Di sản phi vật thể - không nên phân loại theo giá trị? (Kỳ 3)

11/06/2009 15:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Vấn đề có nên xếp hạng các di sản văn hóa phi vật thể hay không đã được trao đổi thẳng thắn trong dư luận cũng như trên diễn đàn Quốc hội vừa qua. Tiếp theo ý kiến khẳng định sự cần thiết phải xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia đối với các di sản văn hóa phi vật thể, TT&VH xin giới thiệu quan điểm của TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH, TT&DL) qua cuộc trao đổi sau đây:

Nên phân loại theo sức sống của di sản…!

* Về vấn đề xếp hạng các di sản phi vật thể: Một số ý kiến đề nghị phải xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng không nên. Xin bà cho biết ý kiến của bà? Và cũng xin bà cho biết là cho đến nay, Quốc hội đã thống nhất về vấn đề này theo hướng nào chưa?

- Quan điểm của tôi là không phân loại, xếp hạng, phân biệt đẳng cấp giữa các di sản dựa trên tầm quan trọng hay là giá trị của di sản mà nên phân loại theo mức độ hiện trạng sức sống của di sản và tính cấp thiết cần phải bảo vệ.

Hiện, cũng đang còn có hai xu hướng ý kiến khác nhau như trên, song tôi hy vọng là Quốc hội sẽ thống nhất ý kiến không xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể.

* Thật ra, việc xếp hạng hay chỉ là “kiểm kê” di sản phi vật thể không quan trọng bằng việc các di sản sẽ được bảo tồn như thế nào. Theo bà, nếu chỉ kiểm kê thì liệu rằng các di sản phi vật thể có đủ cơ sở pháp lý để bảo vệ chưa?

- Việt Nam chúng ta đã tham gia Công ước quốc tế UNESCO năm 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Một trong những biện pháp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là kiểm kê (điều 12 Công ước). Nhưng kiểm kê ở đây không đơn giản là thống kê để biết mà kiểm kê nhằm đánh giá hiện trạng di sản để có biện pháp bảo vệ. Hơn nữa công việc này không phải chỉ là việc của các nhà nghiên cứu mà vai trò quan trọng thuộc về cộng đồng - các chủ thể văn hóa. Họ phải là người nhận dạng di sản của họ và quyết định biện pháp để bảo vệ. Hai ngày vừa qua (4-5/6), chúng tôi vừa cùng với Viện Âm nhạc đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả kiểm kê ca trù và tập huấn cho cộng đồng những kiến thức và kỹ năng chuyên môn về lĩnh vực này.
|
Kết quả danh mục kiểm kê nào chỉ ra được một cách rõ ràng sức sống của di sản và các biện pháp để bảo vệ thì danh mục đó là cơ sở khoa học để bảo vệ. Còn về cơ sở pháp lý, vấn đề kiểm kê đã được xác định khá rõ trong Luật Di sản văn hóa và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Điều 17 (Luật) Điều 5 và 7 (Nghị định).


Hát quan họ

Nếu cứ cố xếp hạng thì lại… có hại?

* Xin được trao đổi thêm một ý này nữa, đành rằng không phải cứ di sản đã được xếp hạng mới được bảo vệ (mọi di sản đều được bảo vệ). Nhưng đối với tâm lý của nhiều người Việt Nam, không có cái bằng công nhận thì... có thể nhiều người không ý thức hết được giá trị của di sản (tâm lý “Bụt chùa nhà không thiêng” mà). Trong khi đó, các di sản văn hóa phi vật thể thì lại rất mong manh và dễ bị biến dạng trong đời sống hiện đại. Vì thế, dù UNESCO không chủ trương, nhưng nếu ta cứ xếp hạng để tôn vinh thì... có hại gì không?

- Nếu cứ cố xếp hạng thì lại có hại bởi vì di sản văn hóa phi vật thể của mỗi cộng đồng đều có ý nghĩa và quan trọng đối với cộng đồng đó. Tại sao cứ phải phân biệt cái này hơn, cái này kém như vậy là không bình đẳng và sẽ gây nên sự bất bình trong cộng đồng. Không phải UNESCO chủ trương “không xếp hạng” một cách duy ý chí đâu, quyết định này là sự đồng thuận của hơn 100 quốc gia (chính xác là 114 quốc gia) thành viên, trên cơ sở của bài học kinh nghiệm đã từng có về việc đã thử phân loại xếp hạng theo giá trị. Bằng chứng là trước đây UNESCO có chương trình công nhận các kiệt tác VHPVT của nhân loại nhưng đến nay UNESCO đã quyết định thay đổi hình thức này và chỉ ghi danh các di sản vào hai danh sách Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Mục đích của hai danh sách này là bảo vệ di sản ở tầm quốc tế.

* Hội Văn nghệ Dân gian VN cho rằng họ đã “tổng kiểm kê” di sản văn hóa phi vật thể. Liệu tới đây trong việc kiểm kê di sản, Cục có sử dụng hoặc tham khảo các kết quả này không? Cục sẽ triển khai việc kiểm kê ra sao? Trong thời gian bao lâu thì hoàn thành?

- Cục DSVH là cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ cùng với các cơ quan hữu quan, các tổ chức, các chuyên gia xây dựng chính sách, quy định, hướng dẫn các biện pháp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có vấn đề kiểm kê. Trong công tác nghiên cứu khoa học thì việc tham khảo, kế thừa các kết quả nghiên cứu đã có là việc đương nhiên. Chúng tôi rất mong sớm được tiếp cận với công trình nghiên cứu nói trên.

Công việc kiểm kê đã và sẽ tiếp tục được tiến hành với mô hình tổ chức cộng đồng - nhà quản lý - nhà nghiên cứu cùng tham gia, trong đó cộng đồng giữ vai trò quan trọng. Di sản văn hóa phi vật thể là di sản sống, không đứng yên và luôn thay đổi, biến động. Vì vậy công việc kiểm kê tiến hành theo từng đợt, sẽ phải cập nhật danh mục kiểm kê định kỳ và chắc chắn là không có danh mục kết thúc.

* Xin cảm ơn bà.

Kỳ cuối: Đề cử Di sản thế giới - phải lấy yêu cầu khoa học làm trọng!

Nguyễn Mỹ (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm