Ngẫm ngợi cuối tuần: Cá không ăn muối

26/08/2023 07:32 GMT+7 | Văn hoá

Trong kho tàng ca dao người Việt, có câu nhắc nhở con cháu từ rất sớm: "Cá không ăn muối cá ươn/ Con không nghe lời mẹ, trăm đường con hư". Đó là lời căn dặn phổ thông nhất mà bất cứ người mẹ nào cũng đều biết.

"Muối" ở đây là ca dao tục ngữ, thành ngữ của cha ông. Đó là lời dạy bảo con sống ngoan lành tử tế từ rất sớm để làm người.

Tôi chắc trăm bà mẹ Việt Nam đều dạy con tử tế, muốn con nên người. Nhưng lớn lên thì nhiều đứa trẻ thay đổi dần, bộc lộ tính cách riêng. Khi bất lực, các bậc cha mẹ thường than: "Cha sinh con, Trời sinh tính" như để tự bào chữa cho mình đã không giám sát con cẩn thận.

***

Làng quê xưa, một cuộc sống chầm chậm, ít mơ ước, ít khao khát phá rào, nhìn nhau mà sống nên chuyện ganh đua tranh giành cũng không quyết liệt. Thời ấy có cái hay về tình người nhưng cũng vì thế mà con người an phận, xã hội chậm phát triển. Cũng vì thế mà giàu nghèo không quá cách xa, cuộc sống vẫn chung sàn chung chiếu. Nhà anh nhà tôi chung bờ rậu găng hoặc dâm bụt, cúc tần, con gà con qué còn luồn lách qua nhà hàng xóm chia sẻ con giun, con dế.

Ngẫm ngợi cuối tuần: Cá không ăn muối - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Đấy là nói về cái xã hội thuần nông sau lũy tre làng. Một xã hội còn trong lành, sống với phương châm "tắt lửa tối đèn" có nhau.

Ngày nay, xã hội mang gương mặt mới. Làng quê không còn như xưa. Sự ganh đua để vươn lên có phần thái quá. Một phần văn hóa thôn quê bị phá vỡ. Lối sống thị thành du nhập thay đổi nếp sống lối nghĩ. Máu hưởng thụ trong con người được kích thích đã ngọ nguậy tìm được ngõ ngách. Biến đổi về văn hóa sống đã bộc lộ gương mặt xấu của nó.

Những lời mẹ xưa: "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng"; "Ăn tùy nơi, chơi tùy chốn"; "Của làm ra là của trong nhà, của ông bà là của ngoài sân, của phù vân  nó có chân nó chạy"… bị rơi tuột khỏi đầu nhiều người, trong đó có cả những người có quyền có chức!

"Muối" xưa là những lời răn dạy của mẹ trong nhà. Còn "muối" của thời nay phải là pháp luật nghiêm minh mới có thể hiệu nghiệm.

Thật thế, khi thời thế thay đổi, văn hóa chuyển đổi thì việc quản lý không thể "vị tình" mãi. Sâu bọ còn thích nghi với thuốc trừ, con người có tư duy biến hóa thì thích nghi còn nhanh hơn sâu bọ, nên chỉ có luật pháp nghiêm minh thì xã hội mới có thể trở lại thăng bằng.            

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm