Sự chuyển dịch của tranh sơn mài Việt Nam đương thời

31/07/2023 17:44 GMT+7 | Văn hoá

Tranh sơn mài Việt Nam chỉ vài năm nữa sẽ tròn 100 năm tuổi. Nếu như lịch sử tranh sơn mài từ khi hình thành cho tới tận sau thời kỳ Đổi mới là giai đoạn phát triển về màu sắc, thì cho tới chục năm trở lại đây, các họa sĩ đương thời Việt Nam bắt đầu khai thác chất liệu, biến đổi kỹ thuật một cách mạnh mẽ.

Xuất hiện không nhiều những sáng tác cá biệt, nhưng mang tính dự báo cho sự chuyển dịch của tranh sơn mài theo dòng chảy của nghệ thuật đương thời Việt Nam.

Cùng điểm qua 3 triển lãm tranh sơn mài đang tình cờ diễn ra tại 2 miền Nam - Bắc với những tác phẩm trải dài theo thời gian từ hiện đại đến đương thời để thấy rõ sự biến dịch mạnh mẽ trong sáng tác sơn mài Việt Nam hiện nay.

Từ cuộc "Họa duyên tương ngộ" tại TP.HCM

Triển lãm tranh Họa duyên tương ngộ (kéo dài đến 6/8 tại Bảo tàng nghệ thuật Quang San) được hình thành từ cuộc gặp gỡ "định mệnh" giữa nhà sưu tập Phạm Lê và kho di sản bị lãng quên suốt nhiều thập niên tại Thụy Sĩ. Triển lãm được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923 - 1993).

Sự chuyển dịch của tranh sơn mài Việt Nam đương thời - Ảnh 1.

Poster triển lãm “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài”

Theo giám tuyển Ace Lê, trong cuộc đời sáng tác của Trần Phúc Duyên, ông đã có hơn 20 trưng bày lớn nhỏ ở cả Việt Nam và châu Âu. Nhưng đây là triển lãm có quy mô phổ quát và đồ sộ nhất, với hầu hết các tác phẩm lần đầu được ra mắt công chúng trong nước.

"Trần Phúc Duyên là người đầu tiên khéo léo hòa quyện cả hội họa hàn lâm của Tây phương và lối vẽ thủy mặc văn nhân họa của Đông phương, đem bày lên mặt tranh sơn mài Việt… Họa sĩ đã chắt lọc ngôn ngữ thị giác từ tạo hình trang trí xuống còn trừu tượng tối giản, thông qua đó nâng tầm biểu đạt của sơn mài Việt lên cùng đẳng cấp với sơn dầu phương Tây".

Qua những tác phẩm tranh sơn mài được giới thiệu trong triển lãm, có thể thấy tranh sơn mài của Trần Phúc Duyên được chú trọng về vẻ đẹp hoàn mỹ của bề mặt tranh hay vẻ đẹp theo mỹ học cổ điển. Các đề tài họa sĩ thể hiện vẫn là những đề tài thân quen của hiện thực cuộc sống nhưng tranh ông thể hiện đúng những đặc điểm của việc "nghiên cứu, thử nghiệm và sáng tạo" hay sự "nghiêm cẩn với nghề" như được nhận xét trong bài viết của giám tuyển.

Trần Phúc Duyên học sơn mài, khóa cuối cùng của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Họ chính là những viên gạch đầu đặt nền móng dày công nghiên cứu để làm phong phú thêm màu sắc cho tranh sơn mài từ sơn ta truyền thống. Trần Phúc Duyên tạo nên một bề mặt tranh sơn mài nổi mà nhẵn bóng, no căng và hoàn hảo, là bằng chứng cho sự thử nghiệm sáng tạo của ông về sự khai phá trong kỹ thuật tranh sơn mài Việt Nam.

Sự chuyển dịch của tranh sơn mài Việt Nam đương thời - Ảnh 2.

Sơn mài của Trần Phúc Duyên tại triển lãm “Họa duyên tương ngộ”

Đến triển lãm "Cái đầu"

Triển lãm tranh Cái đầu (kéo dài đến 31/7 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) của nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Phương được trình bày đa phần ở khổ lớn. Điều đặc biệt trong các sáng tác của anh có lẽ đầu tiên phải kể đến chất liệu.

Nguyễn Ngọc Phương đã có quá trình tìm tòi nhiều năm với chất liệu tổng hợp dựa trên nền tảng sơn mài. Tranh của anh là sự kết hợp của chất sơn ta, vàng, bạc, kim loại, đất, đá, keo… trên gỗ. Các chủ đề mà anh thực hiện cũng không nằm trong vòng hiện thực.

Ở các sáng tác của Nguyễn Ngọc Phương, nội dung, vật liệu và phong cách biểu hiện thống nhất với sự trừu tượng, đồ sộ, quyết liệt, thách thức và mới mẻ. "Sau hơn 10 năm thực nghiệm, loạt tranh Những cái đầu là sự tái hiện những ám ảnh trong tâm trí tôi về nhân tính con người" - Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ.

Vì sao Nguyễn Ngọc Phương sử dụng kết hợp hỗn độn các chất liệu từ tinh xảo đến thô sơ và vì sao anh sử dụng sơn ta - một chất liệu mang tính truyền thống cho những bức tranh đồ sộ, mạnh mẽ biểu hiện cảm xúc rất trừu tượng phương Tây của mình? Có lẽ quan sát trực tiếp tranh của Nguyễn Ngọc Phương mới thấy chính những màu đen, đỏ của sơn ta lại là những chất màu biểu hiện mạnh mẽ nhất trong các tác phẩm. Sự nhăn dúm từ hiệu ứng của chất sơn dày mỏng cũng được kết hợp tạo chi tiết cho tranh. Khi đi cùng với các cách thức rất đương đại anh đưa vào tranh như vết cào xước, dấu vết của lực tác động khác, bố cục áp chế, đường nét táo bạo với màu đơn sắc… Tranh của Nguyễn Ngọc Phương đặt vấn đề trực diện và thống nhất.

Sự chuyển dịch của tranh sơn mài Việt Nam đương thời - Ảnh 3.

Khán giả xem tranh tại triển lãm “Cái đầu”

Và cuộc "Dạo bước qua vùng đất của sơn mài" tại Hà Nội

Đúng như tên gọi, triển lãm Dạo bước qua vùng đất của sơn mài (diễn ra từ ngày 2 đến 8/8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) sẽ giới thiệu đông đảo những tên tuổi họa sĩ sơn mài có biên độ tuổi đời tuổi nghề khá lớn.

Giám tuyển Vân Vi chia sẻ: "Những nghệ sĩ này đều đang khai phá sơn mài theo những cách riêng của bản thân. Họ tiếp cận sơn mài theo những quan điểm nghệ thuật riêng, thậm chí hoàn toàn trái ngược, kế thừa cổ truyền hoặc bác bỏ, để chất liệu dẫn dắt, làm chủ hoặc hội thoại, phải quy chuẩn hóa về mặt kỹ thuật rồi mới khai phá, hoặc là cứ khai phá rồi sẽ tìm tiếp…".

Họa sĩ Lý Trực Sơn sinh năm 1949, Nguyễn Thị Quế (1952), Phan Cẩm Thượng (1957), Đỗ Thị Kim Đoan (1958)… là những họa sĩ lớn tuổi. Trong đó tranh sơn mài của họa sĩ Lý Trực Sơn và Nguyễn Thị Quế trầm mặc, tiết chế với đầy vẻ "thành kính". Tranh sơn mài của họa sĩ Phan Cẩm Thượng đặc biệt trong chủ đề khai thác những câu chuyện của lịch sử tôn giáo với những màu sắc dân gian được ông dày công tìm tòi đúc kết.

Những họa sĩ này đại diện cho một thế hệ yêu thích vẻ đẹp truyền thống của sơn ta, họ khai thác cảm hứng cá nhân trong thời đại của mình và cố gắng gìn giữ, khai phá chất liệu quý giá của truyền thống.

Triệu Khắc Tiến (1977) là nhân vật đặc biệt trong triển lãm. Anh là giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, khoa sơn mài, là người Việt Nam đầu tiên có bằng tiến sĩ về tranh sơn mài tại Nhật. Tranh sơn mài của Triệu Khắc Tiến hướng tới một bề mặt hoàn hảo khi kết hợp những kỹ thuật tiên tiến của Nhật vào tranh sơn mài Việt Nam. Đó cũng là một con đường để anh cùng những thế hệ học trò sau như Nguyễn Thị Thúy Nguyệt, Vũ Văn Tịch… khai phá nghệ thuật sơn mài Việt Nam.

Trong khi đó, Nguyễn Quang Trung (1962) đi theo con đường sơn mài trừu tượng, tập trung khai thác tạo hình và biểu hiện nội tâm. Sơn mài của Nguyễn Quang Trung gần hơn với nghệ thuật biểu hiện trừu tượng phương Tây. Trên chất liệu sơn ta truyền thống, những biểu hiện ấy đem đến hiệu ứng thị giác mạnh mẽ.

Trên một nền tảng khác, Nguyễn Xuân Lục giới thiệu đến công chúng những bức "phù điêu"sơn mài. Sơn ta được anh trình hiện trên nền tảng vượt ra khỏi nghệ thuật hội họa 2 chiều. Con đường khai phá chất liệu và biểu đạt của Nguyễn Xuân Lục mang trong đó kỹ thuật vững vàng của một người thợ thủ công, một họa sĩ sơn mài được đào tạo chuyên nghiệp, cùng tâm thế thử nghiệm khám phá của nghệ thuật đương đại.

Lời kết

3 triển lãm tranh đang diễn ra tình cờ đem đến những nghệ sĩ sơn mài Việt Nam trải dài qua nhiều thế hệ, vùng địa lý và văn hóa khác biệt.

Tuy nhiên có thể thấy, sáng tác sơn mài của những nghệ sĩ trên được chia làm 3 trường phái. Thứ nhất, hướng đến vẻ đẹp hoàn mỹ kết hợp Đông - Tây từ việc nghiên cứu và thực hành hội họa sơn mài. Thứ 2, tiết chế trong một tâm thế hoài cổ, giản lược và độc đáo. Và cuối cùng, những người muốn khai phá, chuyển dịch chất liệu trong bối cảnh phức hợp của nghệ thuật đương đại.

Triển lãm Dạo bước qua vùng đất của sơn mài do The Muse Art Space tổ chức. Từ ngày 3 đến 8/8, vào hai khung giờ: 10h00 và 15h00 mỗi ngày, sẽ có các chuyến đồng hành tham quan (art tour) cùng giám tuyển Vân Vi và nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Thu Huyền.

BLang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm