Khói bụi tiếp tục đe dọa Trung Quốc: Trong "cơn ho Bắc Kinh"…

30/01/2013 07:22 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Các màn khói bụi ô nhiễm đã xuất hiện tại nhiều vùng ở Trung Quốc kể từ giữa tháng này đang khiến người ta đặt ra một câu hỏi: liệu có phải sự phát triển kinh tế thần kỳ ở quốc gia đông dân nhất thế giới đã phải đánh đổi bằng những cái giá rất đắt liên quan tới vấn đề môi trường và y tế.

Khi một làn khói dày, đen đặc, bao phủ lấy một phần lớn Trung Quốc vào đầu tháng này, nó đã tạo ra một loạt phản ứng dây chuyền.

"Thiệt hại kinh tế ngang thiên tai"

Nhà chức trách đã phải hủy bỏ nhiều chuyến bay tại phía Bắc Trung Quốc và yêu cầu đóng cửa một số nhà máy. Các bệnh viện đầy những bệnh nhân đang bụm miệng, ôm ngực ho khan.

Một vụ cháy diễn ra tại một nhà máy đồ gia dụng không có người ở tỉnh Chiết Giang đã diễn ra tới hàng giờ không ai phát hiện bởi khói từ vụ cháy hòa lẫn vào trong màn khói bụi.

Ở tỉnh Sơn Đông ven biển, phần lớn các đường cao tốc đã bị đóng cửa do lo ngại tầm nhìn thấp có thể khiến tai nạn xảy ra. Và ở Bắc Kinh, chính quyền địa phương đã yêu cầu cư dân ở trong nhà và các công trình xây dựng cũng được lệnh giảm bớt hoạt động.

Tình trạng ô nhiễm gây ảnh hưởng nặng tới cuộc sống của người dân

"Đó là các biện pháp khẩn cấp đã có cùng một tác động lên kinh tế giống như sau khi bị thiên tai" - Louis Kuijs, một nhà kinh tế của Ngân hàng Hoàng gia Scotland cho biết - "Tác hại vô cùng ghê gớm".

Cư dân thủ đô Bắc Kinh đã ví bầu không khí ô nhiễm của họ và các nguy cơ đe dọa sức khỏe kèm theo bằng cái tên đầy mỉa mai "cơn ho Bắc Kinh". Nhưng các nhà kinh tế nói rằng không thể đùa cợt với làn khí ô nhiễm ở Trung Quốc.

Khi tình trạng ô nhiễm không khí tiếp tục bao phủ các thành phố ở Trung Quốc, thiệt hại kinh tế do hoạt động sản xuất ngừng trệ và do người lao động bị bệnh sẽ tăng cao. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng bệnh tật và tình trạng chết sớm đã khiến Trung Quốc thiệt hại tới 100 tỉ USD trong năm 2009, tương đương với gần 30% GDP.

Một nghiên cứu do tổ chức Greenpeace và Trường Y tế Cộng đồng của Đại học Bắc Kinh thực hiện cho biết chi phí chữa trị các căn bệnh liên quan tới tình trạng ô nhiễm xảy ra tại các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Tây An đã lên tới hơn 1 tỉ USD trong năm ngoái.

"Hãy trả lại trời xanh mây trắng cho tôi"

Cư dân Bắc Kinh, anh Zhang Jian, là người hiểu rõ nhất về tác hại của không khí ô nhiễm gây ra. Anh đã thường xuyên đưa đứa con trai 2 tuổi tới khám bác sĩ để điều trị bệnh viêm xoang mạn tính và tin rằng con bị bệnh là do ô nhiễm. Hoạt động thăm khám và chữa trị cho con đã khiến Zhang tốn mất 320 USD, bằng gần một tuần lương của anh.

Tình trạng ô nhiễm đã vấp phải sự phản ứng mạnh từ cộng đồng mạng Trung Quốc. Nhiều blogger đã chụp ảnh họ đang đeo mạng che mặt và tải lên mạng. Một số còn cầm các tẩm biển viết tay mang nội dung: "Tôi không muốn trở thành máy hút bụi sống". Cụm từ trên đã trở thành chủ đề "hot" tại các mạng xã hội như Sina Weibo, thu hút hàng triệu lượt người vào bình luận.

Khói bụi dày đặc đã bao phủ nhiều thành phố nằm ở phía Bắc Trung Quốc, gồm cả Bắc Kinh

"Hãy trả lại trời xanh mây trắng cho tôi" - một blogger tên Xiao Yu viết - "Nếu phát triển khinh tế cần phải trả giá bằng ô nhiễm nặng nề, tôi thà quay trở lại những năm 1980 còn hơn".

Quả thực nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 30 lần kể từ năm 1989 và qua đó cũng trở thành nước thải khí CO2 ra bầu khí quyển lớn nhất thế giới. Nhưng trong khi đó, Trung Quốc cũng đi đầu với tư cách nhà sản xuất máy tạo điện dùng phong năng và panel quang điện hàng đầu thế giới. Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu đưa năng lượng thay thế chiếm tới 9,5% tổng lượng điện tiêu thụ trên toàn quốc vào năm 2015.

Sự trái ngược trên đã cho thấy phần nào chính sách môi trường ở Trung Quốc. Nước này đang loại dần các túi nilon tại nhiều siêu thị, khuyến khích dùng năng lượng thay thế, trồng hàng triệu km2 cây xanh trong kế hoạch “Trường thành xanh”.

Song song với đó, Trung Quốc lại lệ thuộc nặng vào hoạt động sản xuất điện dùng than đá. Nhiên liệu hóa thạch rất bẩn này đã giúp tạo ra 70% lượng điện ở Trung Quốc.

Vấn đề càng trở nên trầm trọng do tình yêu với ô tô, xe máy của người Trung Quốc. Năm ngoái có gần 20 triệu chiếc xe các loại đã được bán tại đây, nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên toàn cầu.

Người dân tự cứu mình

Kết quả là chất lượng không khí giảm thảm hại và đỉnh cao là màn khói bụi độc hại đã bao trùm lên các thành phố và khiến người ta không thể nhìn thấy gì trong phạm vi ngoài trăm mét.

Cuộc khủng hoảng ô nhiễm không chỉ tồn tại ở các trung tâm đô thị lớn của Trung Quốc. Cuộc nghiên cứu của ADB và Đại học Thanh Hoa trên 500 thành phố Trung Quốc thấy rằng chỉ chưa đầy 1% đạt các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới đề ra.

Trong động thái ứng phó khẩn cấp, chính quyền Bắc Kinh cho biết, họ đang xem xét triển khai một loạt các biện pháp như giới hạn việc sử dụng phương tiện giao thông, xịt nước vào các công trình xây dựng để giảm bụi và hạn chế việc mở tiệc nướng ngoài trời.

Nhưng khi tình hình chưa thể thay đổi ngay, cư dân mạng Trung Quốc đã tự tìm cách bảo vệ mình. Hoạt động bán máy lọc không khí đang tăng vọt. Các khẩu trang cotton cũng bán vèo vèo.

Doanh nhân Pan Feng thường chỉ tiêu thụ được 20.000 khẩu trang mỗi tháng. Nhưng trong vòng 5 ngày, bắt đầu từ 13/1, anh đã bán được gần gấp đôi con số đó. Pan nói rằng anh còn có thể bán nhiều hơn thế, nhưng không có đủ nhân lực để đáp ứng đơn đặt hàng.

"Chúng tôi thấy hoạt động kinh doanh tăng vọt" - Pan nói - "Nhưng tôi không thấy vui trong chuyện này. Chúng tôi đang là các thương nhân đã làm giàu từ thảm họa. Chuyện này cho thấy khi tiêu chuẩn sống của người dân tăng lên, họ sẽ quan tâm hơn tới sức khỏe. Họ đơn giản chỉ muốn tự bảo vệ mình".

Tường Linh (Theo LA Times)
Thể thao & Văn hóa

Khói bụi trở lại miền Bắc Trung Quốc

Người dân thủ đô Trung Quốc hôm 29/1 đã phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm độc hại kéo dài sang ngày thứ 2 liên tiếp. Đây đã là lần thứ tư một đám mây khói bụi dày đặc bao phủ Trung Quốc trong mùa Đông này. Khói bụi dày đã làm giảm tầm nhìn, gây nguy cơ tai nạn giao thông, làm trì hoãn các chuyến bay, đình trệ sản xuất và đe dọa sức khỏe người dân.

Thông tin về Chỉ số chất lượng không khí (AQI) do đại sứ quán Mỹ công bố hôm 29/1 cho thấy Bắc Kinh đang ở mức 495, tức "độc hại" vào 11 giờ sáng, sau khi đã đạt 517 - "vượt quá giới hạn" vào 6 giờ sáng. Chỉ số trên chỉ cần vượt qua 150 đã được xem là "có hại cho sức khỏe" và hơn 300 là "độc hại". Trong khi đó, Trung tâm Giám sát Môi trường Bắc Kinh đã đưa ra thông số 393 vào 10 giờ sáng, cho thấy không khí ở thủ đô đã "bị ô nhiễm nặng".

Tình trạng không khí độc hại lần này đã xảy ra theo sau một vụ ô nhiễm khác hồi đầu tháng, với đỉnh điểm là ngày 13/1 khi báo chí chính thống cho biết chỉ số PM 2.5 đã đạt mức 994 microgram/m3 không khí. Chỉ số PM 2.5 nói tới những hạt bụi nhỏ tới mức có thể đi sâu vào trong phổi và con số trên đã cao hơn 40 lần mức an toàn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm