Công Vinh, SLNA và Consadole Sapporo: Một cuộc ra đi....

25/07/2013 05:45 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - 3 ngày đã trôi qua kể từ khi bản hợp đồng đưa Công Vinh sang khoác áo CLB Consadole Sapporo trong thời hạn 5 tháng chính thức được ký kết, nhưng đến nay đây vẫn là một vấn đề tạo ra nhiều ý kiến trái chiều, cả về phía cá nhân Công Vinh cũng như CLB SLNA.

1. Có không ít ý kiến cho rằng thực chất bản hợp đồng đưa Công Vinh gia nhập Consadole Sapporo chỉ nhằm mục đích thương mại là chính, bởi nhà tài trợ cho CLB Nhật Bản này đang muốn thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam, và Công Vinh chính là một lựa chọn phù hợp.

Thực tế là những lần xuất ngoại trước đây của cầu thủ Việt Nam chưa bao giờ bắt nguồn từ lý do chuyên môn thuần túy, mà thường nguyên nhân chủ yếu thường là để nhắm tới mục đích thương mại (như trường hợp của Huỳnh Đức với Lifan Trùng Khánh), hoặc là vì những mục đích khác như né án kỷ luật (như Việt Thắng, Lương Trung Tuấn).



Rất khó để Công Vinh cũng như SLNA từ chối được lời mời của Consadole Sapporo. Ảnh: VSI

Bản thân chuyến đi sang Leixoes của Công Vinh cách đây mấy năm cũng được dàn dựng nhờ vai trò của HLV Henrique Calisto và cậu con trai Tiago làm nghề môi giới cầu thủ, còn nếu chỉ dựa vào trình độ chuyên môn đơn thuần thì có lẽ Công Vinh chưa có đủ sức hấp dẫn với một đội bóng ở tận Bồ Đào Nha.

2. Tuy nhiên, cách đây 6 năm, khi ĐT Olympic Việt Nam và ĐT Việt Nam với sự có mặt của Công Vinh thi đấu ấn tượng ở vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 và VCK Asian Cup 2007, Công Vinh đã nhận được sự quan tâm thật sự của một đội bóng Nhật Bản cũng đang chơi ở J-League 2 như Consadole Sapporo là Ehime FC.

Lúc ấy, Ehime FC có ý định ký kết hợp đồng nghiêm túc với Công Vinh, và họ đã cử đại diện của mình sang tận Nghệ An để tìm hiểu đầy đủ mọi thông tin về Công Vinh, và thậm chí họ đã sưu tầm được cả những clip ghi lại các trận đấu của Công Vinh từ thời còn ở độ tuổi thiếu niên.

Các tuyển trạch viên của Ehime FC khi đó đánh giá rất cao năng lực chơi bóng cũng như tư duy chiến thuật của Công Vinh. Họ cho rằng nếu Công Vinh có thể hình và thể lực tốt hơn thì tiền đạo này hoàn toàn có thể thi đấu được ở J-League 1.

Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, Ehime FC cuối cùng đã quyết định không ký hợp đồng với Công Vinh, và một trong những lý do chủ yếu được người trong cuộc tiết lộ là bởi Ehime FC lo ngại một tiền đạo chỉ cao 1m70 và có thể hình khá mỏng như Công Vinh khó lòng trụ lại J-League 2, giải đấu mà chất lượng kỹ thuật có thể kém hơn J-League 1 nhưng mức độ khắc nghiệt và căng thẳng thì không hề thua kém.

3. Hơn nửa thập kỷ sau, lại có một CLB Nhật Bản khác từ J-League 2 là Consadole Sapporo tìm đến Công Vinh, nhưng lần này dường như họ không chỉ nhắm tới mục đích chuyên môn thuần túy như Ehime FC ngày trước, nên việc ký kết hợp đồng giữa các bên đã nhanh chóng trở thành hiện thực.

Có lẽ lời đề nghị mà Consadole Sapporo đưa ra cho SLNA phải hấp dẫn tới cỡ nào thì đội bóng xứ Nghệ mới chấp nhận nhường cho CLB Nhật Bản chân sút tốt nhất của mình đúng vào thời điểm quan trọng nhất của mùa giải. Quyết định chuyển nhượng Công Vinh của SLNA có thể khiến các CĐV xứ Nghệ cảm thấy thất vọng, và thậm chí là có thể giận dữ, nhưng đứng từ góc độ kinh tế thì hoàn toàn có thể thông cảm.

SLNA đang lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính tới mức họ không thể tăng cường lực lượng ở kỳ nghỉ giữa mùa, và ngay cả kinh phí để duy trì tuyến trẻ vốn là thương hiệu của SLNA từ nhiều năm nay cũng trở thành một vấn đề nan giải. Trong khi đó, nhà tài trợ chính của SLNA lại không có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ bơm tiền mạnh mẽ để đội bóng xứ Nghệ thoát khỏi cảnh nhà nghèo.

4. Mà chuyện này suy cho cùng cũng rất bình thường, bởi nhà tài trợ này gắn bó với SLNA không phải vì sức hút của đội bóng, mà nguyên nhân chủ yếu là do tác động từ các yếu tố chủ quan bên ngoài. Bởi thế, SLNA không thể đòi hỏi nhiều hơn ở nhà tài trợ của mình, đặc biệt là trong hoàn cảnh nền kinh tế vẫn chưa vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay.

Trong điều kiện như vậy, SLNA không thể không nghĩ tới việc chuẩn bị phương án dự phòng nếu chẳng may xảy ra một cuộc chia ly với nhà tài trợ hiện tại, và sự xuất hiện của Consadole Sapporo lúc này có ý nghĩa như là một cái phao cứu sinh với SLNA.

Thế nên, cuộc thương lượng để mượn lại Công Vinh giữa Consadole Sapporo và SLNA mới diễn ra nhanh chóng và thuận lợi đến thế. Thậm chí, giả sử Consadole Sapporo còn muốn mượn thêm một hoặc một số trụ cột khác của SLNA ngoài Công Vinh thì hẳn SLNA cũng sẽ vui lòng xem xét.

Với thực lực hiện có, kể cả còn Công Vinh trong đội hình thì SLNA cũng chưa chắc đoạt được ngôi vô địch V-League 2013, bởi SLNA còn thiếu rất nhiều yếu tố để có thể trở thành nhà quán quân giải VĐQG, trong đó hàng thủ là tử huyệt số một của đội bóng xứ Nghệ.

Trong khi đó, nếu cho Consadole Sapporo mượn Công Vinh, SLNA vừa có thêm kinh phí để giải quyết bài toán tài chính đang vô cùng bức bách, đồng thời lại tạo được một mối quan hệ hứa hẹn để có thể nhờ cậy trong tương lai gần, một thương vụ hấp dẫn như thế, làm sao SLNA có thể từ chối cho được?

Mai An
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm