Cần tách bạch giữa danh lam thắng cảnh và di tích? (Kỳ 1)

09/06/2009 15:06 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Thời gian qua, câu chuyện về di sản trở thành tâm điểm của dư luận, từ những vấn đề lớn như sửa đổi Luật Di sản Văn hóa, đến những cách thức và thủ tục trong việc trùng tu một vài di tích cụ thể. Trong khi một cá nhân tham gia bảo tồn di sản được tôn vinh bằng cả phù điêu và tượng đài ở Quảng Nam là KTS Kazik; thì đây đó trong cái gọi là “khoa học bảo tồn” lại đang có rất nhiều những ý kiến, quan điểm hết sức trái ngược.

Cuộc trò chuyện về di sản trên TT&VH không có tham vọng đưa kết luận nào, mà chỉ xới lên các vấn đề cần thiết phải đặt ra lúc này.


Nhà sử học Dương Trung Quốc

* Xin mở đầu bằng một ý kiến hơi... sốc. Theo tôi, cần phải đổi tên Luật Di sản Văn hóa, bởi lẽ “Di sản văn hóa”, hiểu theo nghĩa rộng nhất cũng chỉ bao gồm toàn bộ những gì để lại liên quan đến con người, chứ không thể bao gồm các di sản thiên nhiên. Ông thấy ý kiến này như thế nào? Có nên đổi là Luật Di sản?

- Thiên nhiên tự thân nó không phải là văn hóa, nhưng khi đưa ra khái niệm “di sản” tức là sự nhận thức của con người về giá trị của cái không gian thiên nhiên cụ thể đó như một sự lựa chọn thì “di sản thiên nhiên” lại chính là cái văn hóa mà con người ứng xử với thiên nhiên như một đối tượng cần bảo tồn và phát huy.

* Thật ra đó cũng chỉ là cái tên gọi. Di sản văn hóa và di sản thiên nhiên là hai khái niệm tương đối cách xa nhau. Ông nghĩ gì về ý kiến của GSTS Tô Ngọc Thanh trong thư gửi Quốc hội: “Đề nghị tách danh lam thắng cảnh ra khỏi khái niệm di tích vì hai đối tượng này có những đặc trưng hoàn toàn khác nhau. Do đó cần có điều luật tương thích”?

- Tôi đồng ý với ý kiến nên tách bạch rõ ràng để có cách ứng xử và giải pháp khoa học phù hợp với đặc thù của mỗi đối tượng. GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học VN cũng nêu quan điểm tương tự trong văn bản gửi Thường vụ Quốc hội.


"Vịnh Nha Trang - danh lam thắng cảnh được công nhận là "di tích"

* Theo tôi, cần phân biệt giữa di sản thiên nhiên thuần túy và các di sản thiên nhiên là một bộ phận hữu cơ với di sản văn hóa (ví dụ sông Hương với cố đô Huế). Theo ông, các di sản thiên nhiên thuần túy (Phong Nha - Kẻ Bàng, hồ Ba Bể, vịnh Nha Trang...) cần có cách khoanh vùng bảo vệ với các yêu cầu bảo vệ riêng, gần gũi với khoa học bảo tồn thiên nhiên, hơn là việc cấm đoán xây dựng?

- Cái khó và khác biệt giữa di tích và danh lam thắng cảnh là xác định “không gian bảo vệ” (khu vực 1, khu vực 2). Cái chung là cả 2 đều phải bảo vệ cái yếu tố gốc (thiên nhiên và những kiến trúc) được đánh giá là “nguyên trạng” nhưng vẫn đều có điều khoản là được xây dựng công trình mới với sự thẩm duyệt và được phép của cấp có thẩm quyền công nhận di sản ấy. Đương nhiên việc thẩm định và cấp phép phải chặt chẽ và thận trọng. Như thế không phải là tuyệt đối không được phép xây dựng trong không gian bảo tồn, vấn đề là xây cái gì và như thế nào. Nó đòi hỏi người cấp phép phải bảo đảm sự minh bạch và tranh thủ được những tư vấn khoa học có chất lượng, không đơn gian chỉ là mối quan hệ xin-cho.

* Vẫn tiếp tục câu hỏi trên, ông có nghĩ rằng một mặt nào đó, chính việc áp các tiêu chí của di sản văn hóa vào vịnh Nha Trang cũng góp phần khiến cho mâu thuẫn thêm căng thẳng, dẫn đến việc có lúc người ta muốn rút vịnh Nha Trang ra khỏi danh hiệu này?

- Như dẫn chứng bạn đưa ra về trường hợp vịnh Nha Trang thì ý định xin “rút” khỏi danh hiệu chỉ là một cách nhìn hạn hẹp và nên nhớ rằng đấy là di sản nhân loại chứ không chỉ là của tỉnh nên ngay cả ý tưởng “xin rút” cũng là điều không được phép, chỉ trừ trường hợp sự vi phạm quá đáng thì sẽ bị “loại” khỏi danh sách mà thôi... Thời gian sẽ chứng minh rằng càng bảo tồn được bao nhiêu thì hiệu quả phát triển càng lớn bấy nhiêu.

* Lập hồ sơ hay quản lý các di sản thiên nhiên đòi hỏi phải có kiến thức về khoa học tự nhiên, và về việc bảo tồn thiên nhiên. Ông nghĩ gì khi Cục Di sản chưa có phòng chuyên trách về di sản thiên nhiên (*)? Cần phải kiện toàn bộ máy như thế nào để có thể lập hồ sơ xếp hạng các di sản thiên nhiên ở cấp quốc gia hoặc quốc tế (Ví dụ hồ Ba Bể đang được đề cử là Di sản thế giới)?

- Đúng là trong cơ quan Cục Di sản chưa có chuyên gia chuyên trách lĩnh vực này, nhưng việc lập hồ sơ mang tính quốc gia nên nó sẽ được bổ sung những thành phần chuyên gia có liên quan. Hội đồng thẩm định hồ sơ hồ Ba Bể mà tôi tham gia có mặt nhiều chuyên gia của các lĩnh vực khoa học tự nhiên có liên quan (đa dạng sinh học, địa chất, lâm học, môi trường v.v...)

(*) Về điều này, TS Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho biết, việc quản lý di sản thiên nhiên nằm trong Phòng Quản lý Di tích của Cục vì di sản thiên nhiên, tức các danh lam thắng cảnh, cũng được coi là “di tích”, do đó không nhất thiết phải ra thành một phòng quản lý riêng.

Nguyễn Mỹ (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm