Chuyện của điền kinh Khánh Hoà

22/05/2014 12:11 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên, không địa phương nào khác mà chính Khánh Hòa mới có hoạt động thể thao có chiều sâu và gặt hái nhiều thành tích vang dội từ sớm.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay, thực trạng thể thao Khánh Hòa đang đi xuống là điều không phải bàn cãi.  Nếu không có những chính sách tháo gỡ, chắc chắn sự thoái trào chưa dừng lại ở đây.

Thể thao & Văn hóa giới thiệu loạt bài nhằm vẽ lại bức tranh toàn cảnh của một địa phương vang bóng một thời trên bản đồ thể thao nước nhà.

Có một thực tế, Khánh Hòa chính là địa phương hiếm hoi ở miền Trung-Tây Nguyên ngay sau khi giải phóng đã đi tiên phong chỉ “chơi thể loại Olympic”. Họ thực hiện làm thể thao một cách căn cơ, đầu tư có chiều sâu, lâu dài, chú trọng các môn trong hệ thống Olymic và có thành quả vang dội trong một thời gian dài khiến cả nước phải nể phục, như quần vợt, điền kinh, bóng bàn.

Điền kinh cũng thế, nội dung nào cũng mạnh. Ngay sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, năm 1976, Khánh Hòa đã thành lập trường năng khiếu (sau này là Trung tâm huấn luyện) tạo điều kiện cho thể thao và điền kinh nói riêng phát triển.

1. Có thể tưởng tượng được một không khí say mê thể thao và dám “chơi” với điền kinh nói riêng của người dân Phú Khánh ngày xưa lớn đến  mức nào. Năm 1976, xứ trầm hương là địa phương đầu tiên trên cả nước đăng cai tổ chức giải Việt dã toàn quốc.

Ngay từ lần đầu tiên họ đã khẳng định được vị thế rất rõ ràng. Khánh Hòa cũng là địa phương mà lúc đó đã xây dựng được phong trào tập luyện điền kinh trong học đường rất mạnh, liên tục lập được những chiến tích trong nước và quốc tế.

Năm 1987, Khánh Hòa có kiện tướng việt dã quốc gia đầu tiên là Nguyễn Đức Lập, và họ bắt đầu tham gia HKPĐ toàn quốc từ năm 1983. Một thế hệ vàng chói lòa như kiện tướng (KT) 10.000m việt dã Lan Thanh, Huyền Nga;  KT 100, 200m Huỳnh Thị Cúc,  Văn Trúc, Nguyễn Phương (kỷ lục gia 400m)

Từ đó đến trước giải VĐQG 2004, như xương rồng trên sa mạc, dù vất vả gian nan nhưng điền kinh xứ biển luôn là cái nôi sản sinh những nhân tố mà tên tuổi một thời đủ sức làm “toát mồ hôi hột” đối thủ trên đấu trường khu vực.

Một Nguyễn Thị Ngọc Giao, kiện tướng chạy nước rút 100m, đạt trên 90 huy chương (HC) các loại ở các giải trong và ngoài nước,. Một Võ Thị Ngọc Hạnh cũng có bộ sưu tập với 70 HC các loại, từng tham gia thi đấu ở 3 kỳ SEA Games (19, 20, 21) và đạt được 1 HCB và 1 HCĐ. Nguyễn Thị Diễm trên 20 HCV giải trẻ và giải toàn quốc, thành viên ĐT điền kinh QG, giành nhiều HCV giải điền kinh trẻ châu Á, nhiều HCV giải điền kinh quốc tế mở rộng tại TP.HCM và Hà Nội, HCV Đại hội TDTT toàn quốc. Họ đều đạt cấp kiện tướng từ lúc còn rất trẻ.

Thế hệ vàng thứ 2 với Phạm Đình Khánh Đoan, Phan Thị Thu Lan, Đoàn Nữ Trúc Vân thì số HC mà họ đạt được là “như lá trên rừng”. Ở SEA Games 21, bộ ba này mang về phần lớn HC cho thể thao Việt Nam, riêng môn điền kinh hầu hết HCV đều do các VĐV Khánh Hòa giành được.

2. Thế nhưng, thời hoàng kim của điền kinh Khánh Hòa đã trôi quá xa, đã 10 năm rồi họ không còn sản sinh ra được VĐV nào thực sự tên tuổi lẫy lừng. Một nỗi buồn mang tên điền kinh ở xư trầm hương là có thật, dù họ đang nắm giữ kỷ lục 10 năm vô địch toàn đoàn việt dã, dù yếu tố khí hậu, địa lý đặc biệt cho môi trường điền kinh phát triển của Khánh Hòa là không phủ nhận.

Đã có nhiều nguyên nhân được lý giải,  cơ bản nhất vẫn là cơ chế thị trường cùng kiểu làm thể thao chưa chuẩn nói chung như hiện nay trên toàn quốc đã khiến cho nhiều môn mũi nhọn của nhiều địa phương bị triệt tiêu.

Mặt khác, chế độ đãi ngộ cho VĐV điền kinh trong quá trình thi đấu, nhất là sau khi giải nghệ không chỉ là câu chuyện buồn của điền kinh Khánh Hòa. Quá ít cựu VĐV có việc làm ổn định, thu nhập khá, hay thậm chí trở thành HLV như Huyền Nga, Khánh Đoan và Đức Bảo.

Tất cả đã khiến cho phụ huynh rất “hoảng”, mỗi khi có con đề đạt nguyện vọng theo nghiệp điển kinh, vốn vô cùng vất vả nhưng không kém phần bạc bẽo. Chính việc phụ huynh không cho con theo điền kinh cũng đang là rào cản lớn cho các nhà tuyển trạch nhân tài điền kinh Khánh Hòa. Bộ môn điền kinh của phố biển hiện còn khoảng 70 VĐV của các tổ, số có khả năng “bay cao, bay xa” là ít ỏi.

Và quan trọng hơn, các HLV hiện nay của điền kinh Khánh Hòa vẫn phải chờ thời gian để hoàn thiện trước khi trở thành những vị tướng đặc biệt. Làm sao dám nghĩ tới việc so sánh với cố chiến lược gia Trần Vĩnh Lộc, HLV Bạch Kim thuở nào, nhất là khoản hy sinh hết mình vì sự nghiệp điền kinh tỉnh nhà và cũng bảo vệ quyền lợi hết mình cho học trò khi bị đối xử bất công.

Đón đọc bài 2: Tâm sự thấm đẫm nỗi buồn của “cựu nữ hoàng” Phạm Đình Khánh Đoan

Nhớ ông Chín Lộc

Có giai thoại, ngay cả khi vừa phát hiện bị bệnh ung thư, ông Trần Vĩnh Lộc, nguyên Giám đốc Sở TDTT tỉnh Khánh Hòa, vẫn uống bia “cả thùng” và luôn một điệp khúc với chiến hữu sau khi cười sảng khoái: “Tao chết thế nào được”!

Ông Chín Lộc sống chất và “lì đòn”, luôn tạo một điểm tựa vững chãi cho các đàn em, đàn cháu, trên bất cứ cương vị nào, từ làm bóng đá đến huấn luyện điền kinh. Tầm ảnh hưởng của ông Chín Lộc thời đó quá lớn, đi đến đâu chiến hữu chí cốt đến đó, khiến các đối thủ cũng ngại chơi xấu thể thao Khánh Hòa, dệt nên một giai thoại của thế hệ tiền bối làng thể thao Việt Nam: “Ke như Phán (Quảng Nam - Đà Nẵng), láng như Thì (Nghĩa Bình), lì như Lộc (Phú Khánh), cộc như Tám Đông (Tiền Giang), long đong như Tư Minh (Sông Bé)”.

Tóm lại, thể thao Phú Khánh xưa cậy nhờ nhiều vào tài thao lược và tầm quan hệ của ông Chín Lộc. Những người quan tâm với thể thao Khánh Hòa đang ước rằng đến bao giờ có một “ông Chín Lộc thứ 2”, thì mới hy vọng thể thao xứ trầm hương tỏa ngát trở lại.

Ngày đó e còn xa lắm!


Thanh Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm