Thế giới trong tuần: Đất, nước và không khí

04/08/2012 06:55 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Tình trạng ô nhiễm không khí ở Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đã đến mức không thể tồi tệ hơn, trong khi Ấn Độ và Pakistan nổ ra tranh cãi về một vấn đề muôn thuở: nước thượng nguồn và hạ nguồn một dòng sông lớn.

Bắc Kinh xám xịt

Với rất nhiều công viên, những cung điện có tuổi đời hàng thế kỷ, một lịch sử và văn hóa dày cộm, lẽ ra Bắc Kinh phải là một trong những Thủ đô đáng sống nhất thế giới. Nhưng thay vào đó, nó là một trong những đô thị tồi tệ nhất vì tình trạng ô nhiễm không khí đã quá sức chịu đựng.

Chứng ung thư phổi đang ngày càng gia tăng với 20 triệu dân ở đây, theo lời các quan chức y tế. Với các công ty đa quốc gia, Bắc Kinh đang ngày càng trở thành một điểm đến khó khăn và bất chấp việc tăng lương, thưởng, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vẫn bỏ đi. Trong năm có một số ngày thành phố này che phủ một lớp sương mù xám xịt, lan cả vào trong nhà, làm đau nhức mắt và khiến bầu trời tối đen vào giữa trưa.

Khói bụi từ các nhà máy, gió thổi cát vào từ sa mạc Gobi và khói xe từ hàng triệu xe cộ kết hợp lại phủ lên thành phố một tấm màn đen đúa. Những cư dân nói tiếng Anh đôi khi chơi chữ gọi Beijing (tên tiếng Anh phiên âm của Bắc Kinh) là Greyjing (Kinh đô xám xịt). Một số người nước ngoài sống ở đây sắp xếp lịch sinh hoạt theo chất lượng không khí trong ngày được thông báo trên trang Twitter của Đại sứ quán Mỹ.

Cố Cung ở Bắc Kinh chìm trong sương mù vào lúc giữa trưa

“Vào một ngày tồi tệ, bạn sẽ phải thay đổi kế hoạch”, Chauvon Venick, một phụ nữ Mỹ chuyển sang sống ở đây từ Los Angeles cùng người chồng làm luật sư và con gái nhỏ vào đầu năm nay. “Bạn thức dậy, nhìn ra ngoài trời và nếu là một ngày đẹp, bạn sẽ bỏ tất cả để ra ngoài cố tận hưởng. Còn nếu nó là một ngày tồi tệ, bạn sẽ phải hủy các kế hoạch của mình”.

Những tháng mùa Đông đặc biệt tồi tệ vì ngoài mọi ô nhiễm thường ngày, hàng loạt máy sưởi hoạt động khắp thành phố khiến bầu không khí thêm phần đặc dính. Vào một ngày đầu tháng 12 năm ngoái, sương mùa ở Bắc Kinh dày đến mức sân bay chính phải đóng cửa vài giờ và Đại sứ quán Mỹ nâng mức cảnh báo không khí ô nhiễm lên 500, tức là rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Năm nay, cơ quan Thông tin Kinh tế (EIU) xếp hạng mức ô nhiễm ở Bắc Kinh là 4,5 (5 là mức tệ nhất). Trong số 70 thành phố được thăm dò, chỉ Mumbai, New Delhi, Karachi, Dakar, Dhaka và Cairo là xếp thấp hơn thế.

Với rất nhiều điểm hấp dẫn, hàng loạt di sản UNESCO, Thủ đô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nghệ thuật ẩm thực nổi tiếng, tình trạng ô nhiễm không khí đã khiến những doanh nhân nước ngoài tài giỏi chùn bước khi cân nhắc việc đến sống và làm việc ở Bắc Kinh. “Chúng tôi không thuê được người làm lãnh đạo ở đây. Ô nhiễm là một nỗi lo lớn, nhất là nếu bạn có con nhỏ”, lãnh đạo một công ty dịch vụ tài chính phương Tây cho biết.

Bắc Kinh xếp thứ 7 từ dưới lên trong các thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Nhưng cản trở của kẻ này lại là cơ hội cho người khác khi những công ty làm trong ngành công nghệ lọc không khí đã tăng trưởng chóng mặt trong vài năm qua. “Doanh số năm vừa rồi tăng gấp ba mức bình quân các năm trước đó”, Zheng Hui, tư vấn bán hàng ở công ty Thụy Sĩ IQ Air, mới vào thị trường Trung Quốc được 5 năm, hồ hởi.

Vấn đề còn trở nên nhạy cảm và mang tính chính trị khi người dân phản ứng. Tháng trước, một quan chức cấp cao của Trung Quốc đã yêu cầu một số đại sứ quán nước ngoài ngừng việc đánh giá chất lượng không khí do điều đó vi phạm pháp luật và các công ước ngoại giao. “Chúng tôi đang nỗ lực cải thiện chất lượng không khí, không chỉ là để thu hút đầu tư, mà còn vì người dân Bắc Kinh”, một quan chức Sở Môi trường thành phố nói với Reuters.

Chiến tranh nguồn nước

Cạnh dòng nước bạc của con sông Kishanganga chảy qua một thung lũng ở Bắc Kashmir, các công nhân Ấn Độ đang tấp nập hoàn tất một dự án đập thủy điện tại khu vực có sự hiện diện quân sự vào loại dày đặc nhất trên thế giới này: biên giới Ấn Độ - Pakistan. Đây sẽ là một biểu tượng của Ấn Độ trong việc tập trung khai thác nguồn điện sạch và rẻ tiền này, nhưng cũng làm gia tăng căng thẳng về nước với Pakistan ở hạ nguồn, vốn phụ thuộc rất nhiều vào các con sông chảy từ dãy Himalaya cho các nhu cầu cơ bản nhất: nước uống, sinh hoạt và làm nông nghiệp.

Một dòng sông ở Kashmir, nước ngọt trở thành vấn đề bức xúc tại Nam Á trong hiện tại và tương lai

Islamabad đã kiện lên một tòa án quốc tế với lập luận con đập ở thung lũng Gurez, một trong hàng chục đập thủy điện đã được Ấn Độ lên kế hoạch xây dựng, sẽ ảnh hưởng tới dòng chảy của sông Kishanganga và việc xây nó là bất hợp pháp. Trong nhiều năm kể từ sau khi chia tách khỏi Ấn Độ thuộc Anh năm 1947, tranh chấp lãnh thổ đã là nguồn gốc cho ba cuộc chiến giữa hai quốc gia có trang bị vũ khí hạt nhân này. Nước hoàn toàn có thể là vấn đề nhức nhối tiếp theo.

“Chắc chắn tiềm ẩn mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột liên quan tới nguồn nước, nhất là nếu nhìn tới năm 2050, khi nước sẽ khan hiếm đáng kể cả ở Ấn Độ và Pakistan”, Michael Kugelman, đại diện Nam Á của trung tâm các học giả Woodrow Wilson tại Washington, bình luận. “Dân số sẽ tiếp tục tăng. Áp lực sẽ ngày càng lớn lên các nguồn nước, rồi biến đổi khí hậu và băng tan… tất cả kết hợp lại thành một cơn bão có thể bùng nổ bất cứ lúc nào”.

Không chỉ ở Nam Á, tranh chấp nguồn nước là một vấn đề toàn cầu do dân số tăng, đô thị hóa quá nhanh, việc xây dựng hệ thống thủy lợi cho nông nghiệp ngày càng mở rộng và nhu cầu điện ngày càng lớn. Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran và Iraq đã cãi nhau mấy thập kỷ về nguồn nước hai con sông Tigris và Euphrates. Sông Jordan gây chia rẽ giữa Israel, Jordan, Lebanon và Palestine. 10 nước châu Phi hiện đang phải miễn cưỡng chia sẻ nhau nước sông Nile. Tại Đông Nam Á, Trung Quốc xây những đập thủy điện lớn ở thượng nguồn sông Mekong gây ra nhiều lo lắng ở hạ nguồn.

Một báo cáo của Mỹ công bố tháng 2 năm nay cảnh báo nguồn cung cấp nước ngọt có thể không đáp ứng nổi nhu cầu của cả thế giới vào năm 2040, làm gia tăng bất ổn chính trị, cản trở tăng trưởng kinh tế và đe dọa an ninh lương thực. Chiến tranh vì nguồn nước có thể chưa diễn ra trong một thập kỷ nữa, nhưng sau đó thì không ai dám chắc. Mối đe dọa có lẽ là đang hiển hiện nhất ở Nam Á, nơi sinh sống của 1/5 dân số thế giới và có lịch sử xung đột lâu đời.

Những đập thủy điện khổng lồ đang gây ra tranh cãi khắp thế giới

Ba hệ thống sông lớn nhất trong vùng, Indus, Ganges và Brahmaputra, cung cấp nước cho các vựa lúa mì chính của Ấn Độ và Pakistan, cũng như nhiều thành phố lớn dọc bờ sông, bao gồm New Delhi và Islamabad, cũng như cả Bangladesh. “Nam Á là biểu tượng của áp lực về nguồn nước”, B.G.Verghese, nhà phân tích tại trung tâm nghiên cứu chính sách, khẳng định. Dân số ở đây tăng ở mức 25 triệu người mỗi năm và lượng nước sử dụng bình quân trên đầu người đã giảm còn 70% kể từ năm 1950, theo ngân hàng Phát triển châu Á.

Hậu quả là nhãn tiền. Các bệnh viện tại New Delhi năm nay đã phải hủy bỏ một số cuộc phẫu thuật vì không có nước để sát trùng dụng cụ hay thậm chí để rửa tay. Những trung tâm mua sắm sang trọng buộc phải tắt máy lạnh và đóng cửa nhà vệ sinh. Tại Pakistan, thành phố cảng Gwadar đã không còn chút nước nào, buộc chính phủ phải cử đến đây tàu hải quân chở nước. Một số tòa nhà chính quyền ở thành phố Rawalpindi bị mất nước nhiều tuần liền...

Mối đe dọa chiến tranh vì nguồn nước đang hiển hiện ở Nam Á, nơi sinh sống của 1/5 dân số thế giới và có lịch sử xung đột lâu đời.

Ấn Độ là trung tâm của mọi tranh cãi khi vừa là một nước thượng nguồn, vừa là một nước hạ nguồn. Về phía Đông và Tây, họ bị Bangladesh và Pakistan cáo buộc tự tung tự tác với nguồn nước. Nhưng về phía Bắc và Đông Bắc, Ấn Độ lo ngại điều tương tự từ Trung Quốc khi Bắc Kinh đã lên kế hoạch xây hàng loạt đập nước ở sông Tsangpo, sang Ấn Độ là sông Brahmaputra.

Tuy nhiên, cũng còn một vấn đề khác khiến nguồn nước ở Nam Á trở nên khan hiếm: sự thiếu hụt nước bắt nguồn từ việc sử dụng lãng phí và cách quản lý thiếu hiệu quả, nhất là ở Ấn Độ và Pakistan, theo lời các chuyên gia. “Tất cả những nước này quản lý nguồn nước rất kém, nhưng họ lại rất giỏi chỉ trích người khác”, Sundeep Waslekar, Chủ tịch nhóm dự báo chiến lược, một tổ chức nghiên cứu ở Mumbai, bình luận. “Sẽ xây dựng hơn nếu họ tìm cách tiết kiệm nước ở nhà, thay vì ở bên kia biên giới”.

Hạ tầng nước sinh hoạt và sản xuất, như hệ thống kênh và ống tưới tiêu, hoàn toàn bị quên lãng và hàng triệu lít nước rò rỉ bị phí phạm mỗi ngày. Giải pháp là các chính quyền phải tăng cường khả năng quản lý nguồn nước, chia sẻ thông tin và thực hiện các dự án thủy điện - thủy lợi chung như Ấn Độ đang làm với Bhutan. “Không thể ngồi đợi, đã đến lúc phải làm gì đó, nếu không bơi, bạn sẽ chết chìm”, Verghese, tác giả cuốn Waters of Hope: Himalayan-Ganga Cooperation For a billion people (Nước cho hy vọng: Hợp tác Himalaya-Ganges vì một tỷ người), kết luận.

Hải Minh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm