Ngẫm ngợi cuối tuần: Chuyện con dao

14/01/2024 10:50 GMT+7 | Văn hoá

Dao là vật dụng hàng ngày không thể thiếu trong mỗi gia đình, thế nhưng mấy ai đã biết đủ tên các loại dao! Dao có nhiều loại, mỗi loại dùng vào một việc. Khi nói tên là người ta sẽ hình dung ra loại dao nào, dùng vào việc gì.

Xin kể ngày trước khi chưa có cưa máy, sơn tràng (thợ đốn gỗ) dùng dao vố, to dày bản và nặng hàng cân, dùng chặt cây to. Tôi chỉ một lần nhìn thấy dao vố vào năm 1968 khi trường sơ tán ở rừng Bắc Sơn, gặp những người thợ rừng đi đốn gỗ. Bây giờ thì chắc chắn không còn loại dao ấy nữa khi có cưa máy công năng lợi hại hơn chục lần.

Nông thôn nuôi lợn không thể thiếu dao phay thái chuối đánh bằng thép tốt. Dao phay to bản mà nhẹ mới thái được những lát chuối mỏng bay.

Dao bài nhỏ chỉ để thái rau, cắt tiết gà vịt, bổ cau têm trầu. Dao rựa dùng đi rừng chặt củi. Để chọc tiết giết lợn thì có dao nhọn. Dao nhọn còn thêm loại dao bầu thường dùng cho việc giết mổ.

Dao tông thì phần chuôi không làm cán gỗ mà đánh luôn bằng sắt cuộn lại làm cán. Nhưng người ta ít làm vì tốn sắt, nặng mà không cần thiết.

Ngẫm ngợi cuối tuần: Chuyện con dao - Ảnh 1.

Bản vẽ minh họa các loại dao của Đỗ Đức

Người miền núi phát cây dọn cỏ không thể thiếu dao quắm. Dao quắm phần đầu đánh bẻ gục như mỏ chim để khi phát cỏ còn móc kéo cho tiện. Những bụi dây hoặc cây gai, phải có dao quắm mới phá nổi.

Phụ nữ Mông lại có dao lá lúa, nhỏ bén sắc lẹm cất trong người. Nó tiện dụng cho việc cắt, hái, lượm và khi cần thì tự vệ.

Miền núi còn có loại dao tỉa nữa. Nó được đánh bằng thép xanh loại tốt nhất, để bỏ túi, chỉ dùng để cắt những thứ nhỏ như bông lúa, bó thành cum để treo lên giàn cất giữ (bó thành cum, chủ yếu là lúa nếp). Đi rừng đi núi, dao thường để trong phẻn (phẻn dao là bao dao ghép từ hai mảnh gỗ, ngoài đai bằng dây mây) đeo vào thắt lưng.

 ***

Dao nào dùng vào việc ấy. Dao bài không thể chặt mà chỉ thái, cắt xén. Dao phay cũng vậy, to bản nhưng nó chỉ dùng tốt nhất cho mỗi một việc thái chuối. Dao rựa dùng chặt, chẻ, đẽo đồ gỗ hoặc đi rừng hái củi. Đi rừng chỉ một con dao rựa hoặc dao quắm là đủ. Vì công dụng chính của dao là chặt. Dao quắm đầu dao có mỏ nhọn thì không thể dùng để thái trên thớt được. Dao lá lúa của thợ thiến nhỏ nhưng sắc lẻm. Dao cạo râu cũng được đánh từ thép xanh và nước tôi đặc biệt. Dao nhíp chỉ chế tạo công nghiệp còn làm tay cũng rất hạn chế.

Họ nhà dao lắm loại, từ to đến nhỏ, từ nặng đến nhẹ được sinh ra do trách nhiệm chúng gánh vác. Dùng người mà lẫn lộn có hỏng việc thì hỏng từ từ, chứ dùng dao mà nhầm thì hỏng ngay trước mắt. "Không ai giết gà bằng dao mổ trâu", đó là thành ngữ nhắc mọi người về công năng các loại dao.

Chỉ nghe những động từ chỉ trạng thái là biết ngay: chặt, chém thì chắc chắn chỉ có dao vố, dao rựa, dao quắm làm được. Đâm thì chỉ có dao tông, dao nhọn, dao bầu. Thái thì nhẹ nhàng khéo tay, chỉ có dao bài, dao phay. Cắt thì dao nhíp, dao lá lúa.

Có một loại dao đặc biệt là dao cầu dùng thái thuốc trong chế biến dược liệu và dao xén phải có bàn xén. Dao trổ dùng trong nghệ thuật cần nhọn sắc thì mỗi người có cách tạo hình riêng vì không phổ biến.

Phổ biến nhất trong nhà chỉ cần hai thứ: chặt dùng dao rựa, thái dùng dao bài. Xét thế thì dao là vật đắc dụng trong đời sống. Khi cần nó còn là vũ khí sát thương chỉ sau súng đạn.

                                                                            ***

Dao đi vào đời sống dân gian với nhiều triết lý sâu sắc: "Dao tốt nhờ nước tôi"; "Dao có mài mới sắc" (nói về sự rèn luyện); "Chơi dao sắc có ngày đứt tay" (nhắc nhở về sự cẩn thận); "Đâm dao sau lưng" (cảnh báo cẩn thận trước sự phản trắc). 

Chuyện về con dao còn nhiều lặt vặt nữa, như mài dao phải chọn đá nháp, loại đá gan gà. Mài lấy cho lưỡi sắc chọn đá xanh mịn, dao mới bén. Dao trổ mài đá xanh phải dùng dầu luyn thì lưỡi mới bén. Người thành phố thường không biết mài dao, nên có người mài thuê. Bây giờ tiện hơn có dụng cụ công nghiệp để liếc dao, kéo xoẹt vài cái là xong, nhưng chóng cùn.

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm