V-League trở lại: 'Làm đất' cho bóng đá nội

04/04/2023 07:07 GMT+7 | Bóng đá Việt

"Làm đất" là một cách nói của người nông dân, sau một vụ mùa thì phải tái tạo lại chất dinh dưỡng cho ruộng trước khi gieo trồng vụ mới. Mỗi nơi mỗi cách, thủ công và công nghệ, nhưng cơ bản là ai cũng hiểu nếu không "làm đất" thì đừng mong có thêm nhiều mùa vụ tốt. Bóng đá cũng vậy thôi.

Ông Vũ Tiến Thành, HLV của CLB TP.HCM từng học thể thao ở nước ngoài, từng làm trợ lý HLV đội tuyển quốc gia, Giám đốc điều hành, Giám đốc kỹ thuật rồi cả Chủ tịch của một CLB. Thậm chí, ông cũng từng quản lý một trung tâm đào tạo trẻ, là thầy của vài khóa đào tạo và trực tiếp cầm quân từ hạng Nhất đến V-League. Bằng bề dày trải nghiệm như vậy, nên quả thực, ngoài những ý kiến kiểu "nổ" hơi quá đà, ông Thành cũng nêu ra không ít thực trạng của bóng đá nội, trong đó có cả chuyện "làm đất" mà theo ông... có ai nghe đâu!?

Bóng đá Việt Nam vừa có chút hẫng hụt sau thất bại của U23 Việt Nam tại Doha Cup khi kết quả đã chứng minh lứa cầu thủ kế cận sau triều đại Park Hang Seo đang thiếu nhiều thứ lẽ ra không nên thiếu, ví dụ như số lượng trận đấu, thời gian ra sân ở V-League.

Nhưng như ông Thành nêu ý kiến, thì lẽ ra nên có ngoại binh ở giải hạng Nhất để cho chất lượng tăng lên, tạo thêm sự hấp dẫn và điều này thì đi ngược với chủ trương tạo "đất" cho cầu thủ nội. Nghĩa là trong cùng một vấn đề, đã có những cách nghĩ khác nhau để rồi kết quả là chẳng có gì thay đổi cả. Bao năm qua V-League vẫn thế và giải hạng Nhất vẫn thế.

Hoặc lấy ví dụ như việc bóng đá Việt Nam vừa ký được hợp đồng bán bản quyền truyền hình hàng chục tỷ đồng. Sau những tiếng reo vui, chợt nhận ra chẳng thấy ai nói gì về chuyện sử dụng đồng tiền đó cả. Từ chỗ 0 đồng, giờ là 10 đồng thì khác nhau nhiều chứ. Số tiền đó đưa về CLB thì làm gì? Bao nhiêu % dành cho công tác quảng bá, tiếp thị và các giải đấu ngoài V-League có được phân bổ thêm tài chính không? Hiệu quả ra sao, có tăng được khán giả đến sân không?

Nhìn chung, bóng đá Việt Nam có một "trào lưu" là: Phê phán, chỉ trích thì tìm đâu cũng có cái để nói nhưng lại chẳng có bất kỳ chuyển động nào để thay đổi cả. Đơn cử như chuyện giải hạng Nhất từ 14 xuống còn 10 đội, cũng chỉ "thuận tự nhiên".

"Làm đất" cho bóng đá nội - Ảnh 1.

CLB Hải Phòng đang là đương kim á quân V-League nhưng 10 năm qua không hề tham dự đầy đủ các giải trẻ QG như U15, U17, U19 hay U21. Ảnh: Hoàng Linh

Việc ông Vũ Tiến Thành mới đây bảo "góp ý mà người ta không nghe", cũng là điều đương nhiên. Những góp ý của ông ở tư cách đại diện cho một CLB, xét cho cùng, cũng là tiếng nói của thiểu số. Nghĩa là nếu chỉ có một mình ông, hoặc CLB của ông muốn thay đổi nhưng 90% các đội còn lại không muốn, thì vô nghĩa.

Nếu cứ đi tìm sự đồng thuận từ "ngôi nhà bóng đá" ấy, thì như đã thấy, hơn 20 năm phát triển V-League có cái gì thay đổi lớn lao đâu. Chúng ta cứ xem các đội bóng vào bán kết của những giải U17, U19 và U21 thì rõ: chủ yếu đến từ những địa phương, những lò đào tạo quen thuộc. Vậy 20 năm phát triển Quy chế chuyên nghiệp với yêu cầu phải đủ các tuyến trẻ, rốt cục có bao nhiều CLB thực sự tuân thủ và đầu tư? Với đa số các CLB có cùng kiểu làm bóng đá thiếu chiều sâu như vậy, thì chẳng việc gì họ muốn thay đổi.

Trong khi trên thực tế, đâu phải là không thể làm khác. V-League có 2 mùa đã phải thay đổi thể thức đá 2 giai đoạn thay vì lượt đi lượt về, một mùa còn hủy bỏ. Tại sao đổi thể thức để giảm số trận thì được mà không nghĩ ra cách đổi thể thức để tăng số trận? Rồi như chuyện nhiều đội bóng cứ vừa rớt xuống hạng Nhất là đã bỏ luôn, xóa sổ luôn, phải chăng là do việc thăng hạng quá khó nên họ nản? Thử cho số đội lên hạng xuống hạnglà 2 hoặc 3 xem sao, biết đâu sẽ tạo ra thêm sự hấp dẫn?

Tóm lại, phải có nhiều cách thử để "làm đất" cho bóng đá nội, còn cứ gieo trồng, hái lượm cạn kiệt trên một mảnh đất thì dẫu màu mỡ, đang tốt tươi bao nhiêu thì cũng có ngày… 


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm