Bài toán khó ở di tích làng cổ, phố cổ (Kỳ 2)

10/06/2009 16:04 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nên tách bạch rõ ràng giữa các danh lam thắng cảnh và các di tích lịch sử văn hóa để có cách ứng xử phù hợp với đặc thù của mỗi đối tượng – đó là nội dung phần trò chuyện đầu tiên giữa TT&VH với nhà sử học Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Tiếp theo là những nội dung liên quan đến các di tích phố cổ, làng cổ - một “loại hình” di tích khá đặc biệt, mà tới nay, cùng với Phố cổ Hà Nội, đã có ít nhất 2 ngôi làng được xếp hạng “di tích quốc gia” là Làng cổ Đường Lâm (2006) và Làng cổ Phước Tích 2009). Nhưng xếp hạng thì dễ, tìm cơ chế bảo tồn hợp lý mới là khó.

Phố cổ HN - gần như mang dáng dấp một “quy hoạch treo”

* Về loại hình các di tích phố cổ, làng cổ. Đó là các quần thể di tích đa dạng về chủ sở hữu và về giá trị (xen cấy giữa các giá trị biểu trưng và giá trị thường ngày). Vậy theo ông, Luật Di sản văn hóa có cần tách làng cổ, phố cổ ra thành một loại hình di tích riêng, phân biệt với các di tích thông thường như đình, chùa (thuần túy là sở hữu công cộng)?

Nhà sử học Dương Trung Quốc
- Đúng là phần lớn di sản ở nước ta là những “sinh thể”, nó đang phát huy các công năng, chứa đựng cả nhu cầu của đời sống hiện đại trong cái vỏ vật chất (di sản vật thể) có giá trị di tích, nên tạo ra nhiều mâu thuẫn trong việc bảo tồn và phát huy. Chỉ trừ một số lượng không lớn những phế tích cũng như các công trình mang tính chất quốc gia, phần lớn các di sản của chúng ta là những công trình vốn của các làng xã đã và đang bị tác động mạnh mẽ bởi quá trình đô thị hoá. Do vậy, cách ứng xử và giải pháp bảo tồn là một bài toán khó.

* Ông có thể nói rõ hơn?

- Ví như riêng với “khu phố cổ” đã có biết bao nhiêu cuộc hội thảo trong nước và quốc tế. Vì thế cũng không nên tách ra thành một loại hình di tích riêng. Vì càng quy định chi tiết, ta tưởng chặt chẽ thì càng tác động tiêu cực hơn mà thôi. Vấn đề là tìm giải pháp hợp lý xây dựng thành dự án mang tính khả thi. Việc Hà Nội khoanh Khu phố cổ quá lớn để bảo tồn đang tạo ra những tác động tiêu cực hơn là tích cực. Vì thiếu tính khả thi nên cái đáng giữ vẫn không giữ được, sự vi phạm vẫn xẩy ra tạo kẽ hở cho tiêu cực do quan hệ xin-cho và gần như nó cũng mang dáng dấp một “quy hoạch treo” mà theo tôi, hạn chế lớn nhất là chưa quan tâm đến lợi ích cộng đồng cư dân của Khu phố Cổ này, là những tác nhân tích cực cũng như tiêu cực vào mục tiêu này, tuỳ thuộc vào những chủ trương đúng đắn hay sai lầm của cơ quan quản lý...

Với loại hình đền chùa, các cơ sở hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng cũng nẩy sinh những vấn đề của nó khi phương thức quản lý là tự quản của cộng đồng cư dân địa phương và giáo hội... Tóm lại rất khó cụ thể hóa thành luật tất cả tính đa dạng và phức tạp của các loại hình di tích rất phổ biến này.

* Ông có nghĩ rằng việc khoanh vùng các di tích làng cổ, phố cổ là đầy bất cập nếu đối chiếu theo quy định của Luật? (Ví dụ Khu vực 1 của làng cổ gồm đến mấy ngôi làng; của Phố cổ gồm bao nhiêu dãy phố chẳng lẽ trong các làng đó tôi phải “giữ gìn nguyên trạng”, cấm xây dựng sao?

- Câu trả lời cũng tương tự như ở câu trên, cần để chính chủ nhân của không gian bảo tồn ấy tham gia vào quá trình xây dựng phương án cũng như tự quản mà nhân tố tích cực nhất là chính lợi ích của họ phù hợp với mục tiêu bảo tồn. Bài học thành công của Hội An rất đáng tham khảo. 

Di sản Phi vật thể: không thể ứng xử hoàn toàn như “Vật thể”

* Về vấn đề xếp hạng các Di sản văn hóa Phi vật thể. Một số ý kiến đề nghị phải xếp hạng như ý kiến của GS.TS Tô Ngọc Thanh… Ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) cho rằng không nên và nêu ví dụ rằng: “Hát quan họ Bắc Ninh thì chúng ta xếp là di sản quốc gia. Vậy thì hát si, hát lượn ở Lạng Sơn có xếp là quốc gia không hay chỉ là cấp tỉnh. Nếu xếp hạng như vậy, sẽ tạo ra những bất bình đẳng giữa các cộng đồng”. Cá nhân tôi nghiêng về ý kiến cần xếp hạng, vì nếu cái đình cái chùa có thể phân hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh; thì không lẽ gì hai loại hình dân ca lại không thể phân thứ hạng được? Quan điểm của ông như thế nào?

- Theo tôi hiểu, vấn đề “di sản văn hoá phi vật thể” là một phát hiện mới trong nhận thức bảo tồn. Nhưng nó ngày càng được quan tâm vì hàng ngày, hàng giờ nó đang bị xâm hại và có nguy cơ bị mai một. Nhưng chính vì đặc trưng “phi vật thể” nên nó không thể ứng xử hoàn toàn như loại hình “vật thể”. Tinh thần của Liên Hiệp Quốc hình như cũng không đặt vấn đề “xếp hạng” mà là kiểm kê và phân loại trong đó có một tiêu chí được quan tâm hàng đầu là “nguy cơ bị thất thoát” với mục tiêu để bảo tồn, tạo môi trường để tái sinh. Có lẽ vì nếu phân loại rất khó có tiêu chí so sánh về giá trị, nhất là việc định lượng cấp độ (hơn kém).


Một góc Phố cổ Hà Nội. Ảnh: Xóm nhiếp ảnh

Di sản phi vật thể thường gắn với các cộng đồng, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng... nên dễ nảy sinh những vấn đề rất nhạy cảm nếu so sánh theo mối tương quan “hơn - kém”. Không thể coi ngôn ngữ tiếng Việt có giá trị hơn ngôn ngữ của một cộng đồng khác dù rất nhỏ về số lượng và phạm vi ảnh hưởng... Vì thế Luật chỉ quy định việc kiểm kê, lập danh sách, hồ sơ khoa học để có giải pháp bảo tồn, ngăn chặn nguy cơ bị thất thoát, mai một...

* Nghĩa là…?

- Ý kiến của GS Thuyết cũng là điều đã được thảo luận trong các hội thảo thẩm định Luật Di sản văn hóa, và theo tôi biết ông cũng đã có những trao đổi trực tiếp với GS Thanh. Khi chọn “Nhã nhạc Huế”, “Không gian Cồng chiêng Tây Nguyên” hay đang làm hồ sơ “Quan họ”, “Ca trù”... thì các loại hình đó được xác nhận mang tính “tiêu biểu” với tiêu chí là có nguy cơ thất thoát nhưng lại có khả năng bảo tồn hơn là vì nó đặc sắc hơn những loại hình khác. Nhưng tôi cũng hiểu là khi lựa chọn các loại hình này, chúng ta đều quan tâm tính đặc sắc của nó để giới thiệu với các loại hình của các nền văn hóa khác...
 
Còn đề xuất của bạn thì cứ đề xuất cũng như cũng đã có người đề xuất mà chưa đưa được vào Dự Luật này vì những lý do như GS Thuyết đã phát biểu. Nhận thức là một quá trình…

Kỳ 3: Trò chuyện với TS Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục DSVH về việc phân loại di sản phi vật thể!

Nguyễn Mỹ (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm