Bóng đá, cuộc chơi của nhà giàu: Bao giờ cho đến ngày xưa

16/11/2014 06:07 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Từ giai đoạn 2000-2005, các chức vô địch V-League thuộc về SLNA (1), Cảng Sài Gòn (1), HA.GL (2) và ĐT.LA (2); giai đoạn 2006-2011 là sự lên ngôi của B.Bình Dương (2), SHB.Đà Nẵng (1), Hà Nội.T&T (1) và SLNA (1)…

Cả SHB.Đà Nẵng, Hà Nội.T&T và B.Bình Dương đều đã có thêm một chức vô địch nữa làm giàu cho phòng truyền thống CLB sau đó. Với đất Thủ, họ đang nắm kỷ lục 3 lần lên ngôi (đều dưới thời ông Hải “lơ”). Về lý thuyết, V-League tạo cơ hội cho tất cả những đội bóng có tham vọng và có đủ năng lực cạnh tranh.

Song trên thực tế, giải đấu cao nhất xứ sở chưa bao giờ là cuộc chơi thực sự công bằng, so với thời kỳ giải VĐQG gần nhấn trước khi V-League xuất hiện. Ở thập niên 90 của thế kỷ trước, ngoài Thể Công, Cảng Sài Gòn và các đội bóng ngành Công an, các địa phương như Đồng Tháp, Nam Định, Đà Nẵng, SLNA… cũng rất mạnh.

Mạnh vì gạo, bạo vì tiền

Năm 2001, HA.GL khiến cả làng phải ngã ngửa khi đưa về phố núi tiền đạo Kiatisuk, cầu thủ được cho là hay nhất và nổi tiếng nhất Đông Nam Á vào thời điểm đó, còn có biệt danh là “Zico” Thái, chỉ để chơi giải hạng Nhất, chứ không phải V-League. Ban đầu, nhiều người tò  mò với sự xuất hiện của “Zico” Thái. Và chỉ cho đến khi bầu Đức tạo dựng được cả “Dream Team” gom về Trung tâm Hàm Rồng rồi bách chiến bách thắng ở 2 mùa giải V-League liên tiếp sau đó thì tất cả mới ngã ngửa.

Bằng quỹ lương – thưởng, các chế độ đãi ngộ cao ngút, một số khác lần đầu tiên biết đến khái niệm chuyển nhượng hay nhận phí lót tay, HA.GL hút mọi nhân tài, từ Công an TP.HCM (cũ), đến Đồng Tháp, Khánh Hoà, Thể Công và đặc biệt là SLNA, nhà vô địch V-League đầu tiên. Những cuộc chiến pháp lý giữa cầu thủ và CLB chủ quản cũng bắt đầu xuất hiện, ví như trường hợp của Quang Trãi và Đồng Tháp chẳng hạn. Tất cả đều được muốn trở thành một phần của HA.GL.

Có thể nói, các chức vô địch của SLNA (2000-2001) và Cảng Sài Gòn (2001-2002) là dấu chấm hết của thời đại bóng đá bao cấp. Hẳn tất cả đều chưa quên, ngay sau khi giành ngôi vương V-League năm ấy, Cảng Sài Gòn với phiên hiệu mới TMN.CSG đã xuôi ngay về hạng Nhất và mất dạng cho đến tận bây giờ. SLNA cố gắng chèo chống, nhưng đang có nguy cơ “chết lâm sàng” nếu nhà tài trợ rút lui. Cùng với đó, người ta cũng đã thấy Nam Định, Khánh Hoà… dần mất dạng.

Bóng đá nói chung, với điển hình V-League, đích thực là cuộc chơi của nhà giàu. Không ngoa khi cho rằng, V-League còn là một cỗ máy ngốn tiền công suất lớn, nhưng “mặt hàng” chào bán ra lại rất xù xì.

Bầu Đức trở lại, lợi hại hơn xưa?

Sau đúng một thập niên vắng bóng trên bục danh hiệu, V-League 2015 sẽ đánh dấu một cột mốc khác trong lịch sử hình thành và phát triển của HA.GL, đấy là khi bầu Đức cho xuất xưởng lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện HA.GL Arsenal JMG. Đây là những cầu thủ (đều chỉ 19 – 20, nhiều người còn trẻ hơn) được dánh giá là hay nhất nền bóng đá xứ sở và quan trọng, họ đang có được tình yêu nơi người hâm mộ. Tâm điểm của V-League 2015 sẽ thuộc về các trận đấu có HA.GL.

Khoan bàn về năng lực chơi bóng tầm cao của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Đông Triều… nữa, bởi một chừng mực nào đó, V-League có thể là một thước đo rất sát sườn. Người ta quan tâm nhiều hơn đến ý đồ của bầu Đức, rằng liệu HA.GL phiên bản mới được bơm vào giải đấu vốn đang quá hỗn mang, với mục đích gì.

Chúng ta đều biết tiêu chí đầu tiên hướng tới khi bầu Đức mở Học viện bóng đá là để bán. Tình yêu và kỳ vọng đã thay đổi ông bầu này?!

Ông Đức, ngoài việc là cổ đông lớn nhất, giữ chức Chủ tịch HĐQT HA.GL Group kể từ khi doanh nghiệp này được hình thành, còn là đương kim Phó Chủ tịch VFF và VPF, một là tổ chức cao nhất quản lý nền bóng đá, một còn lại trực tiếp tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia.

Một cuộc tấn công ồ ạt và trực diện vào tình cảm của người hâm mộ đã được bày trận. Ai không biết, kinh-doanh-bóng-đá mới là sở trường của bầu Đức, chứ không phải đá quả bóng.

Khi bóng đá Việt Nam chưa đủ năng lực xuất khẩu cầu thủ qua các nền bóng đá – giải đấu phát triển hơn, thì mối quan hệ hữu cơ – cộng hưởng giữa các giải đấu quốc nội và ĐTQG quyết định tương lai nền bóng đá. Nhưng, không phải bao giờ nó cũng tỷ lệ thuận, ví như việc ĐTQG không mạnh hơn, dù V-League có thu hút được nhiều ngôi sao hơn, tiêu nhiều tiền hơn. Đó là lý do bầu Đức được ủng hộ với lứa cầu thủ trẻ đầu tiên mới ra ràng, chứ không phải kỳ vọng về một sân chơi công bằng sẽ được ông bầu này tạo ra.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm