“Ánh sáng” nào cuối con đường mưu sinh?

23/04/2011 13:18 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Khi những nhân viên mát-xa khiếm thị nam hàng ngày phải đối mặt với những hành vi “quấy rối” của một số kẻ “bệnh hoạn”, thì những nhân viên mát-xa khiếm thị nữ phải tìm mọi cách để bảo vệ mình bởi sự “vô tâm” của ông bà chủ trước những hành vi “sàm sỡ” của các vị khách. Và họ đã kêu cứu…!

Qua thông tin trên mạng, chúng tôi tìm đến một cơ sở mát-xa người khiếm thị đảm nhiệm có tên là T.C, đường Nguyễn Du, quận Gò Vấp. Theo yêu cầu, người quản lý đưa nhân viên mát-xa nữ vào phục vụ. Sau khi được đưa vào căn phòng có 4 giường mát-xa được ngăn cách bằng những tấm vải, H.M, 30 tuổi, bước vào, khoác trên mình chiếc áo khoác trắng dùng trong ngành y, khuôn mặt hiền hậu với cặp kính đen để che đi đôi mắt tật nguyền.

“Cắn răng” để mưu sinh

Các chị N.T.H.M va N.T.M cảm thấy thoải mái và có nhiều niềm vui hơn khi đến được cơ sở mát-xa nghiêm túc

Chúng tôi hỏi H.M vì sao mát-xa của người khiếm thị lại cho phép nhân viên nữ phục vụ cho khách nam, H.M cho biết: “Thường thì hiếm khi có nữ vào mát-xa lắm anh ơi, nên mới cho tụi em mát-xa khách nam, không như vậy thì biết lấy gì mà tụi em sống được”.

Những nhân viên như H.M phải “hứng chịu” những hậu quả khi phục vụ các vị khách, nhất là khi họ say xỉn.

Từ khi lên 3 tuổi, đôi mắt của H.M đã tắt lịm ánh sáng vì căn bệnh sốt phát ban quái ác, N.T.H.M nói: “Quê em ở Đồng Nai, từ nhỏ đã bị mù nên không làm được gì. Nhiều người mù là nữ như tụi em thường chỉ làm được có 2 nghề để kiếm sống, một là đi bán vé số, hai là đi làm nghề mát-xa này. Em chỉ muốn đi làm kiếm tiền để tự lo cho bản thân mình và gặp được những người bạn khiếm thị để không còn cảm thấy cô đơn, buồn tẻ”.

Tương tự như H.M, chúng tôi cũng gặp N.T.M, 24 tuổi, hiện đang làm nhân viên mát-xa nữ tại cơ sở T.C. Đôi mắt em cũng bị cướp đi ánh sáng từ quá nhỏ, em không thể nhớ được khuôn mặt của cha, mẹ và anh chị em của mình.

Cả 2 nhân viên đồng cảnh ngộ này đã kể cho chúng tôi nghe những gian nan, vất vả, có lúc rơi nước mắt khi làm nghề. N.T.M nói: “Trước đây làm ở nơi khác, bọn em mới về đây được khoảng 1 tháng. Công việc của bọn em thường hay gặp những vị khách say xỉn và có những hành động sàm sỡ bọn em. Em phải ráng nói cho mấy vị khách đó hiểu là ở đây là làm mát-xa của người mù, không có làm những “chuyện ấy”. Có người hiểu được thì không sao, còn không hiểu được thì em chỉ còn một cách là bỏ chạy ra khỏi phòng”.

H.M kể thêm: “Ngày trước em làm ở một cơ sở mát-xa tại Dầu Dây, Đồng Nai nhưng ít khách quá, mà lại còn bị khách quấy rối nên xin nghỉ đi bán vé số. Nhưng thấy mình bị mù đi bán vé số thì bị khách lừa nói đưa hết xấp vé cho lựa rồi lấy mất tiêu. Em chẳng biết phải làm gì hơn nên quay lại nghề mát-xa”.

H.M ngậm ngùi kể cho chúng tôi nghe những ngày tháng gian truân của mình: “Khi còn làm ở Đồng Nai, mình đeo bảng tên hội người mù mà nhiều ông khách vẫn nói cho “rờ” tí xíu, rồi cho tiền típ (tiền boa). Nhưng em kiên quyết cự tuyệt, không cần tiền típ, chỉ cần nhận được đồng tiền lương thiện. Không vừa ý, họ ra gặp chủ chê mình làm không tốt, rồi chủ lại la em là không làm cho khách hài lòng. Nhiều lúc em chỉ biết ngồi khóc, không thể chịu nổi lại xin nghỉ và xin qua một cơ sở ở quận 11. Nhưng mỗi tháng chỉ được vài trăm ngàn đồng nhưng phải tự lo chỗ ăn, ở, khi làm mà nghe điện thoại thì lại bị phạt 100 ngàn và giam máy của mình cả chục ngày. Bây giờ em mới chuyển qua đây, khách cũng còn ít lắm nhưng cảm thấy thoải mái hơn trước”.

Từng thay đổi nhiều chỗ làm, điều mong muốn nhất của những nhân viên như H.M là tìm được một tiệm mát-xa có điều kiện làm việc tốt hơn, an toàn cho bản thân hơn.

Lời kêu cứu của một người mù

Chúng tôi đã gặp anh N.Q.P, hội viên của Hội Người mù TP.HCM và đồng thời là thầy dạy nhạc tại một số trung tâm văn hóa. Trong số học trò mà anh đã từng dạy nhạc trước đây, nay là những nhân viên mát-xa khiếm thị.

Theo anh N.Q.P, chính những người bạn, người học trò khiếm thị làm nghề mát-xa đã từng kể cho anh biết về những tệ nạn đang diễn ra tại các điểm mát-xa này và thậm chí chính anh cũng đã từng xâm nhập vào các cơ sở có “vấn đề” để tìm hiểu. Anh N.Q.P cho biết: “Những người mù muốn có công việc làm ăn chân chính nhưng nhiều người đang là “con mồi” để đối tượng xấu trục lợi.

Tôi đều biết hoạt động của các cơ sở mát-xa nằm trên địa bàn TP.HCM như quận 12, quận Gò Vấp, Củ Chi, quận Bình Thạnh, quận 10... và các cơ sở ở Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Long Thành, Nhơn Trạch, TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), Đồng Tháp, An Giang... đang có những tệ nạn và ảnh hưởng trực tiếp đến người khiếm thị. Có những khách khi không được nhân viên mát-xa đáp ứng “nhu cầu” thì họ đã lấn tới làm đại, có kẻ còn đòi giở trò đồi bại. Tôi biết có nhiều trường hợp người mù vì miếng cơm manh áo nên đành phải cắn răng chịu đựng, không dám lên tiếng nhưng mong chính quyền các địa phương ngay lúc này có biện pháp để can thiệp, họ không thấy đường nên không thể chạy thoát được. Họ đang làm nghề chân chính, xin đừng để những tệ nạn xâm phạm đến họ và mong đem lại cho họ niềm tin trong cuộc sống”.

Trao đổi với một cán bộ công tác tại Hội Người mù TP.HCM về những bất cập nêu trên, vị cán bộ này chỉ cho rằng: những vấn đề có liên quan đến xâm hại, quấy rối người mù tại các cơ sở mát-xa là của tư nhân và trước đây đã từng nghe đến thông tin này nhưng là thông tin chưa chính thức, chỉ là dư luận “bàn ra tán vào”. Mặt khác, về mặt pháp luật có Nhà nước, ban ngành địa phương lo, các cơ sở này không nằm trong hệ thống của Hội nên chúng tôi không kiểm soát hết. Hội Người mù hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ có giới hạn.

Những người khuyết tật vốn đã mang số phận thiệt thòi, những kẻ lợi dụng họ để trục lợi và thỏa mãn những sở thích “bệnh hoạn” đáng bị xã hội lên án. Xin đừng đẩy họ vào ngõ cụt trên con đường mưu sinh vốn đã nhọc nhằn.

Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm