Kỷ lục về kho tàng sử thi Tây Nguyên

18/03/2010 14:07 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Hôm qua 17/3, Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội và Công ty CP Phát hành sách (FAHASA) đã tổ chức họp báo giới thiệu bộ sách Kho tàng sử thi Tây Nguyên. Đây là bộ sách đồ sộ được thực hiện theo sự chỉ đạo của Chính phủ và vừa được Trung tâm Sách kỷ lục công nhận là Công trình sưu tầm và xuất bản sử thi Tây Nguyên lớn nhất Việt Nam.

Tây Nguyên có khoảng một ngàn “Đam San”

Như nhiều người đã biết, tác phẩm trường ca Đam San là một áng sử thi hùng tráng của đồng bào Tây Nguyên. Thế nhưng, thông qua công trình sưu tầm sử thi Tây Nguyên và các vùng phụ cận của Viện Nghiên cứu Văn hóa VN, thì sử thi Tây Nguyên còn có hàng trăm tác phẩm như thế.

Theo GS-TS Nguyễn Xuân Kính - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa VN, Giám đốc điều hành công trình Trường ca Đam San được người Pháp phát hiện và dịch sang tiếng Pháp năm 1927 và họ cho rằng sử thi này là đỉnh cao. Đến năm 1957, Đam San được dịch sang tiếng Việt và vào năm 1963 có khoảng 6 sử thi khác của đồng bào Tây Nguyên cũng được dịch.

Từ năm 1980 đến 1990, chúng ta mới nhận thức được việc phải sưu tầm sử thi. Và từ năm 2001 đến 2007, công trình sưu tầm sử thi Tây Nguyên được Chính phủ giao cho Viện Khoa học Xã hội VN tiến hành. Đến nay đã có 85 tác phẩm sử thi được xuất bản và đến năm 2011 sẽ có thêm 25 tác phẩm nữa hoàn chỉnh. Như vậy đã có 100 tác phẩm sử thi Tây Nguyên được sưu tầm, lưu giữ dưới các hình thức băng tiếng, băng hình và văn bản hoàn chỉnh. Trong quá trình sưu tầm, đã phát hiện còn gần 400 nghệ nhân biết hát kể văn nghệ dân gian và sử thi, nay có người đã quá cố. Có khoảng 801 tác phẩm sử thi dưới dạng hát kể.


Tháp sách sưu tầm sử thi Tây Nguyên nhận kỷ lục VN
Nhiều nghệ nhân đang dần về với “bến nước ông bà”

Cũng như nhiều tài sản văn hóa phi vật thể khác, sử thi Tây Nguyên đang ngày càng bị mai một, đúng hơn là mất đi không gian sống của mình. Không gian sống chính là môi trường văn hóa để sử thi tồn tại. Rõ ràng, con số khoảng 400 nghệ nhân còn nhớ và hát, kể được sử thi trong một vùng văn hóa rộng lớn như Tây Nguyên thì không phải nhiều. Chưa kể, đa số nghệ nhân đều cao tuổi và có người đã qua đời khi công trình sưu tầm đi chưa hết chặng đường.

Để sưu tầm được một sử thi, điều quan trọng nhất là phải có nghệ nhân hát, kể lại tác phẩm của cộng đồng mình. Sau đó sử thi được dịch ra ngôn ngữ khác. Vậy nhưng, những yếu tố quan trọng để lưu giữ sử thi lại đang mất dần. Như nghệ nhân Điểu Kâu, chính ông là người dịch toàn bộ 26 tác phẩm của người M’Nông sang tiếng Việt. Cũng chính Điểu Kâu là người biết rõ già làng nào của cộng đồng mình còn nhớ và hát kể được sử thi. Thế nhưng, “cánh chim đại ngàn” Điểu Kâu đã qua đời năm 2008.

Thạc sĩ Phan Xuân Viện (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng: “Hội Văn nghệ dân gian cấp bằng nghệ nhân cho những người hát, kể được sử thi cũng chưa đủ. Trong thời buổi kinh tế thị trường này, nên chăng mỗi tác phẩm sau khi hoàn thành, những cơ quan làm công tác sưu tầm cần có phần thưởng xứng đáng cho các nghệ nhân”.

“Lưu truyền” sử thi như thế nào?

Không gian sống của sử thi là một câu chuyện dài, còn bây giờ lưu truyền sử thi sẽ như thế nào cho hiệu quả? TS Trần Văn Ánh - Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho rằng nên in sử thi thành những tập mỏng để dễ đọc hơn. Theo ông Ánh, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã đem sử thi Tây Nguyên về cho sinh viên đọc từ khi bộ sách này mới xuất bản những tập đầu (2004). Nhưng sách dày quá nên chắc chắn khó có sinh viên nào đọc hết. “Dù là sử liệu quý, nhưng bản thân tôi cũng đọc không hết được” - TS Trần Văn Ánh cho biết.

Hiện nay, Viện Nghiên cứu Văn hóa VN đang xúc tiến để “tinh gọn” các sử thi và in thành sách mỏng nhằm phát hành rộng khắp. Thế nhưng, tinh gọn hay rút ngắn sử thi thì sử thi có còn là sử thi nữa không? Vì thể loại này luôn có hình dáng đầy đủ, nguyên vẹn, nếu rút gọn e rằng không khí sử thi sẽ phai nhạt.


 Bà Lê Thị Thu Huyền tặng sách sử thi
cho đại diện ĐH Quốc gia TP.HCM

Sử thi phi lợi nhuận

FAHASA in và phát hành Kho tàng sử thi Tây Nguyên hoàn toàn phi lợi nhuận. Các ấn bản sử thi đều dành tặng các trường ĐH, các thư viện và cộng đồng người dân tộc thiểu số Tây Nguyên... Dù giá thành các ấn phẩm khá cao, nhưng nếu người đọc quan tâm, FAHASA sẵn sàng phát hành với giá “hợp tình hợp lý” (Bà Lê Thị Thu Huyền Phó TGĐ FAHASA)

Trạc Tuyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm