'Mây vẫn bay trên bầu trời thành phố': Nỗi cô đơn thành thị

06/09/2021 08:46 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Không có buổi ra mắt, ký tặng sách dành cho độc giả và bạn bè, không truyền thông rầm rộ để quảng bá vì tình hình đại dịch Covid-19, nhưng như hoa đến kỳ phải nở, cuốn sách đã in xong phải lên kệ và đến tay bạn đọc. Đó là những gì mà nhà văn Hồ Huy Sơn và NXB Tổng hợp TP.HCM có thể làm đối với tập truyện ngắn Mây vẫn bay trên bầu trời thành phố vừa ra mắt.

Tập truyện ngắn 'Bóng chiều quê': Đọc để thấm 'tục hay, nếp cũ' Nam Bộ

Tập truyện ngắn 'Bóng chiều quê': Đọc để thấm 'tục hay, nếp cũ' Nam Bộ

Đọc "Bóng chiều quê" (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2018) của Trần Bảo Định đáng để nâng niu, trân trọng. Và biết đâu đấy, là sự gợi mở cho những người tiếp bước con đường ông đang đi, cũng là để lưu giữ, bảo tồn “Nam Bộ tính” qua văn chương trong nhịp bước vội của cuộc sống đô thị hóa hiện nay!

Nếu ai đang cầm trên tay tập truyện này, trong lúc vài đô thị nhộn nhịp nhất nước phải giãn cách xã hội, hẳn sẽ thấy thấm hơn, đồng điệu hơn với những gì nhà văn trải ra trên từng trang sách.

Nhân tính ngời sáng

Từ mở đầu cho đến khép lại tập truyện ngắn, người đọc luôn luôn cảm thấy ở đó có một bầu khí quyển cô đơn bàng bạc, bọc lấy tâm hồn các nhân vật chính. Đó là nỗi cô đơn như một phản ứng tự thân, một loại miễn dịch được sinh ra để giúp cho các sinh linh có thể tồn tại giữa những áp lực và sự xâm tổn của xã hội thị thành.

Mỗi câu chuyện được kể bằng một giọng văn, trong tâm thế tìm kiếm các phút giây sống chậm, rỉ rả, tự cho phép mình hồi ức lại, tìm đến những cách thế đã tạo nên số phận các nhân vật trong tình thế hiện tại.

Chú thích ảnh
Nhà văn Hồ Huy Sơn

Những nhân vật như Diêu, thằng bé bán vé số, cô công nhân ở trọ, bà bán hủ tiếu, cô chủ quán nhỏ, một anh nhà văn nào đó… đại diện cho tầng lớp bình dân thị thành. Thường những nỗi niềm riêng tư của họ ít được xã hội chú ý, quan tâm. Thì ở suốt tập truyện này, tác giả đã khơi dậy, đồng cảm và cho thấy những tia sáng lấp lánh nơi những tâm hồn ẩn sâu trong thân phận bình dân ấy.

3 nút thắt quan trọng hình thành nên các mối quan hệ trong mỗi câu chuyện: Tình yêu - tình thân - tình người. Có một điểm chung là những đổ vỡ trong 3 cái tình ấy đều đem đến cho con người những thương tổn khủng khiếp. Cô công nhân xóm trọ bị lừa tình, bụng mang dạ chửa, bị tai tiếng. Bà chị không muốn lời qua tiếng lại bị em gái lừa tiền lủi thủi một góc trọ. Đứa con bị ám ảnh bởi cú kết liễu con gà của người cha mà mắc kẹt mãi trong quá khứ… Tất cả những điều ấy, chung quy lại cũng bởi tâm hồn con người ta, dù là tầng lớp nào đi chăng nữa, thì cũng quá đỗi nhạy cảm và dễ bị thương tổn. Thậm chí là thương tổn đến sâu sắc, một loại vết thương vô hình, nhưng không bao giờ lành.

Chú thích ảnh

Tuy nhiên, có một điều cứu rỗi cho những tâm hồn kia và cũng là sự cứu rỗi mà tác giả dụng ý, muốn mang đến cho người đọc. Đó là: Dù bị thương tổn, nhưng cái nhân tính ngời sáng, ở sâu bên trong mỗi người, nhờ lòng trắc ẩn, tự nhiên được lên tiếng.

Đứa bé chưa ra đời không thể thiếu mẹ, người chị không thể kiện tụng vạch mặt em mình… họ nhận đau cho mình, để cuộc đời còn chút lý do tin vào sự thiện lương và được an ủi. Và rồi ai cũng phải tiếp xúc với đời sống, nỗi cô đơn như kháng thể kia, mặt nào đó cũng là cách để họ kết nối với xã hội.

Bởi nói như nhân vật tôi trong Mây vẫn bay trên bầu trời thành phố, truyện ngắn dài nhất, thì: “Câu “Bạn bè với nhau mà” của Huy khiến tôi cảm động. Vì lúc đó tôi nhận ra, cuộc sống không có bạn, thực ra không phải là một điều gì quá khủng khiếp, nhưng nếu không có, lại là một thiệt thòi lớn mà không phải ai cũng nhận ra. Bởi vậy lúc này, tôi nghĩ mình là một người may mắn”.

Những tâm hồn ấy, như những mảnh ghép hiển nhiên tạo nên bức tranh thị dân trực quan, dung dị.

Chú thích ảnh
Bìa tập truyện ngắn “Mây vẫn bay trên bầu trời thành phố”

Một giọng văn nhất quán

Hồ Huy Sơn quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, hiện sống tại TP.HCM, thuộc thế hệ cầm bút 8X. Anh không còn xa lạ với độc giả, khi mà tác phẩm thường xuyên xuất hiện trên các mặt báo hơn 10 năm qua, đoạt gần 10 giải thưởng văn học. Anh cũng có riêng cho mình một bộ sưu tập gồm 7 tập sách đã xuất bản, có truyện ngắn, thơ, tản văn, chân dung văn nghệ… Các tập như Ngày lạ (thơ), Cơm nhà cơm người (truyện ngắn), Một cảnh không có trên phim (truyện ngắn)… đã tạo ấn tượng khá tốt nơi người đọc.

Đặc biệt, anh cũng dành nhiều tâm huyết cho thiếu nhi, từ 2007 đến nay đã in các tập Con trai con gái, Thả chim về trời, Bộ kỹ năng dành cho trẻ từ 1-6 tuổi, Con diều ngược gió, Đi qua những mùa vàng. Hồ Huy Sơn cũng còn một số bản thảo viết cho thiếu nhi, chưa xuất bản.

Đến tập truyện ngắn Mây vẫn bay trên bầu trời thành phố, cây bút này cho thấy một giọng văn xuyên suốt và nhất quán: Kể về những mảnh đời lẻ loi, chịu nhiều mất mát, bằng một cách kể của sự trải nghiệm và vị tha. Nơi những mất mát, thương tổn như là một thể tính của tâm hồn thị dân.

Không chỉ mô tả về thân phận con người, tập truyện còn cho thấy những trăn trở và quan niệm của nhà văn về vấn đề giữa người viết và cách ứng xử với tác phẩm của mình, giữa tác giả với bạn đọc, giữa tác giả với thân phận con người mà mình dựng nên.

Về chuyện sáng tác, dù đã có bề dày tương đối, nhưng như chính Hồ Huy Sơn đã chia sẻ trong một bài phỏng vấn mới đây: “Tôi chỉ vừa rời vạch xuất phát”. Hy vọng với những trăn trở và tìm tòi trên trang viết, độc giả có quyền trông đợi những tác phẩm dày dặn và sâu sắc về suy tư từ anh trong tương lai.

Bảo Bình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm