Lê Phước Tứ: “Số 4”

25/10/2009 18:50 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH cuối tuần) - Đồng đội không gọi trung vệ ĐTVN và CLB Thể Công (cũ) - Lê Phước Tứ, bằng cái “nick-name” Tứ “khùng” nữa. Đơn giản bởi Tứ không thích.  Gọi Tứ là “số 4”.

“Số 4” đã trở lại tập luyện cùng ĐTVN từ cách đây 2 tuần. Tức là sau hơn 2 tháng nghỉ đá bóng vì chấn thương dây chằng chéo trong đầu gối phải (tựa như chấn thương của đàn anh Vũ Như Thành), Phước Tứ mới dám đụng đến quả bóng. Rất gắng gượng, Tứ bảo: “Sút mu thì được, chứ đặt lòng rất khó khăn. Cứ xoay người là lại cảm thấy đau. Vừa tập, vừa phải hỏi ý kiến bác sỹ. Đời cầu thủ nghiệt ngã thế đấy...”.

“Số 4” & “Số 1”

Từ đôi ba năm đổ lại, Phước Tứ là số 1 trong hệ thống phòng ngự của Thể Công. Vai trò quá quan trọng của Phước Tứ, khiến các HLV đội bóng lính phải lựa gỡ chiếc băng đội trưởng trên tay các công thần như Phương Nam, rồi Bảo Khanh, để đeo cho Tứ. Thể Công của Tứ “khùng” đã trở thành hiện tượng, ngay trong năm đầu trở lại sàn diễn đỉnh cao của bóng đá Việt Nam. Đó là V-League 2008. Câu chuyện không thật suôn sẻ ở mùa bóng sau đó, khi Thể Công liên tục thay người cầm lái. Cũng phần do lãnh đạo không còn máu bóng đá như trước, nên đội bóng bị thiệt.


Phong độ chói sáng của Phước Tứ ở V-League 2008, cho anh một suất lên Tuyển, dự AFF Suzuki Cup. Xứng đáng! Tuy nhiên, thoạt đầu, Tứ cũng chỉ nghĩ, lên chơi cho vui thôi, chứ vị trí “số 4” (chơi trung tâm hàng hậu vệ) sau khi Huy Hoàng giã từ, thì nghiễm nhiên thuộc về một người Nghệ An khác là Minh Đức (để chơi cạnh Như Thành). Và khi Minh Đức được thử nghiệm đá tiền vệ trụ, thì cơ hội đá chính thuộc về Tứ. Chơi cạnh đàn anh Như Thành, Tứ tiến bộ vượt bậc và đẩy luôn Đức “Sâm” lên băng ghế dự bị, khi cầu thủ này trở về tập luyện ở vị trí sở trường.

AFF Suzuki Cup 2008 là một câu chuyện đẹp với BĐVN và với cá nhân Phước Tứ. Xuất phát chậm, nhưng thầy trò HLV Calisto đã đi một mạch đến trận cuối cùng và đối thủ lại là người Thái. Chắc chắn sẽ không một ai trong số chúng tôi, những người có mặt ở Rajamangala (trận chung kết lượt đi) để thông tin về “đoàn quân đỏ”, quên được thời khắc lịch sử của bóng đá Việt Nam. Ngay sau tiếng còi mãn trận, Tứ cùng các đồng đội lao về phía khán đài có các CĐV Việt Nam. Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, cùng tấm ảnh Bác ở trên đầu. Tứ đã khóc!

Chuyên gia trị Tây

Đồng đội thường nói vui, rằng ở Thể Công, có Tứ “thòng” - Tuấn “quét”. Thực tế, Tứ không mấy khi chơi trung vệ “thòng”, mà chủ yếu làm nhiệm vụ đánh chặn và đeo bám. Mà khi “số 4” đeo bám, thì đố ai thoát được vì dai như... đỉa. Trong sự nghiệp, Tứ “khùng” chưa đầu hàng bất cứ chân sút ngoại to cao nào ở V-League cũng như giải hạng Nhất. Nhưng trên bình diện đội tuyển, thi đấu quốc tế, thì “số 4” của ĐTVN ngại một người. Đó là trung phong lực lưỡng Duric - cựu VĐV chèo thuyền gốc Nam Tư cũ, của Singapore.

“Anh có tưởng tượng được không (?!). Bề ngang của Duric phải cỡ... 1 mét. Duric nhận bóng, tôi không thể biết được đích xác quả bóng ở đâu, khi đứng đằng sau anh ấy. Một động tác nghiêng hoặc lắc người, là Duric có thể đánh lừa được đối thủ. Chiều cao thì thôi rồi. Chẳng có chân sút Đông Nam Á nào cao đến hơn 2 mét cả. Có bật nhảy cao đến mấy, thì cũng không bằng một cú rướn người của cầu thủ này. Trong những lần đối đầu với Singapore, tôi đến mệt với Duric. May là trận bán kết lượt về ở Kallang Roar (Singapore), Duric bị chấn thương và không thể ra sân”, Tứ nói.

Xem những trận đấu của ĐTVN có Tứ đá, cảm giác rất sướng. Khi “số 4” “dập”, thì Thành “kếu” thòng và ngược lại. Lối chơi đầu óc cùng khả năng bọc lót tót của người đá cặp - đàn anh Vũ Như Thành cho Tứ một không gian đủ lý tưởng để diễn. Mạnh mẽ, lì đòn và quyết đoán, đó là những tố chất tốt nhất nơi trung vệ người Quảng Nam. Chấn thương khiến Tứ không thể mạo hiểm để vào sân trong những trận đấu của đội bóng tại cúp bóng đá quốc tế TP.HCM năm nay nhưng ở tuổi 25, tất cả còn đang ở phía trước với Lê Phước Tứ.

Tay chơi xứ Quảng

Phước Tứ là người Quảng Nam nguyên bản, là lính quân khu, trước khi ra Thể Công chơi bóng. Người ta vẫn nhắc nhiều đến “Lính quân khu trên Tuyển” hay “Lính quân khu đeo băng đội trưởng Thể Công”..., thì đó là Lê Phước Tứ. Trước Tứ “khùng”, Thể Công chưa từng có tiền lệ trao băng đội trưởng cho “lính quân khu”. Và ngoài Tứ, cũng hiếm một cầu thủ xuất xứ quân khu nào trụ lại, rồi tỏa sáng trên bình diện đội tuyển. Nói thế, để thấy rằng, nếu không có năng lực thực sự, thì “số 4” đã “out” từ rất lâu rồi, như bao người đi trước khác.

Người Quảng Nam ra Thủ đô sống, nghe rất ngược đời. Ấy thế mà đã 7 năm có lẻ rồi, Tứ đem cái chất giọng địa phương đặc thù ấy ra vùng đất ngàn năm văn hiến. Giờ, mỗi khi nói chuyện với đồng đội hay phóng viên, “số 4” cứ là “nửa Bắc, nửa Trung”. “Kể cũng khó “giữ”, bởi mình cần phải thay đổi để đồng đội có thể nghe được. Riết rồi quen lúc nào không biết. Giờ chẳng hiểu tôi nói thứ giọng gì (cười). Nhưng quan trọng nhất là có thể thông tin được với anh em trên sân, có thể “chém gió” được”, Tứ hài hước.

Tốt tính, nên Tứ được nhiều anh em quý. Phải thừa nhận, rằng ngay cả các thế hệ cha chú có tiếng của bóng đá Quảng - Đà xưa, cũng hiếm có người như Tứ. Đá bóng được và chơi được.

Tùy Phong

Không quá lời khi nói Phước Tứ là một trong những trung vệ hay nhất Việt Nam vào thời điểm hiện tại, thậm chí là của hiếm. Tầm của Tứ, nếu đưa lên bàn chuyển nhượng lúc này, cũng phải cỡ 5 - 7 tỷ (ngầm hiểu cho 3 năm hợp đồng), chứ không ít hơn. Nhưng Tứ lại đang là người của Thể Công (với quân hàm thiếu úy) và đó là khó khăn lớn nhất, khi các đội bóng muốn có được sự phục vụ của cầu thủ này. Chưa biết số phận đội bóng sẽ như thế nào (thay tên - đổi chủ, thậm chí là... giải tán luôn), nên bản thân Tứ “khùng” cũng chưa thể định liệu trước được điều gì.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm