Điểu Thị Mai: Cô gái nối nghiệp sử thi của cha

02/02/2010 10:12 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sau cuộc trò chuyện với Điểu K’Lung - người vẫn còn giữ 50 bộ sử thi trong trí nhớ, chúng tôi tiếp tục hành trình đi tìm những người giữ gìn kho báu sử thi M’Nông. Đến xã Đắc Rung (huyện Đắk Song, Đắk Nông), chúng tôi đã gặp chị “Điểu Thị Mai - người con gái duy nhất của cố nghệ nhân Điểu Kâu - người được gọi là nhà M’Nông học”, biết hát và biên dịch Ot Ndrông ra tiếng Việt. Trong bài Nhân tình nhắm mắt chưa xong trên TT&VH Cuối tuần hồi đầu tháng 9/2009, chúng ta đã biết đến di cảo đồ sộ của Điểu Kâu mà chị Mai đang giữ gìn.

Giờ đây chị Mai mong mỏi tiếp tục hoàn thành công việc còn dang dở của bố mình và thành lập trường dạy hát Ot Ndrông cho lớp thanh niên M’Nông.

Theo bố học sử thi

Điểu Thị Mai sinh năm 1975 ở xã Đắk Rung là con gái duy nhất của cố nghệ nhân Điểu Kâu và cũng là một trong những học viên xuất sắc nhất của lớp học dịch sử thi M’Nông của Viện Nghiên cứu Văn hóa VN tổ chức năm 1993, do nghệ nhân Điểu Kâu truyền dạy.


Chị Điểu Thị Mai - con gái cố nghệ nhân Điểu Kâu
Chị Mai kể lại: “Hồi ấy tôi mới học lớp 6, bố không cho học vì tuổi còn nhỏ nhưng tôi cứ nằng nặc xin học, thế là cuối cùng bố tôi cũng chấp thuận. Lớp có 15 học trò, 14 người không thể theo nổi do điều kiện cuộc sống quá khó khăn nhưng chỉ có mình tôi trong quá trình học, dần dần nghe được và hiểu được sử thi M’Nông. Từ đó bố kèm tôi liên tục 3 năm, bố tôi đọc sử thi bằng tiếng M’Nông còn tôi thì viết ra, nhưng lúc đó tôi chưa biết dịch sang tiếng Việt”.

Bây giờ chị Mai không chỉ nghe và viết sử thi bằng tiếng M’Nông mà còn có thể dịch ra tiếng Việt thành thạo. Đối với chị Mai, Ot Ndrông là niềm đam mê vô tận mà chị được thừa hưởng từ cố nghệ nhân Điểu Kâu. Và ngay từ bé, chị đã được nghe sử thi rất nhiều từ cha mẹ, từ bác Điểu K’Lứt và chú Điểu K’Lung - hai nghệ nhân thuộc rất nhiều Ot Ndrông.

Từ tháng 3/2005 đến nay, chị Mai đã nghe băng sử thi được thu từ chú Điểu K’Lung và viết ra văn bản bằng tiếng M’Nông 3 tác phẩm: Tiăng bắt những kẻ lấy trộm ché quý; Lấy hồn người chết đi; Sung trang đi đầu thai. Ngoài ra, chị cũng bắt đầu thực hiện 2 tập sách liên quan đến văn hóa ẩm thực của dân tộc M’Nông và tiếp tục thực hiện các công trình sưu tập, biên dịch sử thi, văn hóa mà cố nghệ nhân Điểu Kâu còn làm dang dở. Bây giờ, chị Mai gần như trở thành người đầu tiên và duy nhất thuộc lớp trẻ dân tộc M’Nông có khả năng nghe, hát, biên soạn và biên dịch Ot Ndrông.

Không có tiền để nhờ chú K’Lung hát thêm nữa

Bộc bạch với chúng tôi về tâm nguyện của cố nghệ nhân Điểu Kâu và sự trăn trở của chị về nguy cơ mai một nét văn hóa của dân tộc M’Nông, chị đã phải bật khóc.

Trong căn phòng mà chị tiếp chúng tôi, cũng chính là nơi mà cố nghệ nhân Điểu Kâu đã từng làm việc. Những tấm bằng khen của Nhà nước, tư liệu và cả những tác phẩm tâm huyết mà bố chị đã bỏ cả cuộc đời sưu tầm, biên soạn, biên dịch được để ngăn nắp, trang trọng. Chị Mai trăn trở: “Trước khi bố tôi mất, ông còn làm dang dở tác phẩm sưu tập tục ngữ ca dao, dân ca và gia phả của người M’Nông đã và đang sinh sống từ Bình Phước đến Đắk Lắk, Đắk Nông. Đây là những tác phẩm mà bố tôi lúc sinh thời phải bỏ nhiều công sức, lặn lội đi khắp các buôn làng mà người M’Nông sinh sống để sưu tầm. Bố tôi cũng còn làm dang dở 2 tác phẩm sử thi M’Nông và còn 50 tác phẩm sử thi M’Nông chưa được ghi băng để biên soạn và biên dịch sang tiếng Việt”.

Trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm của cố nghệ nhân Điểu Kâu về Ot Ndrông, có 120 sử thi đã được thu băng và 40 sử thi được biên soạn ra tiếng M’Nông, sau đó biên dịch ra tiếng Việt. Chị Mai cho biết thêm: “Trách nhiệm của tôi phải tiếp tục biên soạn và biên dịch 80 sử thi còn lại. Đáng lo nhất còn 50 sử thi chưa thu băng mà chú K’lung thuộc nằm lòng nhưng bây giờ mắt hơi mờ, sức khỏe của chú bắt đầu yếu rồi, nếu như không ghi băng sớm thì có nguy cơ mất những bài sử thi này, nếu như chú K’Lung qua đời”.

Chị tâm sự: “Bố tôi đã từng nói rằng, số người biết hát kể sử thi ngày càng mai một vì tuổi già. Nếu không nhanh chân thì lớp người M’Nông sau này sẽ mất hết tài sản sử thi quý báu của cha ông”.

Chúng tôi hỏi vì sao chị không tiếp tục thu băng? Chị cho biết nguyên nhân: “Năm 1995, Viện Nghiên cứu Văn hóa có yêu cầu chú K’Lung hát kể Ot Ndrông và thu băng với giá 150.000đ/băng, một bài sử thi phải sử dụng ít nhất từ 5 đến 25 băng. Bây giờ, điều kiện cuộc sống của tôi bận rộn con nhỏ, phải lên nương rẫy kiếm lúa, kiếm thóc nuôi con và cũng không có tiền để nhờ chú K’Lung hát thêm được nữa”.

Nếu thành lập trường dạy sử thi, tôi sẽ dạy

Chị còn một điều mong ước muốn chúng tôi nói hộ: “Lớp trẻ M’Nông bây giờ không biết hát, không biết nghe Ot Ndrông, nhưng tôi biết nếu như có lớp dạy hát kể Ot Ndrông thì thanh niên sẽ tham gia học rất đông. Chỉ mong Nhà nước quan tâm, mở trường dạy hát sử thi và tạo điều kiện cho tôi thu băng 50 bài Ot Ndrông còn lại từ chú K’Lung để tránh nguy cơ mất dần sử thi M’Nông và để tôi hoàn thành tâm nguyện của bố”.

Trường dạy hát sử thi, theo chị Mai, ngoài việc cho học viên nghe những tác phẩm sử thi thì quan trọng nhất là phải học thuộc câu vần. Mỗi câu vần sẽ liên quan đến 1 chủ đề (trong 1 câu vần sẽ có từ vài dòng cho đến vài chục dòng). Chị Mai giải thích: Khi hát sử thi, có 1 đoạn nói đến chủ đề “nhà giàu có nhiều của cải, tài sản” thì sẽ có câu vần (dài 19 dòng): “Ăp nchìm rim goh khô Ting” (Nhà anh Ting giàu, có đủ loại của cải), “Ntổ play si bah ri ràl ai” (Ché ntổ play si cột một hàng dài)... để miêu tả sự giàu có. Hiện chị Mai đã thuộc hơn 2.000 câu vần và chị khẳng định với chúng tôi: “Nếu Nhà nước quan tâm và tạo điều kiện thành lập trường dạy sử thi, tôi sẽ dạy được như bố tôi lúc trước”.

Việc sưu tầm, bảo tồn sử thi Ot Ndrông đóng góp vào kho tàng sử thi Tây Nguyên đang cần phải được thực hiện gấp rút và thành lập trường dạy hát sử thi là việc cần xem xét để đào tạo ra những nghệ nhân dân gian tương lai.

“Nên có trợ cấp cho nghệ nhân”

“Sử thi M’Nông là bộ sử thi khá đồ sộ về số lượng và độ dài tác phẩm. Nghệ nhân dân gian Điểu Kâu, Điểu K’Lung là do Hội Nghệ nhân dân gian Việt Nam phong tặng, còn danh hiệu cấp tỉnh, cấp Nhà nước thì chưa có. Mặt khác, Nhà nước cũng chưa có nguồn kinh phí để hỗ trợ cho nghệ nhân dân gian của các dân tộc và theo tôi nên có khoản trợ cấp cho nghệ nhân dân gian để động viên họ truyền nghề cho con cháu và có điều kiện tổ chức sinh hoạt cộng đồng” (Ông Trương Bi, Phó GĐ Sở VH,TT&DL tỉnh Đắk Lắk).

Anh Đức - Trần Hoan

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm