Ra mắt 'Xuân Thu Sử thi Bắc Kỳ': Tôn lên chiều sâu đáng quý của người Việt Nam

11/07/2023 18:00 GMT+7 | Văn hoá

Ra mắt từ hơn 1 thế kỷ trước nhưng phải tới bây giờ, Xuân Thu sử thi Bắc Kỳ - một cuốn sách đặc biệt về văn hóa và con người Việt Nam - mới được dịch ra tiếng Việt.

Xuân Thu sử thi Bắc Kỳ (NXB Khoa học xã hội và Mai Hà Book ấn hành) được viết bởi học giả người Pháp Pierre Foulon, do dịch giả Phan Tín Dụng chuyển ngữ. Gồm 4 chương Xuân, Hạ, Thu, Đông, cuốn sách đưa người đọc vào hành trình của 365 ngày diễn ra trong năm với người Việt. Để rồi từ không gian và thời gian, tác giả viết về lối sống, nghi lễ, về quan niệm tư duy tôn giáo, tín ngưỡng người Việt Nam một cách chi tiết và sâu sắc.

Lạ

Không dễ đọc, tính logic đôi khi bị đảo lộn nhưng lại mở ra nhiều góc nhìn về văn hóa Việt Nam và có sự hấp dẫn từ những giao thoa giữa 2 nền văn hóa Đông - Tây, đó là nhận định chung của nhiều diễn giả trong buổi tọa đàm ra mắt sách cuối tuần trước.

"Xuân Thu" là từ khóa đầy gợi mở của cuốn sách. Mặc dù tác giả viết sách dựa trên cảm hứng "triết học tứ quý" của Kinh Xuân Thu và sách Lễ ký của triết học Khổng Tử nhưng có lẽ ông cũng không quá quan tâm đến khái niệm "Xuân Thu" ngoài hàm ý là biên niên sử của một quốc gia, như nhận định của GS Đỗ Quang Hưng (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Ra mắt 'Xuân Thu Sử thi Bắc Kỳ': Tôn lên chiều sâu đáng quý của người Việt Nam - Ảnh 1.

Tác phẩm “Xuân Thu sử thi Bắc Kỳ”

Điều này có thể thấy ở mọi khía cạnh mà Pierre Foulon đề cập đến trong cuốn sách, từ những vấn đề đầy lý luận như thơ ca, triết học, nghệ thuật dân gian, chính trị, thời cuộc, cho tới những gì gắn liền với hiện thực như lối sống, nghi lễ, dịch bệnh, công việc đồng áng (tịch điền) hay cả những chủ đề "siêu thực" về cái chết hay bóng đêm.

Đặc biệt, ông đánh giá sắc nét về lễ cải táng - 1 trong những nét văn hóa lạ, độc đáo của người Việt. Ông có những cái nhìn đi sâu vào triết học Việt Nam từ cách lý giải về ngũ hành đến sự vận hành của thế giới.

Song, Pierre Foulon phản ánh mọi thứ một cách có trật tự theo thời gian, tuân thủ trình tự xuất hiện của các hiện tượng, sự việc diễn ra theo từng ngày, tháng, mùa. Vì thế, kể từ lời mở đầu tới phần cuối, 4 chương sách với gần 400 trang đều được xuất phát từ những câu chuyện gắn với sinh thái của xứ Bắc Kỳ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 với lối hành văn sử dụng câu chuyện của thiên nhiên, môi trường để làm chất liệu phản ánh.

Ra mắt 'Xuân Thu Sử thi Bắc Kỳ': Tôn lên chiều sâu đáng quý của người Việt Nam - Ảnh 2.

Tranh minh họa về tục cải táng của người Việt trong sách

"Tôi tự hỏi, phải chăng, Pierre Foulon là người đi tiên phong về cách viết sử thi theo lối triết học sinh thái với cuốn sách này ở Việt Nam"? - GS Đỗ Quang Hưng bày tỏ.

Thêm một cái "lạ" nữa được bóc tách ở Pierre Foulon trong cuốn sách này, cũng từ lối viết của ông: Đầy chất thơ. Theo TS Vũ Đức Liêm, (Đại học Sư phạm Hà Nội), Pierre Foulon đã "thổi" vào cuốn sách một làn gió mới đầy cảm hứng từ mạch thơ, nguồn thơ chảy trong lòng ông. Cách diễn giải của Pierre Foulon thật sự mới nếu so sánh với lối dẫn nhập trong các cuốn sách về văn hóa của người Việt Nam từ trước đến nay.

"Xuân Thu sử thi Bắc Kỳ như một bài thơ về sự giao cảm của con người với thời gian, sinh thái, triết học, tôn giáo. Đọc sách, tôi có cảm giác như được bước vào cuộc du hành thời gian của mùa Xuân trong những ngày đầu năm, vốn luôn rộn ràng với lệ mừng tuổi, có pháo nổ, treo tranh, có gieo hạt, trồng cấy hay đi lễ đền chùa" - TS Vũ Đức Liêm lý giải- "Thú vị hơn nữa, Pierre Foulon ghi ghép và chú giải một cách tỉ mỉ từng sự kiện. Ví dụ như vì sao mùa Xuân lại có lễ tịch điền, vì sao lại là mâm ngũ quả, tại sao lại là bánh chưng… Đó là cách tác giả đi sâu vào chiều thức của văn hóa, thế giới quan trong đời sống người Việt".

Ra mắt 'Xuân Thu Sử thi Bắc Kỳ': Tôn lên chiều sâu đáng quý của người Việt Nam - Ảnh 3.

Trích trang cuối cuốn sách, viết về lễ Cải táng

Quen

Những tư liệu ít ỏi để lại hiện vẫn chưa xác định được năm sinh và năm mất của Pierre Foulon, ngoài việc gia đình ông ở Việt Nam đến 3 đời.

Trong giai đoạn 1920-1930, Pierre Foulon dạy triết học ở Trường Bưởi (nay là trường THPT Chu Văn An) và sống ở làng Nhật Tân. Ông là một người cha lãng mạn, viết cuốn sách này với lời đề tặng dành cho con gái khi cô bé mới 2 tuổi và mong con có thể đọc để hiểu về nơi mà mình được sinh ra, đồng thời cũng là nơi cha cô đã gắn bó trong tuổi thanh xuân.

Thời gian ở Việt Nam, Pierre Foulon giao du với nhiều tên tuổi trong giới văn hóa - nghệ thuật như Nguyễn Văn Tố, Bùi Kỷ, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Tiến Lãng (con rể Phạm Quỳnh), Tô Ngọc Vân (họa sĩ vẽ minh họa tác phẩm này). Ông đã gửi lời cảm ơn đến rất nhiều bằng hữu trong đoạn mở đầu cuốn sách: "Bạn đọc ơi, đây là đạo binh mà họ xin phép không nêu tên. Vì đó là tất cả bạn bè đồng nghiệp An Nam của tôi. Tất cả, với sự kiên nhẫn dễ thương nhất, họ giải thích cho tôi mọi điều tôi có thể muốn biết về đất nước, phong tục và cả tín ngưỡng của họ".

Ra mắt 'Xuân Thu Sử thi Bắc Kỳ': Tôn lên chiều sâu đáng quý của người Việt Nam - Ảnh 4.

Các diễn giả tại tọa đàm (từ trái sang): GS.TS Đỗ Quang Hưng, TS Nguyễn Tiến Dũng và TS Vũ Đức Liêm

Chưa đủ, Pierre Foulon đã nghiên cứu cả phương Đông và phương Tây với những tên tuổi như Socrate, Platon, Albert Einstein. Ông đọc những tác giả phương Tây viết về Việt Nam, đọc về Khổng Tử, Trang Tử, thơ Đường, Sử ký. Với một phông nền văn hóa sâu sắc giữa cả 2 nền văn hóa Đông - Tây, cùng với sự xâm nhập và thực hành cuộc sống với người Việt Nam của chính mình, Pierre Foulon được nhận định là bị "mê đắm" xứ Bắc Kỳ nên mới dày công viết về nơi này kỹ càng, sâu sắc và tinh tế đến thế.

"Tôi cho rằng sự mẫn cảm của Pierre Foulon đã tạo nên ngòi bút sắc bén cho ông ấy khi viết cuốn sách này. Ông viết sử một cách vừa lạ, vừa quen, có được những ý tưởng hay dù không dễ đọc. Lịch sử xứ Bắc Kỳ được phản ánh qua đời sống tinh thần, vật chất của người Việt Nam trên cuốn sách với bút pháp và chất liệu rất đặc biệt, khi ông chọn những nhân vật tưởng như mơ hồ nhưng rất chọn lọc" – GS-TS Đỗ Quang Hưng nhận định.

Ông nói thêm: "Cách viết dưới dạng triết học văn hóa để nhìn lịch sử Bắc Kỳ của Pierre Foulon đã tôn lên chiều sâu đáng quý của người Việt. Pierre Foulon còn thể hiện cả cảm thức đầy tính nhân bản về mối quan hệ Pháp và Việt Nam. Cuối cùng, Pierre Foulon là một người có đời sống giản dị và không ngại lột tả tâm hồn mình".

Cuốn sách Xuân Thu sử thi Bắc Kỳ có lời tựa của học giả Nguyễn Văn Tố và được thiết kế trình bày bởi họa sĩ Tô Ngọc Vân. Ngoài ra, tranh bìa cuốn sách là bản thu nhỏ chép lại tranh khắc dân gian ngày Tết của vùng Bắc Bộ.

Lam Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm