'Mở kho phim' về đề tài chiến tranh và hậu chiến (kỳ 1): Một thoáng với 3 phim truyện kinh điển

23/08/2023 07:47 GMT+7 | Văn hoá

Nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Viện Phim Việt Nam tiếp tục tổ chức chương trình phim về đề tài chiến tranh cách mạng và hậu chiến phục vụ khán giả yêu điện ảnh Thủ đô. Ba phim truyện Việt Nam đặc sắc được chọn chiếu là: Từ một cánh rừng, Không có đường chân trời, Ám ảnh. Sự kiện này sẽ diễn ra tại Rạp Ngọc Khánh (523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) từ ngày 29 đến 31/8.

1. Phim truyện Từ một cánh rừng (đạo diễn Đức Hoàn, 95 phút) do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1978, với ê-kíp sáng tạo gồm kịch bản Xuân Thiều - Đức Hoàn, quay phim Thẩm Võ Hoàng, âm nhạc Nguyễn Văn Thương, trung tá Đổng Khắc Hách làm cố vấn quân sự... Phim có các diễn viên Lê Dũng Nhi, Nguyễn Văn Hiệp, Lê Khanh, Bùi Bài Bình, Trần Đắc, Trần Hoàn, Hữu Mười, Bích Ngọc, Kim Thanh, Ngọc Thu...

'Mở kho phim' về đề tài chiến tranh và hậu chiến (kỳ 1): Một thoáng với 3 phim truyện kinh điển - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Trần Hoàn vai chính ủy (phải) trong phim “Từ một cánh rừng”

Hiếu (Lê Dũng Nhi thủ vai) và Thành (Nguyễn Văn Hiệp) cùng học trường xây dựng, cùng nhập ngũ và được phân công về cùng một trạm giao liên. Hiếu điềm đạm, kiên trì, bình tĩnh xử lý tốt tình huống. Trái lại, Thành nóng nảy, thiếu bình tĩnh, thiếu kiềm chế.

Tại đây, hai chiến sĩ tình cờ gặp đơn vị thanh niên xung phong, trong đó có Tuất do Lê Khanh lần đầu tiên đóng phim điện ảnh. Thành cảm mến Tuất xinh đẹp, nhưng Tuất lại đem lòng mến thương Hiếu, mà Hiếu đã có người yêu học trường y...

'Mở kho phim' về đề tài chiến tranh và hậu chiến (kỳ 1): Một thoáng với 3 phim truyện kinh điển - Ảnh 2.

Lê Khanh vai Tuất (trái) trong phim “Từ một cánh rừng”

Thành cảm thấy bị xúc phạm, bức bối, khó chịu khi từng có chiến sĩ coi thường nhiệm vụ ở các trạm giao liên, rằng không ra trận mạc, chỉ loanh quanh với rừng, núi, sông suối. Vì muốn trực tiếp tham gia chiến đấu, nên Thành đã rời khỏi trạm giao liên cùng với con chó. Trạm giao liên tưởng Thành đào ngũ, nên đã cử cán bộ, chiến sĩ đi tìm. Về phía Thành, trong hành trình xuyên rừng, vượt núi đi tìm đơn vị chiến đấu, Thành bị sốt rét. Cũng vừa lúc đơn vị đi tìm gần đến đó. Rất may, con chó đã sủa báo cho đơn vị đến cứu. Thành rất ân hận về hành động nông nổi, vô nguyên tắc của mình và cố gắng lập công chuộc tội...

Tình hình chiến sự diễn ra đúng như dự đoán. Trong kia, ta sắp mở chiến dịch. Ngoài này có một binh đoàn hành quân vào. Thời gian rất gấp. Đây là con đường thường xuyên bị máy bay địch oanh tạc. Vì thế, theo chỉ thị của cấp trên phải mở một tuyến đường tránh. Một lần, đơn vị thanh niên xung phong nổ mìn để thông xe, máy bay địch đến trinh sát, sợ bị lộ, Thành đã dũng cảm lao ra dập tắt ngòi nổ. Từ đó, Tuất nhìn Thành bằng sự cảm phục, yêu thương. Thành và các chiến sĩ làm nhiệm vụ hiểu hơn vai trò của chiến sĩ giao liên qua câu nói của chính ủy (do nhạc sĩ Trần Hoàn đóng): "Chiến sĩ giao liên là người đi bộ vòng quanh trái đất".

'Mở kho phim' về đề tài chiến tranh và hậu chiến (kỳ 1): Một thoáng với 3 phim truyện kinh điển - Ảnh 3.

Cảnh trong phim “Từ một cánh rừng”

Phim Từ một cánh rừng xây dựng giàu cảm hứng sử thi, với trùng trùng đoàn quân vào mặt trận, trên nền nhạc hùng tráng: "Đời giao liên bước tôi đi/ Dài theo, theo đất nước/ Đường tôi đi núi chênh vênh/ Có mây bay dưới chân giăng thành/ Đời tôi như những con thoi/ Dệt tình yêu quê hương thống nhất" - trong ca khúc Đường tôi đi dài theo đất nước của Vũ Trọng Hối.

2. Phim Không có đường chân trời (đạo diễn Nguyễn Khánh Dư, 80 phút) do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1986. Dựa theo truyện ngắn Trại bảy chú lùn (trong tập truyện cùng tên, gồm 10 truyện ngắn về chiến tranh của Bảo Ninh), Trần Thế Thành viết thành kịch bản, Chu Minh viết nhạc, Phạm Quang Vĩnh thiết kế mỹ thuật, với sự tham gia của các diễn viên: Bùi Cường, Đăng Khoa, Thanh Quý, Vũ Đức Tùng, Trần Thạch, Vương Đức...

'Mở kho phim' về đề tài chiến tranh và hậu chiến (kỳ 1): Một thoáng với 3 phim truyện kinh điển - Ảnh 4.

Thanh Quý trong phim “Không có đường chân trời”

Phim kể chuyện về tiểu đội có 7 chiến sĩ được giao nhiệm vụ bảo vệ kho lương thực trong rừng để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam. Yêu nước, căm thù giặc, họ làm việc âm thầm, hy sinh trong những điều kiện cực khổ và ác liệt của chiến tranh. Là người lính, họ hiểu mệnh lệnh phải được thực hiện, phục tùng. Vì thế, họ có thể tranh luận khi bất đồng quan điểm, nhưng tuyệt nhiên không một ai trong số họ rời vị trí, bỏ nhiệm vụ. Họ đã kiên trì chờ đợi quân giải phóng đến lấy lương thực. Nhưng đợi mãi vẫn không thấy ai đến. Còn lại một mình Mộc (Bùi Cường thủ vai) bên những nấm mồ mới đắp và những túp lều đầy ắp lương thực.

Từ chất liệu văn chương sâu sắc, phim Không có đường chân trời thể hiện sự tài hoa, khéo léo của đạo diễn và cả ê-kíp khi xây dựng câu chuyện đầy ám ảnh thời điểm cuộc chiến tranh khốc liệt nhất. Phim được đánh giá cao về kịch bản, đạo diễn, kỹ thuật dựng phim; cách kết nối và dàn dựng logic các phân phúc. Ngôn ngữ điện ảnh chân thực và xúc động.

'Mở kho phim' về đề tài chiến tranh và hậu chiến (kỳ 1): Một thoáng với 3 phim truyện kinh điển - Ảnh 5.

Cảnh trong phim “Không có đường chân trời”

Đạo diễn khéo léo đặt phép so sánh giữa bối cảnh cuộc chiến khốc liệt nhất bên cạnh bản tình ca khát vọng yêu lãng mạn nhất. Phim dằng dặc, triền miên nỗi đau chiến tranh. Tiểu đội đang tăng gia và tích trữ lương thực cứ thưa vắng dần khi các chiến sĩ hy sinh vì những lý do như cây đổ, hổ vồ, sốt rét... đầy ám ảnh. Nga - cô thanh niên xung phong do diễn viên Thanh Quý thể hiện - may mắn gặp được tiểu đội tăng gia như một vệt sáng cho bức tranh vốn ảm đạm.

Các nhà làm phim đã sáng tạo câu chuyện tình yêu của Nga với Hiền (Trần Thạch), một chiến sĩ quân giải phóng. Những đồng đội lần lượt ra đi. Nga quyết tâm bảo vệ đứa con trong bụng - một mầm sống gieo mầm từ cái chết, giữa sự tàn khốc của chiến tranh. Đứa con chào đời giữa bối cảnh khốc liệt nhất. Tiếng khóc của đứa bé gữa rừng già khẳng định sự chiến thắng của tình yêu.

3. Phim truyện Ám ảnh (kịch bản - đạo diễn NSND Đức Hoàn) do Hãng phim truyện Việt Nam - Xưởng phim II sản xuất năm 1988. Từ truyện ngắn Cơn giông của Nguyễn Minh Châu, Đức Hoàn đã viết nên kịch bản Ám ảnh và đóng vai bác sĩ. Ê-kíp gồm Phú Quang - Phú Ân viết nhạc, Đặng Đình Hùng âm thanh, Trần Thế Dân quay phim, Lê Dũng Nhi trợ lý đạo diễn… Phim có các diễn viên Thương Tín, Trần Vân, Lê Khanh, Tuyết Ngân, Quảng An, Robert Hải...

'Mở kho phim' về đề tài chiến tranh và hậu chiến (kỳ 1): Một thoáng với 3 phim truyện kinh điển - Ảnh 7.

Lê Khanh (trái) và Trần Vân trong phim “Ám ảnh”

Trong cuộc chiến khốc liệt, Quang (Thương Tín thủ vai) quá sợ hãi, đã chạy sang hàng ngũ đối phương. Quang từng lập chiến công, đeo lon đại úy thiết giáp. Nhưng do một lần để sổng một tù binh Việt cộng (chính là Thăng), bị giáng cấp xuống thiếu úy, để rồi cứ ám ảnh về điều đó, tự trừng phạt mình bằng nỗi cô đơn, muốn tự kết liễu cuộc đời. Cũng trong cuộc chiến ác liệt này, người chiến sĩ Thăng (Trần Vân) đã nuôi khát vọng, lý tưởng, nghị lực cống hiến cho đất nước, đã chiến đấu dũng cảm đến quên mình.

'Mở kho phim' về đề tài chiến tranh và hậu chiến (kỳ 1): Một thoáng với 3 phim truyện kinh điển - Ảnh 8.

Cảnh trong phim “Ám ảnh”

Thông điệp từ phim Ám ảnh muốn nói với khán giả rằng, trong mỗi con người đều tiềm ẩn các yếu tố bản năng của con và người, của anh hùng và tiểu nhân, của cao cả và thấp hèn... Mỗi người chỉ được sống một lần, thế nên hãy biết sống tử tế, nếu để sự thấp hèn chi phối thì cuộc đời sẽ bị dằn vặt không yên.

 (Còn tiếp)

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng - Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm