Đợt phim kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Đến với những phim tài liệu và hoạt hình đặc sắc

21/08/2023 07:41 GMT+7 | Văn hoá

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và ngành văn hóa các địa phương tổ chức Đợt phim kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 trong phạm vi cả nước từ ngày 19/8 đến ngày 5/9/2023. Các phim được chọn chiếu trong Đợt phim này gồm 5 phim thuộc thể loại tài liệu và hoạt hình đặc sắc.

Đợt phim này gồm có: 3 phim tài liệu là Những bước đi ngoại giao và một cuộc chiến không mong muốn (Công ty Cổ phần Truyền thông Vietking sản xuất), Giáo sư Tạ Quang Bửu - Nhà khoa học yêu nước (Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất), Những người giữ hồn đất (Công ty Cổ phần phim Giải phóng sản xuất); 2 phim hoạt hình là Giấc mơ làm mẹ (Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất) và Vượt qua đường nước đen (Công ty Cổ phần phim Giải phóng sản xuất).

Trước tiên phải kể đến phim tài liệu Những bước đi ngoại giao và một cuộc chiến không mong muốn ("Hồ Chí Minh năm 1946", phần 2). Đây là phần tiếp theo của phần 1 đã được công chiếu rộng rãi trong đợt phim kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (cuối tháng 2/2023).

Đợt phim kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Đến với những phim tài liệu và hoạt hình đặc sắc - Ảnh 1.

Cảnh trong phim “GS Tạ Quang Bửu - Nhà khoa học yêu nước”

Với những chi tiết lịch sử chân thực, sống động, bộ phim đã làm nổi bật sách lược ngoại giao vừa mềm dẻo, khôn khéo, vừa kiên quyết, cứng rắn trước những âm mưu xâm lược của các đế quốc lớn đối với nước ta. Đồng thời, khẳng định tài năng, tâm tuệ, văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà ngoại giao kiệt xuất - trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của dân tộc năm 1946. Phong cách ứng xử tài tình của Người trong hoạt động đối ngoại đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam và phong trào đấu tranh cho hòa bình của nhân loại.

Phim Giáo sư Tạ Quang Bửu - Nhà khoa học yêu nước do NSƯT Hoàng Dũng đạo diễn, với ê-kíp gồm Lê Thùy Trang (kịch bản), Vương Khánh - Trần Linh (quay phim), NSƯT Trịnh Quang Tùng (biên tập)... Phim thực hiện công phu, làm toát lên được chân dung một nhà giáo tâm huyết; một nhà khoa học tài giỏi, mẫn cán; một nhà lãnh đạo sáng suốt, có tâm và tầm... Ông đã cống hiến rất lớn cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc; đóng góp không nhỏ trong sự phát triển khoa học và giáo dục Việt Nam.

Đợt phim kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Đến với những phim tài liệu và hoạt hình đặc sắc - Ảnh 2.

Bộ phim đã kể về cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư Tạ Quang Bửu. Năm 1922, ông thi vào trường Quốc học Huế (đỗ thứ hạng 11), sau đó ra Hà Nội học Trường Bưởi. Năm 1929, sau khi đỗ đầu tú tài Việt và đỗ đầu tú tài Tây ban toán, Tạ Quang Bửu nhận học bổng sang Pháp du học. Năm 1930, ông thi đỗ vào Trường Centrale (A) Paris. Từ 1930-1934, ông học toán ở các trường Đại học Paris, Bordeaux (Pháp) và Oxford (Anh). Đồng thời, ông học thêm cơ học lượng tử ở Đại học Oxford. Năm 1934 về nước, ông không ra làm quan, mà đi dạy toán và tiếng Anh tại Trường Phú Xuân (trường tư) và sau là trường dòng Providence (Thiên Hựu) ở Huế...

Tháng 8/1945, ông cùng luật sư Phan Anh ra Hà Nội tham gia cách mạng. Ông từng đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng của đất nước: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội (1956-1961); Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Ủy ban Khoa học nhà nước (1958-1965); Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (1965-1976)...

Là nhà khoa học làm quản lý, nên GS Tạ Quang Bửu xác định phải làm quản lý có khoa học và làm khoa học phải phục vụ quản lý để phát triển. Ông đã đề xuất cải tiến nội dung giảng dạy những điều "cơ bản nhất, hiện đại nhất và sát hợp với điều kiện Việt Nam nhất".

 Lời bình của phim đã nhắc tới câu nói nổi tiếng của của GS Tạ Quang Bửu được viết trong cuốn sách Sống: "Điều cốt yếu không phải sống là gì. Điều cốt yếu là làm gì trong lúc sống"...

Phim tài liệu Những người giữ hồn đất phản ánh nghề gạch, nghề gốm của Vĩnh Long, được mệnh danh là "vương quốc đỏ", "vương quốc gạch ngói", "vương quốc lò nung". Nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, thiên nhiên hào phóng đã ban cho Vĩnh Long nguồn đất chất lượng cao, màu mỡ, rất thuận lợi phát triển nghề gạch, gốm.

Đợt phim kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Đến với những phim tài liệu và hoạt hình đặc sắc - Ảnh 3.

Làng nghề truyền thống nung gạch, gốm ở Vĩnh Long

Nghề sản xuất gạch, gốm xuất hiện ở Vĩnh Long vào đầu thế kỷ XIX, đặc biệt là sản xuất gốm đỏ nổi tiếng trong và ngoài nước. Song, các "vương quốc lò nung" ở làng nghề gạch gốm truyền thống cứ "tắt lửa" dần, bởi nhiều nguyên do: chi phí sản xuất quá cao, số lượng đặt hàng ngày càng giảm, nghề nung gạch dần bị mai một...

Bộ phim Những người giữ hồn đất như gióng lên hồi chuông trước thực trạng mai một của làng nghề gạch, gốm nổi tiếng; tìm giải pháp giữ gìn, tìm hướng đi cho người dân đã từ bao đời gắn bó với nghề gạch, gốm; và điều quan trọng là có giải pháp thiết thực giữ gìn bản sắc văn hóa Việt, gắn làng nghề truyền thống với du lịch, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương.

Đợt phim kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Đến với những phim tài liệu và hoạt hình đặc sắc - Ảnh 4.

Phim hoạt hình “Giấc mơ làm mẹ”

Phim hoạt hình 2D Giấc mơ làm mẹ là câu chuyện ngụ ngôn về tình mẫu tử thiêng liêng. Phim kể về cô Vịt Khoang có ước mơ được làm mẹ. Không muốn phiền người khác, cô đã quyết tâm vượt khó, hy sinh bản thân, phá bỏ thói quen cũ từ ngàn xưa của họ nhà vịt để tự ấp trứng. Bao mong đợi, ngóng trông, cô đã ấp quả trứng thành công, nở ra vịt con. Mọi người nhìn cô với sự ngưỡng mộ.

Phim hoạt hình Vượt qua đường nước đen kể về cuộc phiêu lưu của chú vịt cùng hai con quái vật đường ống là các loại hóa chất phế thải. Mượn câu chuyện con vật để nói chuyện môi trường, việc xử lý nước thải bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại giúp cuộc sống, sinh hoạt của con người được đảm bảo. Thông điệp của bộ phim có ý nghĩa giáo dục tinh thần bảo vệ môi trường; những nỗ lực trong việc chống ngập, xử lý nước thải...

Được biết, kinh phí thực hiện đợt phim này được trích từ nguồn kinh phí tài trợ phổ biến phim năm 2023 của Cục Điện ảnh. Cục sẽ in 5 phim bằng file chất lượng HD vào ổ cứng để gửi đến các đơn vị điện ảnh có sử dụng máy chiếu HD (1 ổ cứng/1 đơn vị); in đĩa DVD gửi tới các đơn vị chưa trang bị máy chiếu HD (mỗi phim in 40 đĩa).

Ngoài ra, các đơn vị điện ảnh có trách nhiệm tiếp tục khai thác lại những chương trình phim có nội dung phù hợp do Cục Điện ảnh phát hành trong các đợt phim, tuần phim trước đây để tiếp tục chiếu phim phục vụ khán giả.

Tái hiện những dấu ấn lịch sử của dân tộc, phản ánh tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người, giàu giá trị nhân văn…, đợt phim đã và đang mang đến nhiều cảm xúc cho người xem. Đây là một sự kiện văn hóa góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Cũng nhân dịp này, từ ngày 29 đến 31/8/2023, Viện Phim Việt Nam tổ chức chiếu giới thiệu ba phim truyện Việt Nam đề tài chiến tranh cách mạng, đó là Từ một cánh rừng, Không có đường chân trời, Ám ảnh.

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm