Lê Phước Tứ mang băng thủ quân ĐTVN: Một hiện tượng của hiện tượng

16/05/2009 15:56 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Trước khi Công Vinh rời sân, anh quay ngược trở lại vào giữa sân, hướng về phía hàng thủ rồi tháo chiếc băng đội trưởng ra. Chỉ vài giây, cũng kịp cho một cuộc tranh luận nho nhỏ: Ai sẽ nhận chiếc băng ấy? Là Minh Đức? Là Tấn Tài? Hay là Phước Tứ?

Đúng là có tranh luận thế nhưng cũng chẳng có chút bất ngờ nào khi Vinh trao nó cho Phước Tứ. Tấn Tài ăn cơm đội tuyển có thâm niên, đóng góp chuyên môn tích cực, nhưng không có những phẩm chất của một thủ lĩnh. Minh Đức cũng có vài năm khoác áo đội tuyển, nhưng thời của ông Calisto, Minh Đức đá dự bị nhiều hơn đá chính. Tầm ảnh hưởng của anh cũng hạn chế. Phước Tứ lên tuyển muộn hơn, bắt đầu từ ngày ông Calisto nắm quyền, nhưng đá chính trong hầu như tất cả các trận đấu.
 
Chỉ đúng 1 lần, ông Calisto để Tứ ngồi dự bị khi ông cần thử nghiệm phương án Như Thành – Minh Đức trước thềm AFF Suzuki Cup 2008. Cũng không chỉ ở số lượng, Tứ mang đến cho hàng thủ ĐTVN chất lượng: sự mạnh mẽ, quyết liệt và tương đối tỉnh táo. Những cú vào bóng hợp lệ của Phước Tứ mạnh như một mũi kiếm đâm từ phía sau với các tiền đạo đối phương. Bây giờ, tranh chấp tay đôi với Tứ, để qua anh, ở BĐVN chỉ có vài người, là tiền đạo ngoại.
 
Lê Phước Tứ có những bước tiến mà người lạc quan nhất
cũng không thể tin nổi - Ảnh: VSI

Ông Calisto giờ coi anh là một trụ cột, gần như là nhân vật không thể thiếu, một trường hợp sẽ vẫn được lên tuyển ngay cả khi anh có vấn đề về phong độ ở CLB (giả sử).

2 ngày trước trận đấu với Olympiakos, Phước Tứ bị đau, anh không tập luyện. Người ta lo, rất lo. Nhưng ai biết về cầu thủ xuất thân từ Quân khu 5 này đều chắc mẩm Tứ sẽ đá. Nó như một thói quen, hay một phẩm chất thì đúng hơn. Tứ có thể đau cả tuần, hay trước trận đấu một vài buổi, người ta thấy cái chân của anh sưng vù, bước đi nặng nhọc chứ chưa nói tới chạy, nhưng khi trận đấu cần, anh sẽ ra sân và chơi tốt.

Trước và ở AFF Suzuki Cup cũng thế, Tứ bị đau, chân quấn băng tứ tung, ngồi ngoài xem đồng đội tập nhưng cuối cùng vẫn có tên trong danh sách đá chính. Không phải Tứ giả đau, mà đau thật. Tứ có tố chất sức mạnh gần như là phi thường. Hình như, cũng vì lẽ đó mà người ta gọi anh là Tứ “khùng”.

Ở Thể Công, Tứ cũng thế. Trận Thể Công đá với ĐTLA, Tứ bị đau cả tuần, gần như không tập đúng nghĩa. Nhưng trước trận đấu 1 ngày, tiền vệ Rafael bị dập bắp đùi, không thể đá chính, HLV Lê Thụy Hải lại nhờ Tứ ngày mai cắn răng vào chơi, đá hẳn ở vị trí tiền vệ trung tâm. Thế là Tứ “khùng” ra sân, đá trên cả mức tròn vai của một người có nhiệm vụ thu hồi bóng. Tứ làm chỗ dựa để Công Huy trong thời gian qua đá xuống phong độ cũng chơi tốt trong vai trò của một tiền vệ công.

Và Tứ từ mùa trước cũng bắt đầu được khoác chiếc băng đội trưởng của Thể Công, khi Bảo Khanh không ra sân. Chỉ sau hơn 2 năm cho một cầu thủ từ Quân khu ra, được dẫn dắt cả một tập thể đội bóng Quân đội như vậy quả là một hiện tượng. Nó chính là nền tảng để Tứ tiếp tục làm nên hiện tượng tiếp theo: khoác áo ĐTQG chưa đầy một năm cũng được khoác trên cánh tay trái chiếc băng đội trưởng.

Công Vinh có 4 năm khoác áo đội tuyển, tới năm thứ 3 mới có vinh dự ấy. Minh Phương, Tài Em nhanh hơn nhưng cũng phải hơn 2 năm. Nói thế để thấy, dù chỉ là vài chục phút đeo băng thủ lĩnh, với Phước Tứ và với cả ĐTVN cũng là điều kỳ diệu.

Phong Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm