Những truyện ngắn có 'lời nói đầu'

25/05/2014 07:31 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - NXB Phụ nữ và Phương Nam Book vừa tái bản có bổ sung tập truyện Tôi hay mà em đâu có thương của nhà văn Đoàn Thạch Biền. Truyện của Đoàn Thạch Biền chưa bao giờ là sách “best-seller” nhưng cứ được tái bản đều đều.

Những ai mê văn chương của ông Biền “Áo trắng” đều thích chất dí dỏm nhẹ nhàng trong các truyện của ông. Gọi nhà văn Đoàn Thạch Biền là ông Biền “Áo trắng” vì ông là người khai sinh và làm chủ biên tuyển tập văn chương Áo trắng hơn 20 năm nay.

Sự dí dỏm của ông Biền “Áo trắng” không chỉ nằm trong các truyện ngắn, truyện dài mà còn thể hiện ở tên gọi các cuốn sách. Ví dụ, ông có tập truyện Tôi thương mà em đâu có hay lấy ý từ câu thơ của Quang Dũng: “Hồn lính vương qua vài sợi tóc/ Tôi thương em mà em đâu có hay”; thì sau đó ông có tập truyện Tôi hay mà em đâu có thương. Cách đặt tên tác phẩm của ông Biền để lại nhiều thú vị. Chẳng hạn ông có tập truyện Tình nhỏ làm sao quên, thì chỉ cần đảo các chữ trong tên tập truyện này sẽ cho ra một ý nghĩa khác rất dí dỏm.


Nói về Tôi hay mà em đâu có thương, ông Biền cho biết: “Đọc tựa truyện đó, có bạn sẽ nghĩ tôi là kẻ cao ngạo, hợm hĩnh. Ông thì có điểm gì “hay” mà khoe khoang? Chúa ơi! Tôi đâu có ý nói tôi “hay” là “tài giỏi”. Tôi chỉ muốn nói: Tôi hay (biết) mà, em đâu có thương (tôi)…”. Những lời trần tình như thế đều được tác giả nói ngay trước khi vào truyện. Có thể nói, Tôi hay mà em đâu có thương là tập truyện có “lời nói đầu” khá dễ thương nhằm tránh “hiểu lầm” cho người đọc.

Ở truyện Sông Hương có nói chi mô, ông Biền “mào đầu”: “Tôi đã đến Huế hai lần, lần nào cũng vội vã vì bận công việc nên chỉ ở lại một hai ngày. Huế vốn thâm trầm, thầm lặng, nên chẳng thể hiểu vội vã được. Tôi đã liều viết cái phần mình chưa hiểu về Huế nên không tránh khỏi sự hiểu lầm. Rất mong bạn đọc gốc Huế lượng thứ”.

Những “lời nói đầu” còn thể hiện tính tình kỹ lưỡng của người viết khi chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng cho người đọc vào truyện. Sông Hương có nói chi mô mở màn khi tác giả đi viếng Khiêm Lăng của vua Tự Đức. Vé vào cổng Khiêm Lăng có in thơ của Tự Đức: “Khôn dại cùng chung ba tấc đất/ Giàu sang chưa chín một nồi kê”. Tác giả tự hỏi, vua viết được vậy sao làm khổ người dân xây lăng mộ nguy nga, phải chăng giữa viết và làm thường khác xa nhau?

Có lẽ, nhờ sự dí dỏm nhẹ nhàng và những dự vị còn lại sau khi truyện kết thúc, nên những tác phẩm: Ví dụ ta yêu nhau, Những ngày tươi đẹp, Bất ngờ phía trái tim, Phượng yêu, Đừng đốt cháy bông hồng, Mùa Hè khắc nghiệt… của ông Biền “Áo trắng” được tái bản hoài. Được biết, tập truyện Sắc như mắc Phượng của ông Biền đang đến nhà in để tái ngộ bạn đọc trong mùa Hè này.

HOÀNG NHÂN
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm