Đề cử Di sản thế giới: Phải lấy yêu cầu khoa học làm trọng

12/06/2009 14:44 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ngoài Hoàng thành Thăng Long, thành Nhà Hồ, VQG Cát Tiên, quan họ, ca trù... khó có thể biết chính xác còn những di sản nào của Việt Nam đã hoặc đang được đề nghị lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Trong một rừng thông tin đôi khi đến mức “nhiễu”, dư luận thật khó có thể biết đâu là các đề cử “chính thức”, đâu mới chỉ là các đề xuất, đề nghị, thậm chí chỉ là... “nói vậy” mà thôi.

TT&VH đã có cuộc trò chuyện với GS-TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia. Đây là hội đồng có nhiệm vụ thẩm định về mặt chuyên môn hồ sơ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trước khi hồ sơ này được trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định việc đệ trình UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.


GS - TSKH Lưu Trần Tiêu

Rất khó cho hồ Ba Bể

* Xin được mở đầu bằng việc đề cử các di sản vật thể. Thưa GS, theo quy định thì mỗi năm mỗi quốc gia được đệ trình mấy di sản vật thể, và tính đến thời điểm này nước ta đã và đang lập hồ sơ đề cử những di sản nào?

- Theo quy định của UNESCO đối với di sản văn hóa và thiên nhiên thì mỗi năm mỗi nước chỉ được đệ trình tối đa 2 hồ sơ...

Hiện tại, ta đang đệ trình hồ sơ Hoàng thành Thăng Long (hy vọng rằng di sản này sẽ được công nhận vào đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long) cùng với hồ sơ về mặt đa dạng sinh học của Phong Nha - Kẻ Bàng (Trong đó, Phong Nha - Kẻ Bàng đã được công nhận là Di sản thế giới lần thứ nhất năm 2003 - PV ). Ngoài ra, ta cũng đang khẩn trương xây dựng hồ sơ thành Nhà Hồ ở Thanh Hóa, dự kiến vào tháng 9 này có thể đệ trình...


Hồ Ba Bể - sẽ đề cử là khu dự trữ sinh quyển trước!

Về di sản thiên nhiên, trong đợt vừa rồi, UNESCO đã xem xét hồ sơ hồ Ba Bể do Việt Nam đệ trình nhưng chưa chấp thuận, vì có những vấn đề cần phải nghiên cứu bổ sung. Thực tế là hành trình di sản thế giới của hồ Ba Bể tuy vẫn còn khả năng nhưng sẽ rất khó khăn. Có thể UNESCO xem xét công nhận hồ Ba Bể là khu sinh quyển thế giới trước, trên cơ sở đó mới xem xét di sản thiên nhiên nếu phía Việt Nam bổ sung đáp ứng được các yêu cầu về di sản thiên nhiên thế giới. Một di sản thiên nhiên nữa chúng ta cũng vừa đệ trình là VQG Cát Tiên...

* VQG Cát Tiên vừa là di sản thiên nhiên, nhưng cũng vừa là di sản văn hóa (có Khu di tích Cát Tiên nổi tiếng), vậy ta có đề cử các giá trị văn hóa của di sản này không?

- Khi thực hiện việc lập hồ sơ VQG Cát Tiên là di sản thiên nhiên thì chúng ta cũng đã đề cập đến các giá trị văn hóa ở đây, nhưng dĩ nhiên là mới chỉ nhắc đến một phần thôi, còn trọng tâm vẫn là các giá trị thiên nhiên. Theo tôi, khu di tích Cát Tiên có giá trị rất cao về mặt di sản văn hóa. Nhưng khi Hội đồng DSVH Quốc gia chủ trì cuộc hội thảo về việc lập hồ sơ Cát Tiên thì các ý kiến cho rằng trước mắt cứ lập hồ sơ các giá trị về thiên nhiên trước đã và sau đó mới xây dựng hồ sơ riêng về văn hóa.

* Còn hang Con Moong là di tích khảo cổ học mặc dù ít nổi tiếng trước công chúng, nhưng vẫn được đề cử. Theo GS, khả năng “trúng cử” của di sản này như thế nào?

- Hang Con Moong cũng đang trong quá trình lập hồ và sẽ đệ trình sau thành Nhà Hồ. Hang Con Moong là di tích về văn hóa Hòa Bình cũng có giá trị khu vực. Nhưng theo quan điểm của tôi nên đặt hang Con Moong trong tổng thể cảnh quan sinh thái và văn hóa của VQG Cúc Phương thì khả năng sẽ cao hơn.

Phố cổ HN, khu du lịch Tràng An… có được đề cử?

* Cũng có thông tin về việc sẽ đề cử phố cổ Hà Nội hoặc bãi đá cổ Sapa?

- Phố cổ Hà Nội thì đã được hội thảo khá nhiều rồi (cười). Nhưng chắc là khó được đề cử, vì ngay cả các ý kiến trong giới nghiên cứu về lịch sử và DSVH cũng chưa nhất trí được. Bãi đá cổ Sapa thì có cái khó là niên đại, dường như không thể xác định được. Hơn nữa, khi so sánh với các di tích trong khu vực và thế giới thì cũng thấy có nhiều nơi có.

* Rất nhiều nơi cũng được đề xuất đưa vào danh sách đề cử, chẳng hạn như khu du lịch Tràng An (nơi có chùa Bái Đính) chặng hạn...

- Trước đây tôi cũng có chủ trì một cuộc hội thảo về khu du lịch sinh thái Tràng An ở Ninh Bình, cũng có nhiều nhà khoa học đề xuất việc đó. Và cá nhân tôi thì cũng nghĩ rằng, nếu đề cử là di sản thiên nhiên thì cũng có khả năng. Nếu xét giá trị sinh thái của 42 hang luồn tại khu vực này so với toàn cầu thì cũng còn thấp, nhưng tôi nghĩ có thể nhấn vào các giá trị địa chất, địa mạo, vì khu vực này thể hiện rất rõ một “Hạ Long trên cạn”, thể hiện dấu ấn toàn cầu về quá trình biển tiến, biển lùi... Tất nhiên, đó mới chỉ suy nghĩ bước đầu của tôi, cần phải có các nghiên cứu của các nhà khoa học tự nhiên...

Tiếp theo ca trù, quan họ sẽ là hát xoan…?

* Xin được chuyển sang các di sản văn hóa phi vật thể? Chúng ta đang đề cử quan hon, ca trù. Tiếp theo sẽ là di sản gì vậy, thưa GS?

- Sắp tới đang dự kiến một số di sản phi vật thể khác, chẳng hạn tỉnh Phú Thọ đang kiến nghị đề cử hát xoan. Trước đó tỉnh đã đề xuất đề cử Đền Hùng, một di sản có ý nghĩa rất cao cả và thiêng liêng đối với dân tộc ta. Tuy vậy, để bảo vệ hồ sơ này với tư cách một di tích vật thể thì cũng sẽ có những khó khăn, có lẽ đề cử sang di sản văn hóa phi vật thể thì sẽ hợp hơn. Cho đến nay Hội đồng Di sản cũng chưa nhận được hồ sơ đề cử Đền Hùng; và như tôi vừa nói, vừa rồi, tỉnh Phú Thọ có văn bản đề nghị Bộ VH,TT&DL thỏa thuận cho lập hồ sơ hát xoan...


Hát xoan

Cá nhân tôi cũng đã gợi ý Hà Nội nên đề cử hội Phù Đổng là di sản phi vật thể thế giới, trước đây GS Nguyễn Văn Huyên đã nghiên cứu rất kỹ, theo tôi cũng có nhiều khả năng nếu đề cử trong dịp 1.000 năm Thăng Long này.

* Đó mới là những đề nghị, vậy những di sản nào thuộc “danh sách chính thức”? Chẳng hạn trước đây đã đưa vào danh sách hai di sản là múa rối nước và sử thi Tây Nguyên. Nay thì sao?

- Hiện nay theo hướng dẫn mới của UNESCO thì ta sẽ tiến hành xây dựng danh mục về các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của quốc gia. Trên cơ sở danh mục này, sẽ lựa chọn những di sản tiêu biểu nhất để lập hồ sơ, trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Sau ca trù, quan họ, có thể sẽ từng bước đề cử thêm rối nước, sử thi Tây Nguyên, hát xoan, và nếu được thì có thể cả hội Phù Đổng... UNESCO không hạn chế số lượng đề cử di sản văn hóa phi vật thể mỗi năm, nên nếu ta kịp hoàn thiện thì có thể đệ trình.

Tự so sánh để biết mình là “anh” hay còn là “đàn em”!

* Nếu thống kê trên báo chí, hoặc căn cứ vào các ý kiến đề xuất đây đó thì có khá nhiều các thông tin về chuyện đề cử di sản thế giới, cho nên có người cực đoan tếu táo cho rằng đang có “hội chứng” di sản thế giới. GS nghĩ sao về việc này?

- Chuyện đánh trống ghi tên, cũng mệt lắm (cười). Cũng có nhà khoa học đã nói như vậy đấy (cười lớn). Nhưng thật ra so với nhiều nước thì số lượng di sản thế giới của VN còn hơi khiêm tốn, cũng phải cố gắng đề cử. Nhưng trong việc đề cử cũng phải lấy yêu cầu khoa học làm trọng, phải đi vào những tiêu chí cụ thể mà UNESCO đã hướng dẫn như: giá trị nổi bật toàn cầu, tính chân xác, toàn vẹn... Và đặc biệt là phải lưu ý đến yêu cầu so sánh đối chiếu di sản được đề cử đó với những di sản đã được thế giới công nhận để xem di sản của ta đề nghị so với họ như thế nào. Phải so xem di sản của mình là “anh cả”, “anh hai” hay còn là “đàn em” của các di sản khác của thế giới chứ! So sánh là một điều không thể không làm theo yêu cầu của UNESCO để biết di sản mình đề cử đứng ở vị trí nào!

* Xin cảm ơn GS.
 
Nguyễn Mỹ (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm