguyên sơ nhất và nhận ra ngay cả những cái tầm thường dễ bị gạt qua cũng có… nghệ thuật.

Trở lại với người chiến thắng ở Cannes năm nay, bộ phim đoạt Cành cọ vàng 2010 cũng như các bộ phim trước của đạo diễn Thái này đều được sản xuất với nguồn kinh phí hỗ trợ của các quỹ điện ảnh ở châu Âu (có 5 nước, ngoài Thái đứng tên sản xuất bộ phim này, gồm Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Hà Lan). Các công ty mua phát hành bộ phim này chủ yếu cũng ở châu Âu. Apichatpong và rất nhiều tên tuổi điện ảnh độc lập khác ở các nước châu Á tỏa sáng gần đây như Giả Chương Kha, Lâu Diệp (Trung Quốc), Kim Ki Duk, Hong Sang Soo (Hàn Quốc) và cả những tín hiệu mới của Việt Nam như Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di đều phải tìm đến châu Âu, nơi giúp họ có kinh phí làm phim và cũng là nơi phát hiện và công nhận họ. Sự thẩm định và danh tiếng của các LHP ở đây giúp họ tìm đến các nhà phát hành và giới thiệu bộ phim đến với công chúng, tất nhiên chỉ giới hạn trong lượng công chúng tinh hoa.

Châu Âu, cái nôi sinh ra bộ môn nghệ thuật thứ bảy, qua hơn 100 năm vẫn là nơi phát ngôn cho điện ảnh và tìm kiếm ra những tài năng điện ảnh mới.

…Và khai sáng


8 1/2 - Kiệt tác cuối cùng của Fellini

Sức ảnh hưởng và tham vọng bá chủ khiến những bộ phim bom tấn Hollywood trở nên công thức và sáo mòn. Khán giả nam giới bị dẫn dụ vào thế giới ảo của những siêu anh hùng kiểu Iron Man trong khi khán giả nữ thì bị mê hoặc trong thế giới đô thị màu mè phù phiếm xa hoa kiểu Sex and the City.


Trong khi đó ở châu Âu, dù điện ảnh nghệ thuật ngày càng bị thu hẹp, song sức ảnh hưởng của các LHP lớn nhất thế giới nằm ở châu lục này cộng với việc duy trì những rạp chiếu phim art-house giúp cho châu Âu vẫn giữ được ngôn ngữ điện ảnh thuần chất và tìm kiếm thêm nhiều tài năng mới, không chỉ ở châu Âu mà còn nhiều nơi trên thế giới. Và đối với tôi, sự thú vị nhất của điện ảnh châu Âu là những bộ phim art-house của dòng điện ảnh tác giả.

Phim art-house ra đời vào những năm 40 của thế kỷ 20, sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 chấm dứt. Tại Ý, trào lưu Tân hiện thực ra đời đã chắp cánh cho một loạt đạo diễn lớn mà sức ảnh hưởng còn đến ngày hôm nay. Làn sóng mới ở Pháp cũng mạnh mẽ không kém với những gương mặt đạo diễn trẻ phá bỏ lối làm phim truyền thống để đến với những ngôn ngữ tiếp cận gần gũi và mở hơn với khán giả. Không còn những cấu trúc kinh điển, không còn những bó hẹp trong đề tài, không nệ vào quy chuẩn, bối cảnh và diễn xuất hướng tới sự tự nhiên, tràn đầy sinh khí thời đại mới, những Godard, Truffaut và Rohmer… đã đem đến những tuyệt phẩm điện ảnh vượt thời gian.

Hai cái tên đạo diễn ấn tượng nhất với tôi là Ferderico Fellini của Ý và Francois Truffaut của Pháp. Có lẽ bởi những bộ phim của họ mang nhiều dấu ấn tác giả nhất và vẻ đẹp duy cảm khó trộn lẫn. Một trong những bộ phim khởi đầu sự nghiệp điện ảnh của Fellini là I Vitelloni kể về 5 chàng trai trẻ là bạn thân của nhau, “mắc kẹt” trong một ngôi làng nhỏ nghèo nàn sau chiến tranh. Họ lãng mạn, mơ mộng và nhiều hoài bão, nhưng đều không vượt thoát được cái bế tắc của thời cuộc. Đoạn kết phim, sau những biến cố, một nhân vật lên tàu để ra đi, dù không biết tương lai phía trước sẽ thế nào. Tôi nhớ mãi câu thoại của bộ phim: “Ai cũng khát khao lên đường, nhưng không phải ai cũng thực sự lên đường”. Bộ phim như một hoài niệm tuổi trẻ của đạo diễn. Về sau, Fellini lại chuyển hướng sang những đề tài khác nhau mà ở mỗi mảng đề tài nào, ngôn ngữ điện ảnh mạnh mẽ và giàu nhân bản của ông đều để lại những giá trị vĩnh cửu trong điện ảnh nghệ thuật. The RoadNight of Cabiria là những bi hài kịch của người phụ nữ dâng hiến tình yêu nhưng nhận lại sự vị kỷ, tấm lòng đầy bao dung nhưng nhận lại sự thô bạo của những gã đàn ông. 8 ½ tiếp tục là một bộ phim đậm chất tự sự, kể về sự bế tắc trong sáng tạo của một đạo diễn và những mối quan hệ đầy phức tạp trong đời riêng cũng như nghệ thuật.


Cảnh trong phim 400 Blow
Còn Truffaut là tiếng nói mới mẻ nhất trong Làn sóng mới của điện ảnh Pháp. 400 Blow, bộ phim đầu tay của đạo diễn 26 tuổi và từng có tiền án đã đem đến cho điện ảnh thế giới một bước ngoặt mới về nghệ thuật kể chuyện cũng như những thông điệp xã hội táo bạo. Trong phim, cậu bé Antoine Doinel phải sống lang thang do bất đồng với lối giáo dục áp đặt và tàn nhẫn của giáo viên, sự thờ ơ của bố mẹ và sự vô cảm của xã hội. Truffaut sử dụng lối kể chuyện tự sự đầy sáng tạo, đẩy nhân vật vào trải nghiệm cô độc và đau đớn nhưng cũng rất hài hước của chính mình… Lối làm phim không nệ vào kịch bản, sáng tạo ngay tại trường quay và sử dụng đường phố làm bối cảnh dẫn dắt câu chuyện chứ không phụ thuộc vào trường quay đã đem đến cho bộ phim một phong vị tươi mới đến ngạc nhiên và ảnh hưởng đến rất nhiều đạo diễn khắp thế giới theo dòng phim nghệ thuật sau này.

Sức ảnh hưởng của Truffaut còn phải kể đến những kiệt tác sau này của ông, trong đó đặc biệt là Jules and JimDay for Night bởi sự tươi mới trong ngôn ngữ kể chuyện, tính cách nhân vật và sự đương đại mà đến hôm nay, mỗi khi xem lại, Truffaut vẫn chưa bao giờ cũ!

Một trong những đạo diễn Đức mà tôi yêu thích nhất là Werner Herzog, bởi cá tính sáng tạo điên rồ với điện ảnh, bởi cách mà vị đạo diễn lập dị này hành hạ chính bản thân mình và những người cộng sự để vượt qua những giới hạn của bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Bộ phim điển hình nhất cho phong cách làm phim đó của Werner Herzog là Fitzcarraldo. Phim kể về một tay quý tộc lập dị mơ ước xây dựng một nhà hát opera trong rừng già ở Peru. Ông ta đã huy động một bộ lạc da đỏ cùng những cộng sự của mình đóng một con tàu lớn và kéo lên núi, sau đó kéo xuống dòng sông… Cái tham vọng lãng mạn và điên rồ của Fitzcarraldo trong suốt 158 phút của bộ phim kỳ lạ này chỉ để được nghe dàn nhạc opera cất lên giữa rừng già chứ không phải trong những nhà hát truyền thống cũng không khác mấy với tham vọng táo bạo và điên khùng của tay đạo diễn thực hiện nó. Một giai thoại sau này kể lại, vì không thuyết phục được người cộng sự đắc lực của mình, Werner đã dùng… súng để khống chế. Vị đạo diễn quái đản đã lắp 10 viên đạn vào súng và gằn giọng: “Nếu anh bỏ vai, tôi sẽ giành 9 viên cho anh, một viên còn lại sẽ giành cho tôi”. Fitzcarraldo đem lại cho Werner giải đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes năm 1982 và sau này được tạp chí điện ảnh Empire bình chọn đứng số 1 trong 20 đạo diễn “điên” nhất mọi thời đại.

Những bộ phim “art-house” và những đạo diễn tác giả kể trên chỉ là số ít trong số các đạo diễn lớn, những cây đại thụ của điện ảnh châu Âu. Những kiệt tác điện ảnh của họ là những bộ phim thuần khiết nhất của nghệ thuật thứ bảy, bởi chúng là duy nhất, bởi chúng không có sự lặp lại. Bởi đó là điện ảnh khai sáng…

Đó là thứ điện ảnh mà khi ta đã quá nhàm chán với những công thức, khuôn sáo, bố cục kinh điển, hay quyền lực của ngôi sao, hóa trang và dàn cảnh, kỹ xảo…, sẽ cảm thấy thật sung sướng khi thưởng thức thứ điện ảnh thuần chất nhất, nguyên sơ nhất và nhận ra ngay cả những cái tầm thường dễ bị gạt qua cũng có… nghệ thuật.

Bài 2: Vị thế nào cho điện ảnh châu Âu?
Lê Hồng Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm