Chữ và nghĩa: Làm đĩ chẳng xấu bằng…

22/12/2021 12:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Làm đĩ chẳng xấu bằng đâm cấu ban ngày”. Đó là một câu tục ngữ có lẽ chưa quen thuộc với nhiều người. Nhưng dù có biết và quen chăng nữa thì khi đọc lên, mọi người đều cảm thấy có cái gì không bình thường, bởi ngữ nghĩa khá “quyết liệt”.

Chữ và nghĩa: Cơm sống tại nồi, hay sống tại vung?

Chữ và nghĩa: Cơm sống tại nồi, hay sống tại vung?

Đây có phải là câu tục ngữ nói về chuyện nấu cơm?

Câu tục ngữ có cấu trúc so sánh - một cấu trúc quen thuộc trong nhiều câu tục ngữ, thành ngữ nói chung. Cấu trúc này có 3 phần: Cái so sánh + từ so sánh + cái được so sánh. Vận dụng vào tực ngữ này sẽ là: Làm đĩ + chẳng xấu bằng + đâm cấu ban ngày.

Ta hãy phân tích từng thành phần một để làm rõ vấn đề.

“Làm đĩ” là tổ hợp từ chỉ “công việc của người phụ nữ làm nghề mại dâm”. Đây là một nghề mà một số phụ nữ phải làm để kiếm sống. Xã hội nào, thời nào cũng có. Có quốc gia cấm đoán, nhưng cũng có quốc gia cho phép phụ nữ hành nghề này theo khuôn khổ pháp luật. Nhưng dù thế nào, việc “bán trôn nuôi miệng” của cô gái nào đó vẫn bị người đời coi rẻ, khinh miệt. Bởi theo quan niệm xã hội nói chung, việc sử dụng thân xác nhằm thỏa mãn thú vui đàn ông để kiếm sống luôn luôn là một nghề “mạt hạng” về đạo đức, nhân phẩm. Trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt có không ít những đơn vị liên quan tới chuyện này (Làm đĩ chẳng đủ tiền phấn sáp, Gái đĩ già mồm, Dạy đĩ vén váy…).

Chú thích ảnh
Tranh minh họa. Nguồn: Internet

Nhân vật “đĩ” ở đây cũng luôn luôn ở vai xấu, thậm đường xấu. Ấy vậy mà trong câu tục ngữ, dân gian lại còn cho rằng “không xấu bằng đâm cấu ban ngày”.

Theo phương ngữ miền Trung, “cấu” là cách gọi khác, chỉ “gạo” (nhân của hạt thóc, dùng làm lương thực). “Đâm cấu” tức “giã gạo”, một công việc “làm cho tróc vỏ lụa của hạt gạo lức (gạo mới xay đã loại bỏ trấu, thóc chưa vỡ, tạp chất) để có hạt gạo trắng phía trong, dùng để nấu cơm hoặc chế biến các món ăn khác”. Giã gạo là công đoạn cuối cùng để tạo nên thành phẩm gạo từ hạt lúa (xay lúa, sàng trấu, giã gạo, giần để tách cám ra khỏi gạo). Tất cả các công đoạn này của nhà nông đều rất vất vả. Tuy nhiên, cũng theo quan niệm dân gian, việc một cô gái “đâm cấu” giữa ban ngày là một chuyện không thể chấp nhận được.

Cũng bởi, trong những công việc nhà nông, việc lao động ban ngày ở ngoài đồng ruộng là ưu tiên số một. Nếu không biêt cách thu xếp thời gian thì sẽ không thể hoàn thành công việc ra đồng để cày cấy, chăm bón, gặt hái lúa má hay thu hoạch khoai, ngô, đỗ, lạc… Đặc biệt, vào lúc nông vụ chí kỳ thì công việc còn bận bịu gấp nhiều lần. Vì vậy mà phụ nữ nào ban ngày lại bỏ mọi việc nông trang để xay thóc giã gạo thì không những đoảng, những kém cỏi (trong việc thu vén công việc) và thậm chí, còn bị coi là lười nhác (không dám ra đồng, chịu mưa chịu nắng để làm các công việc cần thiết, nặng nhọc).

Đây là một câu tục ngữ đánh giá phẩm chất người phụ nữ nhà nông xưa. Kể ra, đề cao công việc đồng áng hơn việc trong nhà cũng là hợp lý. Nhưng lấy việc “làm đĩ” ra để so sánh như vậy quả là nghiệt ngã quá. So sánh thế các cô gái còn mặt mũi nào dám ở nhà xay thóc giã gạo? Tuy nhiên, đấy cũng là cách nói “thậm xưng”, “ngoa dụ” thường thấy trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt (với mục đích gây ấn tượng và làm tăng ngữ nghĩa biểu cảm trong các sản phẩm văn học dân gian).

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm