Chữ và nghĩa: Cao táp, rạp mưa

05/07/2023 06:27 GMT+7 | Văn hoá

"Cao táp, rạp mưa", nghe khó hiểu quá. Tuy nhiên, câu tục ngữ này có dạng đầy đủ là "Mống cao gió táp, mống rạp mưa rào". Đây là một kinh nghiệm dân gian, quan sát các dấu hiệu thiên nhiên để đưa ra "dự báo thời tiết".

Cha ông xưa, cụ thể là nhà nông ta, làm công việc canh tác mùa màng thường luôn phải "Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm" để xem "trời có yên, biển có lặng" không để sắp xếp mọi việc (gia đình, đồng áng) thế nào cho hợp lý, có lợi nhất. Không chủ động đón trước các hiện tượng thiên tai, có thể dẫn đến nhiều khó khăn, thậm chí rủi ro cho cuộc sống hoặc thất bát cho mùa màng.

"Mống" (còn gọi là "mống cụt") là danh từ chỉ một "đoạn cầu vồng hiện ra ở chân trời" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Như vậy, mống là một dạng cầu vồng "không đầy đủ". (Có lẽ vì thế mà dân gian liên tưởng tới cái mầm mới nhú của cây tre - mống tre "đậm và ngắn").

Cầu vồng là "hiện tượng quang học khí quyển, là hình vòng cung gồm nhiều dải sóng, phân biệt đủ 7 màu chính [đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím], xuất hiện trên bầu trời phía đối diện với mặt trời [hay mặt trăng], do hiện tượng các tia sáng mặt trời bị khúc xạ và phản xạ qua những giọt nước trong màn mưa hoặc mây mù tạo thành." (Từ điển đã dẫn).

Chữ và nghĩa: Cao táp, rạp mưa - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Ai trong số chúng ta cũng có lần được chứng kiến cảnh cầu vồng, mống cụt xuất hiện trên bầu trời sau một cơn mưa (hay một buổi sớm sương mù) nào đó. Bình thường, nó được coi là một hiện tượng thiên nhiên, rất đáng chiêm ngưỡng (như một bức tranh đẹp). Cũng bởi hình ảnh cầu vồng (hay mống cụt) có bảy sắc huyền ảo, xuất hiện bất ngờ và cũng biến mất khá nhanh trên bầu trời.

Nhưng cái được coi là "hiện tượng thiên nhiên kỳ thú" này là một dấu hiệu dự báo thời tiết rất đáng quan tâm. Thường là cầu vồng mống cụt xuất hiện là một điềm báo "trước sau sẽ có mưa và gió". Chả thế mà dân gian có những câu: "Cầu vồng mống cụt, không lụt thì mưa", "Mống bên Đông, vồng bên Tây, chẳng mưa dây cũng bão giật"... Lúc ấy, các bác nhà nông ta không thể đứng ngắm với tâm thế nhà thơ (tâm hồn "thăng hoa lãng mạn") mà phải mau mau tính đến việc đối phó thế nào trước diễn biến thiên nhiên "lành ít dữ nhiều" này.

Trở lại với tục ngữ rút gọn "Cao táp, rạp mưa". Ta thấy câu tục ngữ 4 âm tiết, chia thành 2 vế này là 2 tổng kết rõ ràng: "Mống mà hiện ra giữa lưng chừng trời là điềm trời sẽ nổi gió to; mống hiện ra gần sát đường chân trời là điềm trời sẽ đổ mưa dầm." (Nguyễn Đức Dương, Từ điển tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010).

"Rạp" trong tục ngữ này (mống rạp) là một từ hàm chỉ sự thấp, ngắn của mống (lúa rạp xuống đồng, cúi rạp xuống). Người ta đã căn cứ vào kích thước "ngắn, dài" của mống khi xuất hiện mà phán đoán sự cố thời tiết: Mống mọc cao thì sẽ gió (giông, bão táp) còn mống mọc thấp thì sẽ mưa (mưa rào, mưa dầm). Lẽ thường, trước khi mưa có thể có gió giật, sấm chớp.

"Mống cao" là thế. Khi nó xuất hiện, đằng nào cũng có gió và khi gió lặng sẽ kéo theo mưa. Còn "mống cụt" thường chỉ có mưa (không có gió hoặc có gió không đáng kể). Mức độ ảnh hưởng (hay tác hại) của "mống cao, mống thấp", "mống dài, mống cụt", "mống bên Đông, mống bên Tây"… là khác nhau. Từ kinh nghiệm này mà nhà nông sẽ có cách ứng phó khác nhau. "7 sắc cầu vồng" kia (mà các em học sinh được dạy để phân biệt 7 màu quang phổ, mỗi màu ứng với 1 bước sóng khác nhau) hóa ra lại ẩn chứa biết bao điều thú vị cần suy ngẫm.

"Trên trời có cái cầu vồng

Có cả mống cụt đằng Đông sờ sờ"

(Ca dao)

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm