Rắc rối bản quyền âm nhạc: Ai sẽ kiện ai?

05/07/2008 09:26 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - EURO đã kết thúc nhưng “cơn nóng” bản quyền âm nhạc giữa bên đi đòi - Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (TTBVQTGAN) và các bên phải trả, lần này toàn các “ông lớn”, gồm Đài truyền hình Việt Nam (VTV), Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) và Công ty cổ phần truyền thông VietnamNet (VMG), cả tháng qua vẫn không dịu đi. Thậm chí, có thông tin TTBVQTGAN có thể sẽ đâm đơn kiện…

* Bên “bán” đòi tăng, bên “mua” đòi giảm !

Ngày 9/6/2008, bản kiến nghị có chữ ký của 371 nhạc sĩ và các gia đình cố nhạc sĩ đồng loạt được gửi tới các cơ quan có thẩm quyền trong đó có VTV, VOV... Đây có lẽ là động thái cuối cùng của các nhạc sĩ sau khi TTBVQTGAM “thất bại” trong đàm phán. Trong bản kiến nghị, các nhạc sĩ khẳng định, VOV đang thực hiện chế độ nhuận bút với các tác phẩm âm nhạc mới sử dụng lần đầu, nhưng số tiền này không thể mua đứt tác phẩm. Trong khi đó, nhiều ca khúc của các thế hệ nhạc sĩ vẫn hằng ngày được phát trên sóng VOV mà không nhận được tiền tác quyền. Quá trình đàm phán của TTBVQTGAN với VOV kéo dài suốt 5 năm mà đôi bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
 
Còn VTV, mặc dù là một trong những đơn vị tiên phong trong việc trả tiền bản quyền cho các nhạc sĩ từ rất sớm, năm 2004, song việc này chỉ dừng lại ở quý I/2007 với số tiền được xem là ít ỏi : 47 triệu đồng/quý. Các nhạc sĩ cũng không chấp nhận cái giá tác quyền quá rẻ mà VTV đã trả: 10.000 đ/ ca khúc (với chương trình không có tài trợ) và 170.000 đ/ ca khúc với chương trình có tài trợ).
Tuy nhiên câu trả lời của VTV và VOV là mức trả như vậy đã phù hợp, do hầu hết tác phẩm âm nhạc được sử dụng trên sóng VTV, VOV đều nhằm mục đích phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội . Nhạc sĩ Phan Tuyết Minh – GĐ Hệ Âm nhạc VOV3 - khẳng định: “Hơn 60 năm nay, chưa bao giờ VOV quên trả tiền nhuận bút cho các nhạc sĩ. Ngân sách chỉ cấp cho VOV được phép trả nhuận bút theo đúng NĐ 61 và hiện áp dụng mức nhuận bút cao nhất... Trong các chương trình có quảng cáo, năm 2007, VOV đã trả cho các nhạc sĩ qua TTBVQTGAN 137,5 triệu đồng”.
 
Còn theo VTV, trong hơn 3 năm qua (kể từ năm 2004), họ đã trả khoảng 1,5 tỉ đồng qua TTBVQTGAM cho các bài hát được phát lại trên sóng. Riêng năm 2008, dù đã đến giữa năm, hợp đồng giữa VTV và TTBVQTGAM vẫn chưa được ký kết, theo VTV là do phía TTBVQTGAN đưa ra nhiều nguyên tắc bất hợp lý. Ông Trần Đăng Tuấn - Phó TGĐ VTV cho rằng: “Cách tốt nhất là căn cứ vào khả năng chi trả của các đơn vị sử dụng. Nếu mức giá đưa ra vượt quá khả năng chi trả, thì điều tất nhiên xảy ra là các đơn vị sẽ từ chối sử dụng tác phẩm...” !

* Không thỏa thuận được thì… mua riêng

Trong khi sự việc liên quan tới bản kiến nghị của 371 nhạc sĩ và đại diện gia đình các cố nhạc sĩ vẫn chưa thể đi đến hồi kết thì hơn 600 nhạc sĩ trong cả nước lại tiếp tục nhận được công văn của TTBVQTGAN thông tin về việc “báo điện tử VietNamNet một mặt sử dụng tác phẩm âm nhạc trên báo điện tử của mình, mặt khác chuyển nhượng quyền tác giả dưới hình thức bán bản quyền tác giả cho nhiều nơi sử dụng tác phẩm âm nhạc và thu về một khoản tiền rất lớn (với số lượng gần 5.000 bài hát), nhưng tới thời điểm này, VietNamNet chưa hề thanh toán bất cứ một khoản tiền tác quyền âm nhạc nào cho các tác giả thông qua TTBVQTGANVN”. Điều trớ trêu là tất cả các ca khúc đang được VMG sử dụng như “cáo buộc” của TTBVQTGAN lại đều đã được ký hợp đồng với chủ sở hữu, là nhạc sĩ, ca sĩ hoặc nhà sản xuất âm nhạc và khi kinh doanh những tác phẩm này, Trung tâm Bản quyền của tập đoàn VNPT trả trực tiếp cho người ký hợp đồng. Sở dĩ có chuyện “lòng vòng” như vậy cũng bởi phía VMG và TTBVQTGAN vẫn không thỏa thuận được mức giá “thuận mua vừa bán” trong năm 2008. Trước đó, từ năm 2005 đến hết năm 2007, Trung tâm Bản quyền VMG đại diện cho tập đoàn VNPT (trong đó có báo điện tử VNN) đã tiến hành ký hợp đồng về tác quyền âm nhạc với TTBVQTGAN và mọi thứ trước năm 2008 vẫn “êm đẹp”.


Trang Nhạc Việt Plus của VietNamNet

Đại diện phía VMG, ông Trần Quang Hải, Giám đốc Trung tâm Bản quyền cho rằng : “Điểm đáng lưu ý trong vấn đề bản quyền, theo tinh thần của các Công ước quốc tế, là: Thỏa thuận mức phí bản quyền giữa chủ sở hữu sản phẩm âm nhạc và người tiêu dùng. Sở dĩ có chữ “Thỏa thuận” là vì không thể áp mức phí bản quyền tại các nước có ngành công nghiệp giải trí phát triển mạnh như Mỹ, Pháp... vào những nước có ngành công nghiệp giải trí non trẻ được”. Cũng theo ông Hải, Trung tâm Bản quyền VMG “đã tiến hành song song cả hai biện pháp: Ký thông qua Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và bổ sung thêm bằng cách ký trực tiếp (với các tác giả-PV)”. Ông cũng cho rằng lý do của việc làm này là bởi sự khó khăn hay áp đặt giá của phía TTBVQTGAN, và làm như vậy, các nhạc sĩ cũng đỡ bị “mất” 25% phí cho TTBVQTGAN.

Lợi thì có lợi…

Gần 1 tháng sau khi diễn ra cuộc tranh luận khá “sôi nổi” trên các mặt báo của các bên liên quan xung quanh kiến nghị của các nhạc sĩ, ngày 2/7 vừa qua, Bộ VH - TT&DL đã có công văn trả lời gửi tới TTBVQTGAN, VTV, VOV, VTC và

TS Vũ Mạnh Chu - Cục trưởng cục Bản quyền tác giả VHNT (Bộ VH-TT&DL): “Luật đã quy định, tiền tác quyền mà các đơn vị sử dụng sản phẩm trí tuệ của các chủ sở hữu không thể tính bằng cách trả 1 lần hoặc “mua đứt”, mà trong những lần tái bản, phát sóng lại, tác giả của nó đều phải được nhận thù lao. Chừng nào vấn đề này chưa thông thì những tranh cãi xung quanh chuyện tác quyền sẽ còn tiếp tục kéo dài”.

các công ty truyền hình cáp do Thứ trưởng Trần Chiến Thắng ký, trong đó nêu rõ: “Nghĩa vụ thanh toán tiền sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng cũng phải được thực hiện đối với tất cả các chủ thể quyền khác theo quy định hiện hành”. Tuy nhiên, cái cách thức mà cơ quan quản lý đưa ra rất... mềm mỏng: “Các tổ chức phát sóng, các công ty truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số và TTBVQTGAN cần hợp tác trên tinh thần hiểu biết và thông cảm với nhau, để đi đến thỏa thuận về việc sử dụng và thanh toán tiền cho các nhạc sỹ thông qua TTBVQTGAN thuộc Hội nhạc sỹ Việt Nam, trong trường hợp các nhạc sỹ ủy quyền”.

Vấn đề ở đây là, nếu không đạt được thỏa thuận, tức là “bên mua” sẽ muốn trả tiền trực tiếp cho “người có” (các nhạc sĩ và những người chủ sở hữu bản quyền) thì trước mắt hai bên cùng có lợi-bên mua phải trả ít hơn, bên nhận lại được nhận “trọn gói” (không “mất” phí 25%). Nhưng như vậy, toàn bộ quá trình xây dựng TTBVQTGAN mấy năm qua đổ xuống sông xuống biển. Và hơn thế, câu chuyện chuyên nghiệp tác quyền lại trở về tình trạng “mo” như ngày nào. Điều phải giải quyết chính là “niềm tin” của các “bên mua” dành cho TTBVQTGAN mà thời gian qua đang có nhiều dấu hỏi. Niềm tin ấy đương nhiên phải xây dựng trên cơ sở hiểu biết trước khi được “thông cảm".

Thu Hằng - Thu Thủy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm