VAR chỉ là giấc mơ xa xỉ

14/03/2019 05:59 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Những người yêu thích các con số thống kê đã chỉ ra rằng, thời gian bóng trong cuộc của một trận đấu tại V-League chỉ chưa đầy 50 phút. 50/90 phút, vậy 40 phút còn lại trái bóng ở trên khán đài à?

Văn Lâm và VAR mang chiến thắng về cho Muangthong United

Văn Lâm và VAR mang chiến thắng về cho Muangthong United

Sự chắc chắn của Đặng Văn Lâm trong khung thành, khoảnh khắc lóe sáng của Dangda hay tình huống ghi bàn trên chấm 11m của Heberty đã giúp Muangthong United giành chiến thắng 2-0 trước Chiangmai FC tại vòng 3 Thai League tối 9/3.

Tốc độ trận đấu thấp, ngoài yếu tố chiến thuật của HLV, thì phải kể đến chất lượng mặt cỏ không tốt. "Mặt sân xấu khiến các đường bóng không thể diễn ra nhanh hơn, đặc biệt là nó còn chuyển hướng đi của quả bóng, rất bất lợi", cựu tiền đạo Amaobi từng chia sẻ như thế.

Trận đấu bị vỡ vụn, xé lẻ nhiều, chính là bởi những tranh cãi liên tục, va chạm liên tục và cả những "tiếng còi méo" của "vua áo đen". Khi cần cắt còi thì lại xua tay và ngược lại. Nhưng tệ hơn, đấy là những màn câu giờ đến nhàm chán, lặp đi lặp lại của đội bóng đang tạo được lợi dẫn, ở nhiều thời điểm khác nhau của trận đấu...

Vậy tại sao chúng ta lại còn đề cập đến công nghệ VAR (gọi nôm na là trọng tài video)? VAR (nếu được áp dụng) sẽ hỗ trợ và hạn chế tối đa sai sót của trọng tài, nhưng cùng với đó là trận đấu còn vỡ vụn hơn nữa, còn xé lẻ hơn nữa và thời gian bóng động, tức thời gian bóng trong cuộc còn thấp hơn nữa. Công nghệ hỗ trợ trọng tài VAR còn lâu mới áp dụng được ở Việt Nam. Tại sao?

Đây là một công nghệ truyền hình đắt tiền và phần lớn các giải đấu hàng đầu đang sử dụng nó, đều phải đi thuê mướn, chứ không thể tự mua trang thiết bị, tự sản xuất. Các góc máy VAR đa chiều, đặt chi chít ở các vị trí thuận lợi và khoa học nhất, tất nhiên ngốn rất nhiều camera, cũng như người điều khiển. Tại V-League, nhà sản xuất trực tiếp một trận đấu dùng bao nhiêu camera? Có khi chỉ là 3 chiếc, toàn, trung và cận, cũng có khi nhiều hơn chút với một vài nhà đài gọi là có điều kiện.

Ví như trận đấu giữa SLNA và B.Bình Dương ở vòng 3 Wake-up 247 V-League 2019 vừa rồi chẳng hạn. Không biết nhà tổ chức thuê mướn nhóm nào để sản xuất trực tiếp trận đấu, nhưng chất lượng hình ảnh và đường chuyền quá tệ, tệ đến độ người xem khó có thể nhìn rõ tên và số áo của cầu thủ. Đấy là chưa kể khi đang phát sóng, thì màn hình có lúc bất chợt... đen thui! Đấy có phải là sản phẩm truyền hình được chào bán (với đối tác và nhà tài trợ)? Đến người xem còn ngán ngẩm, huống hồ gì những đơn vị trả tiền với gói thầu cao hơn nhiều.

Trở lại với các trận đấu chất lượng nghèo nàn ở V-League kéo dài trong nhiều mùa giải qua, vẻ như người trong cuộc vẫn loay hoay không biết cải thiện bằng cách nào. Nhưng trước khi kỳ vọng các CLB tự nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ thi đấu và chất lượng đội hình, thì nhà tổ chức phải tự cải thiện cung cách điều hành, cũng như công nghệ sản xuất giải đấu, đặc biệt là chất lượng sóng sạch truyền hình trực tiếp các trận đấu.

Kênh Bóng đá & Thể thao TV (VTVCab) cùng với VTV vẻ như là những đơn vị khá nhất tại Việt Nam, với sự đầu tư bài bản về trang thiết bị, công nghệ, cũng như con người thực hiện. Nhưng Wake-up 247 V-League 2019 đâu chỉ có mỗi Bóng đá & Thể thao TV, VTV có bản quyền sóng sạch, tự sản xuất, để cung cấp cho các thuê bao của mình?!

Hiện các công ty truyền hình tư nhân với thiết bị cùng đội ngũ "ê-kíp" sản xuất bài bản, có nghề không thiếu, song có lẽ phải tốn chút đỉnh kinh phí thuê mướn. Thế thì vì sao nhà tổ chức lại chưa lo được điều kiện sản xuất tốt nhất cho chất lượng sản phẩm của mình?

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm