Thể thao Việt Nam nhìn từ SEA Games 32: Thiếu mũi nhọn hướng tới ASIAD và Olympic

18/05/2023 08:38 GMT+7 | SEA Games 32

Đoàn Thể thao Việt Nam đã có một kỳ SEA Games với dấu ấn đặc biệt nhưng cũng đừng quên rằng, ngay sau đây sẽ là thử thách với muôn vàn khó khăn tại ASIAD 19 và các cuộc thi đấu tranh suất dự Olympic 2024.

Không có thành tích tiếp cận ASIAD và Olympic

Qua các cuộc thi đấu tại SEA Games 32, ngoài việc giành được 136 HCV, 105 HCB và 118 HCĐ, các tuyển thủ Việt Nam lập 14 kỷ lục cá nhân mới của đại hội ở 3 môn, bơi (2 kỷ lục), cử tạ (4) và lặn (8). Tất cả, đều rất đáng trân trọng và cho thấy sự phát triển thành tích của các VĐV sau quá trình tập luyện nhưng nó chưa đủ để thắp lên hi vọng tranh chấp ở các đấu trường lớn hơn.

Với môn bơi, 2 kỷ lục cá nhân đều thuộc về kình ngư Phạm Thanh Bảo lập nên ở nội dung 100m ếch nam với thành tích 1 phút 0 giây 97 (vượt qua kỷ lục cũ của chính mình 1 phút 1 giây 17)  và nội dung 200m ếch nam với thông số 2 phút 11 giây 45 (kỷ lục cũ 2 phút 11 giây 93). Dù vậy, thành tích này vẫn còn khoảng cách rất lớn so với mức giành HCĐ ASIAD 18 là 59 giây 39 (100m ếch) và 2 phút 8 giây 17 (200m ếch). Hoặc chuẩn A dự Olympic 2024 lần lượt là 59 giây 49 và 2 phút 9 giây 68.

Ở môn cử tạ, 4 kỷ lục cá nhân mới được thiết lập thuộc về Trần Minh Trí (hạng 67kg nam) nội dung cử đẩy thành tích 176kg, Nguyễn Quốc Toàn (hạng 89kg) nội dung cử giật (155kg), cử đẩy (190kg) và tổng cử (345kg). Nhưng so sánh với thành tích ngay ở giải vô địch châu Á 2023 diễn ra cùng thời điểm với SEA Games 32, các mức tổng cử của Trần Minh Trí (306kg) và Nguyễn Quốc Toàn (345kg) mới chỉ tiếp cận ở tốp 5 lực sỹ hàng đầu.

Riêng lặn không có trong chương trình thi đấu ASIAD và 8 kỷ lục cá nhân có giá trị tham khảo riêng cho bộ môn này.

Thể thao Việt Nam nhìn từ SEA Games 32: Thiếu mũi nhọn hướng tới ASIAD và Olympic - Ảnh 1.

Những kỷ lục mà các tuyển thủ Việt Nam kiến tạo ở SEA Games chưa tiếp cận được với thành tích ở châu lục. Ảnh: Hoàng Linh

 Cần đầu tư cao độ

Một vài ví dụ nêu trên cho thấy, ở những môn thể thao "đo, đếm" được thành tích cụ thể, không nhiều hi vọng tranh chấp được thắp lên cho các tuyển thủ Việt Nam ở đấu trường châu lục và thế giới nếu nhìn từ những điểm sáng nhất về chuyên môn trong các cuộc thi đấu ở SEA Games 32. Đây là điều rất đáng lo lắng và dự báo khó khăn trong hành trình tiếp cận đấu trường ASIAD hay Olympic.

Ngoài những cái tên kể trên, rất nhiều gương mặt đã được kỳ vọng sẽ tạo dấu ấn đặc biệt về thành tích trong các cuộc thi đấu ở SEA Games 32 như Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên (bơi), Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền (điền kinh) dưới áp lực của việc giành đủ chỉ tiêu HCV đã không hội tụ đủ điều kiện để có thể tạo nên sự đột phá về thông số chuyên môn kể cả ở nội dung sở trường.

Lý giải cho sự việc này, các nhà chuyên môn cho rằng, yếu tố từ lịch thi đấu chồng chéo, sát nhau ở SAE Games 32 và việc điều chỉnh điểm rơi phong độ ở các cuộc thi đấu tới đây là nguyên nhân khiến những hi vọng lớn nhất, những gương mặt sáng giá không đạt thông số chuyên môn như mong đợi. Nhưng quả thật, lo lắng là không thể tránh khỏi khi thời gian chuẩn bị không còn nhiều khi các cuộc thi đấu ở ASIAD và vòng loại Olympic 2024 sẽ nối tiếp nhau liên tục kể từ tháng 9.

Một phần không nhỏ nguồn lực cho thể thao Việt Nam đã được dành cho quá trình chuẩn bị và thi đấu ở SEA Games 32, dù cho kế hoạch này liên thông với các cuộc thi đấu sắp tới ở ASIAD và vòng loại Olympic ở các môn thể thao trọng điểm. Nhưng để giúp các tuyển thủ cải thiện được những thông số chuyên môn ở các môn "đo, đếm" được hay nâng cao khả năng chiến thắng ở các môn đối kháng sẽ cần được tiếp tục đầu tư cao độ và đây là bài toán thực sự hóc búa.

Nếu không, trước mắt rất khó bảo vệ được thành tích 5 HCV từng giành được ở ASIAD 18, trong bối cảnh, môn Pencak Siat từng giành 2 HCV không có trong chương trình thi đấu, nhà vô địch nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo sa sút về thành tích, còn Quách Thị Lan đã bị cấm thi đấu vì doping. 


Vũ Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm