Nhà báo Anh Ngọc: Nào, ta lại lên đường, tới Berlin!

14/02/2024 14:18 GMT+7 | Bóng đá 24h

Tôi vẫn nhớ như in cảm giác của mình vào một ngày mùa Hạ 16 năm về trước, khi lên đường cho hành trình EURO 2008. Một chiếc xe chở trang thiết bị tác nghiệp và đồ dùng dọc đường cho một tháng dài, người thanh niên trẻ và đầy nhiệt huyết, với một mục tiêu duy nhất lúc đó: Phản ánh EURO một cách chân thực và sống động nhất có thể.

1. Bây giờ, gần hai thập kỷ sau ngày ấy, những ấn tượng về chuyến đi bằng ô tô và về chính bản thân mình vẫn còn được nhớ mãi trong tim. Sự trẻ trung, hoài bão, những khao khát lên đường cho một hình thức báo chí không mới với thế giới nhưng còn mới với chúng ta lúc ấy thật sự lớn lao.

Tôi đã ngồi trong những studio để bình luận các trận đấu. Tôi cũng ngồi xem các trận đấu của EURO và World Cup trên tivi để rồi ngay sau đó viết các bài báo để bình luận về các trận đấu ấy. Nhưng lên đường, rong ruổi đến những thành phố đăng cai một giải đấu tầm cỡ thế giới, để rồi ở đó quan sát, chứng kiến, lắng nghe, trải nghiệm, hít đầy lồng ngực bầu không khí ở chính những nơi đó, trực tiếp gặp gỡ và sống trong cơn cuồng si cháy bỏng của các cổ động viên thì chưa từng. Và như thế, một người luôn muốn có mặt trên các nẻo đường như tôi đã toại nguyện trong những ngày Hè Thuỵ Sĩ và Áo 2008 ấy, với mỗi ngày gửi về một trang A3 ký sự đầy ắp những câu chuyện, những hành trình, những "va đập" văn hoá trên hàng nghìn cây số, cũng như các bài báo về các trận đấu mà tôi đã chứng kiến.

Nào, ta lại lên đường, tới Berlin! (báo tết) - Ảnh 1.

Nhà báo Anh Ngọc và các CĐV Đức

Hành trình 10 nghìn km qua nhiều quốc gia trong mùa Hè ấy, không chỉ có hai nước đăng cai EURO 2008, chính là nguồn cảm hứng lớn lao để tôi thực hiện các bài báo theo thể loại du ký mà tôi đã luôn luôn yêu thích, cũng là do chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi các bậc thầy văn học lữ hành tôi đã đọc, từ các cây bút hiện thực như Paul Theroux hay Ryszard Kapuscinski cho đến các nhà văn xuất chúng như Jack Kerouac. Nó đòi hỏi rất nhiều thứ mà một người lữ hành kiêm nhà báo kiêm người yêu bóng đá như tôi phải có: Vốn kiến thức rất rộng về văn hoá, lịch sử, con người; kỹ năng chuẩn bị hành trình và lên kế hoạch thật tốt; thể lực dồi dào để duy trì sức làm việc trong hơn một tháng; khả năng độc lập tác chiến và di chuyển trên các vùng đất ấy và có thể triển khai nhiều dạng tác phẩm báo chí về nhiều chủ đề khác nhau. Chính chuyến đi EURO 2008 ấy đã dạy tôi rất nhiều điều cho những hành trình lớn sau này, để rồi giờ đây, khi nhìn lại tất cả những gì đã trải qua, chợt nhận ra rằng, 5 cuốn sách du ký tôi đã viết cho đến giờ đều bắt đầu từ chính những ngày rong ruổi EURO ấy.

2. Bốn năm sau những ngày ấy là một EURO khác, cái nhìn của tôi với giải đấu ấy cũng đã trưởng thành hơn, sâu hơn và giúp tôi nhận ra rằng, không ai có thể khám phá mảnh đất ta đã tới tốt hơn chính bản thân mình nếu như ta không nỗ lực đến cùng. EURO 2012 là một giải đấu mà tôi lang thang trên đất Ukraine, đất nước có phần lãnh thổ lớn nhất châu Âu ấy, và đôi mắt tôi không chỉ nhìn thấy những trận đấu trên sân cỏ, nơi mà đội Ý của tôi đã chơi một giải đấu để đời cho tới tận chung kết, khi họ thua tan nát Tây Ban Nha và tôi đã chứng kiến bi kịch ấy từ khán đài của sân Kiyv, mà còn nhìn thấy và cảm nhận rất nhiều những điều khác nữa: Những tương phản của cuộc sống người giàu và người nghèo; những người già phải bán huân huy chương từ cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại để tồn tại; những mâu thuẫn lớn lao âm ỷ trong lòng đất nước, giữa những người muốn hướng đến phương Tây và những người thân Nga, muốn kéo Ukraine lại phía Moskva, chính là những điều đã dẫn đến sự bùng nổ của cuộc cách mạng Maidan sau đó hai năm và cuộc chiến tranh bây giờ đang diễn ra ở đó.

4 năm sau đó, là hành trình ở Pháp, với một tháng vòng quanh đất nước hình lục lăng cho EURO 2016 trên bốn bánh xe tôi tự lái, với những bài báo viết về nhiều mặt cuộc sống, con người, lịch sử và văn hoá của đất nước mà tôi rất yêu mến từ khi còn là một đứa trẻ. Và sau một EURO không thể có mặt vì đại dịch và đành nằm nhà xem các trận đấu của giải qua tivi, giờ đây, tôi lại khao khát lên đường cho một hành trình mới ở nước Đức, cho EURO 2024.

Nào, ta lại lên đường, tới Berlin! (báo tết) - Ảnh 2.

Những cuốn du ký của nhà báo Anh Ngọc đến từ những ngày tháng rong ruổi như thế này

3. Nhiều khi ta tưởng như đã biết rất nhiều về nước Đức, được nghe nhiều, xem nhiều. Nhưng thực ra còn có bao nhiêu điều cần khám phá, bao nẻo đường cần phải đi, bao nhiêu câu chuyện cần phải viết để đem đến cho độc giả, khán giả. Đất nước ấy tôi đã tới vài lần, và trước World Cup 2006 ở đây, tôi từng viết một bài báo đọc rất xúc động về nó, trong đó nói đến một hành trình đặc biệt trong một tháng bóng lăn ở đây.

Đoạn cuối, tôi viết: "Tôi có một giấc mơ khác: Đi vòng quanh thế giới trong một tháng qua những ngày nước Đức. Chàng Phileas Fogg của Jules Verne đã đi "Vòng quanh thế giới trong 80 ngày", nhưng tôi chỉ có 30 ngày cho mỗi World Cup để được nhìn, được ngắm, như một con đường ngắn nhất để học về thế giới xung quanh, học văn hoá, học cách ứng xử, học để phát triển và mở mang tầm mắt. Học để làm người...". Bây giờ, ước mơ của tôi, một người lữ hành kiêm nhà báo kiêm người yêu bóng đá, là đi vòng quanh nước Đức trong một tháng EURO không chỉ vì bóng đá mà còn để tiếp tục "học văn hoá, học cách ứng xử, học để phát triển và mở mang tầm mắt, học để làm người". Berlin, tôi đang tới đây, trong mùa Hè nước Đức!

Nhà báo Trương Anh Ngọc

Trương Anh Ngọc (sinh ngày 19/1/1976) là một phóng viên thời sự quốc tế, phóng viên thể thao của báo Thể thao & Văn hóa, TTXVN. Anh còn là bình luận viên bóng đá, nhà văn và nhà báo người Việt Nam.

Anh Ngọc được biết đến là một trong những phóng viên thể thao hàng đầu Việt Nam, đặc biệt về bóng đá và nhất là bóng đá Ý. Ngoài ra, anh cũng nổi tiếng là một trong những bình luận viên được yêu thích qua nhiều giải đấu và là phóng viên tác nghiệp tại các sự kiện thể thao lớn trong và ngoài nước. Kể từ năm 2010, anh là phóng viên Việt Nam đầu tiên và duy nhất tới nay được tạp chí danh tiếng France Football mời tham gia bình chọn cho danh hiệu Quả bóng Vàng.

Ngoài việc là phóng viên thể thao, công việc chính của Anh Ngọc là phóng viên thông tin quốc tế. Anh là trưởng cơ quan thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Ý trong giai đoạn 2007–2010 và 2013–2016. Trong các giai đoạn 2010–2013 và 2016 đến nay, anh còn làm biên tập viên rồi Thư ký tòa soạn cho báo Thể thao & Văn hóa, ngoài ra cũng là cộng tác viên của nhiều đài truyền hình cùng nhiều tờ báo và tạp chí lớn. Từ tháng 2/2011, anh sở hữu một chuyên mục riêng trên báo Thể thao & Văn hóa mang tên Anh Ngọc & Calcio, rồi sau đó là một chương trình cùng tên được phát sóng hàng tuần từ tháng 9/2012 trên hệ thống truyền hình Cáp của Đài Truyền hình Việt Nam (VTVCab). Anh cũng là người phát động phong trào "Cổ vũ bóng đá có văn hóa" trong cộng đồng bóng đá Việt Nam vào đầu năm 2013. Từ năm 2018, anh trở lại làm bình luận viên cho Serie A trên kênh truyền hình FPT.

Bên cạnh công việc phóng viên, Anh Ngọc cũng đã cho ra mắt những cuốn ký sự viết về hành trình khám phá và tác nghiệp của mình. Cuốn sách đầu tay Nước Ý, câu chuyện tình của tôi được phát hành vào tháng 5/2012 có được nhiều đánh giá rất tích cực từ người hâm mộ. Các cuốn bút ký tiếp theo Phút 90++ (2013), Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu (2017), Hẹn hò với Paris (2018) và Đi khi ta còn trẻ (2022) đều có được thành công nhất định.

EURO 2024 là giải đấu lớn thứ 8 mà Anh Ngọc tác nghiệp trực tiếp. Trước đó, anh từng góp mặt ở EURO 2008, 2012, 2016, và World Cup 2010, 2014, 2018, và 2022.


Trương Anh Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm