Hợp tuyển 'Hồn đô thị': 'Ai thừa giờ nhớ một kẻ đi xa'

14/09/2022 19:00 GMT+7 | Văn hoá

Độc giả yêu mến đất Sài Gòn xưa, hẳn đã từng đọc qua Sài Gòn - Chuyện đời của phố (5 tập) của Phạm Công Luận. Xuất bản tập đầu năm 2014, mỗi tập đều trình bày đẹp mắt, dày dặn, gom góp những trải nghiệm cá nhân, lẫn những năm tháng sưu tầm, nghiên cứu trong các sách báo, tư liệu cũ. Cuốn Hồn đô thị vừa “thoát thai” từ bộ sách Sài Gòn - Chuyện đời của phố, chắt lọc 30 bài, với những minh họa mới, gợi nhiều hoài niệm của họa sĩ Kim Duẩn.

Tác giả Phạm Công Luận: Có những đề tài chưa bao giờ cũ trên báo Xuân

Tác giả Phạm Công Luận: Có những đề tài chưa bao giờ cũ trên báo Xuân

Nhân kỷ niệm 100 năm ra đời số báo Xuân đầu tiên của Việt Nam (1918 - 2018), tác giả Phạm Công Luận vừa phát hành cuốn "Sài Gòn - phong vị báo Xuân xưa". Cuốn sách phác thảo sơ lược một giai đoạn báo Xuân ở Sài Gòn, kéo dài từ năm 1930 đến 1975.

“Đọc lại bản thảo đã chọn, chợt nhớ mênh mang bao nhiêu người đã lang thang cùng tôi trên vỉa hè, ôn lại những ngày giáp Tết trên con phố bán đồ cổ Lê Công Kiều, kể chuyện cũ trong hẻm Tô Châu, hoặc trong hẻm nhỏ gần chợ Thiếc, rồi ở Chợ Lớn, nhắc nhớ ông già Áo Đen bán thịt bò khô bên bờ kinh Nhiêu Lộc, mê mải chuyện xưa mà quên cả cầm đũa trong những buổi giỗ ở ngã tư Bình Hòa” - Phạm Công Luận chia sẻ cảm xúc khi cấu thành Hồn đô thị.

Chú thích ảnh
Nhà văn Phạm Công Luận

Tổng kết một chặng đường

Có thể xem Hồn đô thị là sự tổng kết một chặng đường để tiếp nối hành trình về miền Sài Gòn xa xưa của Phạm Công Luận, khi mà những hình bóng cũ dần lưu mờ, xóa dấu. Như những ký ức về nhà văn Sơn Nam thuở sinh thời, những lần viếng thăm, những trang viết còn để lại cuộc đời, gợi cho hậu sinh một nỗi buồn man mác “như tâm trạng của một cậu bé trong buổi chiều Ba mươi hay khi vừa hết Tết, phải cúng đưa ông bà”.

Tác giả say mê đuổi theo các hình bóng cũ, mà đôi khi tông tích lưu lại với hậu thế chẳng còn gì ngoài một cái tên. Như “nàng thơ” Huyền Chi của Thuyền viễn xứ, có nhiều câu ấn tượng: “Đường về cố lý xa xôi/ Nhịp sầu lỡ bước, tiếng đời hoang mang”. Dù thơ bà được Phạm Duy phổ nhạc, nhưng rồi chính nhạc sĩcũng băn khoăn hỏi: “Huyền Chi, cô ở đâu?”

Chú thích ảnh
Hợp tuyển “Hồn đô thị”vừa phát hành

Cuối cùng, tác giả Phạm Công Luận tao ngộ Huyền Chi giữa lòng Sài Gòn, rất nhiều năm sau khi bài thơ phổ nhạc trở nên nổi tiếng. Khi viết Thuyền viễn xứ, Huyền Chi chỉ là thiếu nữ, mấy cuộc biến thiên, nhiều điều đổi khác. Khán giả trót yêu bài hát Phạm Duy, biết thêm một hậu cảnh đằng sau bài thơ và người thơ, hẳn cũng lấy làm thú vị. Dẫu chuyện xưa như bóng nước: “Chiều nay trên bến muôn phương/ Có thuyền viễn xứ lên đường… lại đi”.

Vẫn tiếp cuộc lang thang

Bàng bạc trong hợp tuyển này là một nỗi nhớ, đôi khi riêng tư. Như một xóm cũ thời ấu thơ nay những người xưa đều xa khuất, một “đẹp xưa”, một “đêm thủy tiên” rồi tất cả đều trở thành ký ức, ở lại cùng thời gian.

Chú thích ảnh
Trang sách với minh họa gợi nhiều hoài niệm của họa sĩ Kim Duẩn

Tác giả không chỉ vận dụng triệt để ký ức, mà còn lần tìm những trang tài liệu, cho ký ức ấy thêm dày dặn, sống động hơn, cả với những điều bình thường, ngỡ rằng nhỏ bé như một tiếng rao. Nhưng không chỉ là cái tiếng rao lần hồi biến mất khỏi đời sống đô thị hôm nay, mà là tiếng rao của quá khứ Sài Gòn, chính xác là năm 1943.

Từ cái tiếng rao buồn cười “ăn bột khoai… đậu xanh… bún tàu… nước dừa… đường cát hôn!” mà nhà văn Bình Nguyên Lộc nhắc đến trong Quà đêm trên rạch Tàu Hủ, tác giả tìm về những trang viết của một người hải ngoại, ông E. Berges. Người từ năm 1943, đã ghi lại những tiếng rao Sài Gòn. Tiếng rao sớm, tiếng rao chiều, cái khăn sáng màu của cô bán mía dạo, cái khăn trùm bạc màu vì hơi nóng của bà bán chè. Được ông Tây này ghi lại chi tiết, tinh tế và hóm hỉnh.

Chú thích ảnh

Ở giữa lòng Sài Gòn, đi qua đường Đề Thám hẳn ít ai biết khi xưa nó từng mang tên Dixmude, cũng là tên một xóm cổ mà dân gian gọi vui là Đít-xơ-mít. Hoặc biết có con hẻm mang tên Tô Châu. Hoặc chỉ là một đêm Xuân ở khu Chợ Lớn.

Độc giả có lẽ thắc mắc, vậy thì điều gì làm nên “hồn đô thị”? Một bóng hình xưa, kỷ niệm, những con đường đã thay tên, một tiếng rao… hoặc tất cả những mảnh đó hợp lại, như từng “mảnh hồn” tụ lại làm nên tinh thần chung của đô thị.

Và mỗi chúng ta nữa, những người đang sống ở TP.HCM hôm nay, cũng giữ riêng cho mình một “mảnh hồn” đô thị, lang thang đi trên những con đường xưa lối cũ.Như nỗi băn khoăn của học giả Nguyễn Nam Trân mà Phạm Công Luận tâm đắc: “Trong muôn vạn bàn chân chen phố thị/Ai thừa giờ nhớ một kẻ đi xa”.

Có chứ, sẽ luôn luôn có những người, dù chẳng thừa giờ, nhưng giữa cái rộn rịp thị thành, đôi khi qua một hẻm nhỏ, một ngôi nhà cổ, đứng dưới một tán cổ thụ, vẫn bồi hồi tự hỏi, nơi đây xưa kia từng như thế nào?

Cho nên có thể xem Hồn đô thị là tổng kết một chặng đường, hoặc một giao điểm để bắt đầu một chặng khác của chính tác giả, tiếp tục mải mê với đời sống Sài Gòn.

Huỳnh Trọng Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm