Xem nhà bầu Hiển làm bóng đá

15/11/2014 12:59 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khoảng 6 năm làm bóng đá chuyên nghiệp (tính từ thời điểm năm 2008, khi ông Đỗ Quang Hiển với vai trò chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) quyết định đầu tư cho bóng đá Đà Nẵng và cũng trong năm đó, CLB Hà Nội.T&T đá giải hạng Nhất), các đội bóng của ông bầu này đã thu về ít nhất 4 chức vô địch V-League (chia đều cho Hà Nội.T&T và SHB.Đà Nẵng), cùng vô số các danh hiệu lớn nhỏ khác, từ đội 1 xuống các tuyến trẻ…

Tiền là lời giải (ban đầu) cho thành công, nhưng để duy trì trên đỉnh vinh quang một thời gian dài, thì chiến lược phát triển giữ vai trò chủ đạo. Sự lớn mạnh của các đội bóng dưới trướng bầu Hiển không đo bằng quỹ lương thưởng hay các bản hợp đồng khủng. Ngược lại, ông Hiển (và thuộc cấp) còn góp công lớn trong việc bình ổn giá thị trường chuyển nhượng cầu thủ sau thời gian dài lên cơn sốt.

Dụng nhân như dụng mộc

Có ít nhất 2 lần trong đời, đích thân bầu Hiển phải vào cuộc để mời bằng được tướng tài. Lần đầu năm 2009, khi Hà Nội.T&T kết thúc lượt đi V-League ở vị trí đội sổ, ông bầu này đã phải phi vào tận Nghệ An, để “vời” HLV Nguyễn Hữu Thắng (khi đó đang rỗi việc) ra Thủ đô, thay thế vai trò của công thần Triệu Quang Hà trong cabin BHL Hà Nội.T&T. Lần thứ 2, chỉ mới đây thôi, lại là bầu Hiển bay vào Đà Nẵng để thuyết phục HLV Phan Thanh Hùng thôi ý định “từ quan về ở ẩn”.

Lại nhắc chuyện của HLV Phan Thanh Hùng. Sau thất bại trong chiến dịch bảo vệ ngôi vương V-League 2014, đồng thời Hà Nội.T&T cũng bật bãi ở đấu trường AFC Cup, sức ép với vị tướng tuổi Tý (ông Hùng sinh năm 1960, tức hơn bầu Hiển 2 tuổi) là cực lớn. Nó không đến từ ông chủ tối thượng, từ các cầu thủ…, mà khơi nguồn từ chính thuộc cấp của ông Hiển ở Hà Nội.T&T và được cộng hưởng bởi các trợ lý của Phan Thanh Hùng. Là người giàu lòng tự trọng, ông Hùng xin nghỉ luôn.

Bầu Hiển đang được xem là ông bầu có nhiều ảnh hưởng nhất hiện nay của bóng đá Việt Nam. Ảnh: VSI

Việc cuối cùng cũng đến tai bầu Hiển và ông đã hành động. Không hẳn vì HLV Phan Thanh Hùng tài năng đến độ không thể thay thế, mà nó còn là cái tình, cái nghĩa. Bầu Hiển vốn là người trọng nghĩa trọng tình. Sau một hồi thuyết phục, ông Hùng quyết định trở lại Hà Nội, mảnh đất mà tự bao giờ, ông đã xem như quê hương thứ 2 của mình, trở lại Hà Nội.T&T, đội bóng mà chính ông Hùng cũng xem là ngôi nhà thứ 2 của mình.

Bóng đá là thành tích

SHB.Đà Nẵng, CLB mà bầu Hiển từng ví là thịt (dù ông luôn chỉ nhận mình là một CĐV nhiệt thành) lần đầu tiên lấy lại ngôi vương sau 17 năm đằng đẵng ở V-League 2009. Một năm sau đó, Hà Nội.T&T, đội bóng với bầu Hiển là máu, cũng lên ngôi đúng dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Cú đúp vô địch lặp lại ở V-League 2012 và 2013 với SHB.Đà Nẵng và Hà Nội.T&T là không bất ngờ. Các đội bóng của bầu Hiển là một thế lực cực lớn và nếu muốn, họ hoàn toàn có thể duy trì sự thống trị.

Cũng trong khoảng thời gian tính bằng nửa thập niên, các tuyến trẻ của Hà Nội.T&T và SHB.Đà Nẵng đi từ thành công này đến thành công khác, tại hệ thống các giải bóng đá trẻ quốc gia như U15, U17, U19 và U21. Đây chính là khởi nguồn cho thành công ở các đội 1, khi tính kế thừa được duy trì, thậm chí sóng sau đè sóng trước rất nhanh. Từ khoảng 4 năm đổ lại đây, các đội bóng của bầu Hiển rất hạn chế mua vào, nhờ sự luân chuyển, quay vòng quân số giữa 4, 5 CLB “trong nhà”.

Nếu tuổi đời của QNK.Quảng Nam và CLB Hà Nội còn khá non trẻ (tính từ thời điểm bầu Hiển rót tiền vào hoặc chia sẻ quyền sở hữu), thì Hà Nội.T&T và SHB.Đà Nẵng là 2 trong số không nhiều CLB ở Việt Nam kiện toàn được hệ thống đào tạo trẻ. Quân vừa đa, lại vừa tinh, nhưng sẽ hiếm có chuyện, một đội bóng nào đó ở cùng hạng mục giải đấu có thể mượn được cầu thủ từ gia đình bầu Hiển. Mà ai cũng biết bầu Hiển cũng đang đỡ đầu cho SHB.Champasak thi đấu ở Lao–League.

Kỳ 5: Bao giờ cho đến bao giờ

* Không đứng chính danh bất cứ chức vụ nào tại các đội bóng Hà Nội.T&T, SHB.Đà Nẵng, QNK.Quảng Nam và CLB Hà Nội (chơi giải hạng Nhất), nhưng đến người ngoại đạo cũng hiểu, bầu Hiển (Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Cty CP Tập đoàn T&T, Đỗ Quang Hiển) chính là ông chủ tối thượng của ít nhất 4 CLB đang chơi tại các giải đấu cao nhất Việt Nam. Tầm ảnh hưởng của ông bầu sinh năm 1962 với các đội bóng, thậm chí với cả bóng đá Việt Nam là không phải bàn cãi.

* Cho đến thời điểm này, khá ngạc nhiên khi Lê Công Vinh vẫn là bản hợp đồng lớn nhất (về quỹ chuyển nhượng, lương – thưởng) của các đội bóng nhà bầu Hiển. Trước V-League 2009, Vinh chuyển ra Hà Nội.T&T với giá 7 tỷ đồng nguyên kiện. Ngay cả các ngôi sao ngoại cỡ bự khác như Almeida, Gaston Merlo (SHB.Đà Nẵng) hay Samson Kayode, Gonzalo, Cris Roland (Hà Nội.T&T) cũng không được nhiều tiền lót tay như Vinh. Tất nhiên, Minh Phương, Ngọc Thanh hay Thành Lương, Văn Quyết… còn thua xa.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm