Ngẫm ngợi cuối tuần: 'Thuận thiên' một thời

04/11/2023 07:11 GMT+7 | Văn hoá

Nhà tôi ở xóm Đồn. Những năm còn bé, nghe bố nói mới biết trước 1945 cả xóm chỉ có 6 hộ, trên hai chục khẩu. Bây giờ, sau hơn 80 năm, xóm phình ra hàng vài trăm hộ và vài ba ngàn nhân khẩu.

Trước nhà 9 người, bữa cơm bày hai mâm, nồi cơm đặt giữa. Mâm gỗ tiện tròn, còn mâm kia như chõng tre thu nhỏ. Mọi đồ dùng đều lấy từ rừng. Rừng cho mọi thứ kể cả rau ăn.

Nhà 9 người lúc ấy thật đông đúc vui vẻ. Nhưng nào thế mãi! Mấy năm sau anh cả cưới vợ ra ở riêng, hai chị lần lượt lấy chồng. Gia đình như nồi cơm vơi dần sau bữa ăn. Cảm giác thiếu hụt man mác. Hai chị lấy chồng xóm xa thì càng xa. Thì ra con người cũng có nếp sống như côn trùng trong việc phân đàn tự sống.

Ngẫm ngợi cuối tuần: 'Thuận thiên' một thời - Ảnh 1.

Tranh minh hoạ. Nguồn: Internet

Miếng đất bố mẹ khai khẩn khi bỏ quê lên khai khẩn như một "giang sơn" của gia đình, rộng hàng nghìn mét vuông. Rừng núi đồi hoang, ai thích rộng bao nhiêu tự khai phá chẳng ai cấm đoán. Nhà tôi có hẳn vườn cây rộng hàng mẫu bao quanh, đủ loại quả bốn mùa. Trên khoảnh đất ngôi  nhà 5 gian có hiên, mái lợp rạ, cùng căn bếp chừng vài chục mét vuông cũng vật liệu ấy, cuộc sống gia đình thật đầm ấm, dù tất cả vách thưng nứa tép, trát rơm bùn. Riêng chuồng trâu, chuồng lợn thì chỉ bưng vách  bằng phên nứa. Mà cũng chỉ che hướng  Bắc, chống gió bấc mùa rét. Còn tất cả ba mặt thoáng, vì trâu lợn ngụp lặn trong phân bùn nhớp nháp, nếu bưng kín, hơi phân không thoát thì chúng chết ngạt mất.

Năm hai lần, phân đầy chuồng được đánh ra góc bờ ao, đắp thành đống rồi trát bùn phủ cho hoai mục rồi mới dỡ ra bón ruộng. Phân định "giang sơn" thổ cư với thổ canh kề ngay cổng nhà chỉ có hàng cúc tần. Mùa Đông giá rét, trâu  đờ dẫn trong giá lạnh... Có năm rét quá, sáng ra trâu không đứng dậy nổi, mang cỏ về bón cũng không buồn ăn, đành báo Ủy  ban xã  kiểm tra, cấp giấy sát sinh, cho phép thịt...

Xưa chẳng có phân bón gì ngoài phân chuồng ủ hoai. Bên phải nhà tôi vài chục mét, bố đào cái ao rộng vài trăm mét vuông. Nhà neo người, mỗi năm làm một ít. Mấy năm trời phải nhờ cả hàng xóm giúp, mới khoét xong ao thả cá. Có ao cá, có vườn, có đàn gà chuồng lợn, tự cấp tự túc mà sống cũng tươm tất lắm.

Thì ra mô hình VAC  (vườn - ao - chuồng) được quảng bá như một sáng tạo của thời mới nhưng xét ra đã có từ đầu thế kỉ trước, mà có khi còn trước nữa. Khi ấy ruộng đất mênh mang thì mới có vườn - ao - chuồng. VAC mà làm ở đồng bằng ư? Nông thôn miền xuôi đất cắm căn lều chưa đủ thì VAC nỗi gì!

Nói chung mọi biến đổi nó như quy luật, con người nương theo, góp phần cho nó thăng hoa, phong phú hơn lên chứ chẳng có gì sáng tạo lắm đâu. Xét cho cùng đều dựa vào thiên nhiên để tồn tại. Thuận thiên, sống không tàn phá thì mọi sự thường ổn. Lấy của thiên nhiên nhiều thì thiên nhiên đòi lại bằng cho hạn hán, bắt lụt lội rồi mất mùa đói vàng mắt ra.

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm