371 nhạc sĩ “kêu cứu” chuyện tác quyền

09/06/2008 23:53 GMT+7 | Âm nhạc

Giá 1 ca khúc biểu diễn trên sóng
truyền hình 10.000/đ liệu có hợp lý?
(TT&VH Online) - Lại là câu chuyện về bản quyền chưa có hồi kết: cái giá 10.000đ/ca khúc do một trong các đơn vị: Đài THVN, Đài Tiếng nói VN, Đài truyền hình KTS VTC… không được giới nhạc sĩ chấp nhận. Ngày 9/6, một bản kiến nghị có chữ ký của 371 nhạc sĩ thuộc nhiều thế hệ đã được gửi tới các cơ quan chức năng trong đó các nhạc sỹ yêu cầu họ phải được trả chế độ bản quyền một cách công bằng đúng như đáng ra họ phải được hưởng.

371 người ký tên vào bản kiến nghị này là các nhạc sĩ lão thành: Trọng Bằng, Doãn Nho, Huy Thục, Hồng Đăng, Phạm Tuyên…; là các nhạc sĩ trẻ: Quốc Bảo, Tuấn Khanh, Đỗ Bảo, Giáng Son…; là đại diện các gia đình nhạc sĩ quá cố: Văn Cao, Đỗ Nhuận, Đàm Linh, Trần Hoàn…; hay cả những nhà thơ cũng lên tiếng bảo vệ tác quyền: Thiếu tướng Hữu Ước…

Bản kiến nghị của các nhạc sĩ VN được gửi tới: Đài Tiếng nói VN, Đài TH VN, Đài TH KTS VTC và các đài truyền hình cáp. Đây có lẽ là động thái cuối cùng của các nhạc sĩ VN sau khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (TTBVQTGANVN) đã “thất bại” trong đàm phán với các đơn vị kể trên. Theo lời nhạc sĩ Phó Đức Phương – GĐ TT – không dưới 100 lần ông cắp cặp đến gõ cửa các cơ quan này, nhưng đều phải lủi thủi ra về.

Trong bản kiến nghị của mình, các nhạc sĩ khẳng đinh, những năm gần đây, nhiều đơn vị đã thực hiện chế độ tác giả và trả tiền bản quyền song vẫn có những cơ quan lớn vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ này. Đài Tiếng nói VN là một trong số đó. Đài Tiếng nói VN đang thực hiện chế độ nhuận bút do Đài đề ra với các tác phẩm âm nhạc. Nhưng theo các nhạc sĩ, số tiền này không thể mua đứt tác phẩm để Đài muốn dùng đến bao giờ thì dùng. Trong khi đó, các chương trình phát sóng trên Đài Tiếng nói VN còn sử dụng số lượng lớn tác phẩm khai thác từ nhiều nguồn khác nhau mà các sĩ không hề nhận được khoản tiền tác quyền. Quá trình đàm phán của TTBVQTGANVN kéo dài suốt 5 năm qua mà 2 bên vẫn chưa tìm được “tiếng nói chung”! Bản kiến nghị cũng nhắc tới Đài TH KTS VTC và các đài truyền hình cáp trong cả nước là những đơn vị sử dụng số lượng tác phẩm âm nhạc rất lớn, song không hiểu vì lý do gì, sau nhiều cuộc gặp gỡ với TTBVQTGANVN, các đơn vị này vẫn… im lặng. Còn Đài THVN – mặc dù là một trong những đơn vị tiên phong trong việc trả tiền bản quyền cho các nhạc sĩ từ rất sớm: năm 2004, nhưng thiện chí ấy chỉ dừng lại ở quý I/2007 với số tiền ít ỏi: 47 triệu đồng/quý. Nói về số tiền này, có vị nhạc sĩ tuyên bố thẳng thừng: Chúng tôi không thể nhận tiền “bố thí” thêm nữa!
 

Nhạc sĩ Phó Đức Phương

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, sở dĩ những cuộc đàm phán giữa TTBVQTGANVN với các đơn vị sử dụng ca khúc không có kết quả là bởi hai bên chưa đi tới thống nhất về giá cả. Thông lệ quốc tế, cách tính tiền tác quyền khoa học và công bằng nhất là theo tỉ lệ % tổng tiền đầu tư và doanh thu quảng cáo. Số % này thường từ 0,5 – 1%. Như ở Malaysia, tỉ lệ tác quyền là 0,6%. Trong khi đó, có đơn vị đưa ra giá ca khúc với chương trình không có quảng cáo là 10.000đ/ca khúc!

Ước tính của TTBVQTGANVN, mỗi năm, riêng với các đài truyền hình kể trên, số tiền tác quyền của các nhạc sĩ có thể lên tới hàng chục tỉ đồng. Thay mặt các nhạc sỹ, TTBVQTGANVN còn gửi Bản kiến nghị tới Chính phủ, Quốc hội, Bộ VH-TT&DL… Và các nhạc sĩ đang chờ đợi được hưởng những quyền lợi chính đáng của mình. Bản kiến nghị không có chữ ký của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN bởi trong tuần này, chính ông Quân sẽ ký vào một văn bản khác mang danh nghĩa Hội yêu cầu các cơ quan nói trên thực thi bản quyền hợp pháp.

Thu Hằng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm