Nhà văn Phạm Công Luận: Phác họa 'hồn cốt' Sài Gòn

13/03/2014 13:05 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn sách khó xác định thể loại Sài Gòn - Chuyện đời của phố của Phạm Công Luận (NXB Hội Nhà văn - Phương Nam Book) phát hành quý 4/2013 đang tạo được dấu ấn khá tốt trong lòng độc giả. Thứ nhất, vì những câu chuyện thú vị về văn hóa - nghệ thuật, văn hiến - văn vật, lối sống - tâm tưởng… của người Sài Gòn. Thứ hai, với lối hành văn giản dị, súc tích, nên đọc rất gần gũi.

“Viết cuốn sách này, tôi như trút được những điều ấp ủ từ lâu, những hình ảnh, âm thanh, sắc màu gắn bó thân thuộc với cuộc sống của mình trên mảnh đất Sài Gòn - Gia Định mà tôi sinh ra và lớn lên” - nhà văn, nhà báo Phạm Công Luận bắt đầu câu chuyện cùng TT&VH.     

* Xin được hỏi ngay, anh viết sách này như thế nào?

Nhà văn Phạm Công Luận. Ảnh: TL

Nhà văn Phạm Công Luận. Ảnh: TL

- Các đề tài trong sách thật sự được tôi ấp ủ từ lâu. Những năm trước, tôi đã viết một số bài về cuộc sống Sài Gòn xưa kia, vốn là chủ đề tôi yêu thích. Khi hình thành đề cương quyển sách, tôi mới viết tiếp những bài còn lại.

Từ nhu cầu của bản thân, tôi tìm kiếm thông tin về các nhân vật, những câu chuyện mà không mấy ai nhớ. Hỏi thăm người này người kia, tìm qua Internet, các đầu mối dần hiện ra. Tôi tranh thủ những ngày cuối tuần để tìm gặp, trao đổi trực tiếp, ở xa thì qua e-mail. Rất may là hầu như không ai từ chối và đã mở lòng với tôi, cung cấp nhiều hình ảnh cất sâu trong ngăn tủ, cũng như bỏ thì giờ ôn lại kỷ niệm xưa.

* Tại sao anh chọn cấu trúc sách kiểu “quàng xiên”, theo nghĩa là chuyện nọ xọ chuyện kia?

- Cuốn sách này không là sách nghiên cứu, nên tôi khá thoải mái khi sắp xếp bố cục các bài viết. Vì muốn độc giả đỡ mệt và không nhàm chán khi phải tiếp cận nhiều tư liệu, tôi sắp xếp các bài viết có vẻ tùy hứng như anh nói. Mục đích của tôi là thực hiện một cuốn sách về Sài Gòn có tư liệu mới, có những chuyện kể, có hình ảnh đẹp, lạ, có cảm xúc và dễ đọc.

* Nếu tìm một con đường thể hiện được hết các cung bậc của Sài Gòn, trong đó có xưa/nay, thật/giả, chính danh/ngụy danh… thì không đâu rõ hơn Lê Công Kiều. Tại sao anh chọn con đường này để nối nhịp về ký ức xưa của mình?

- Đường Lê Công Kiều bán đồ cũ, đồ cổ và cả đồ giả cổ. Quả thật khi muốn trở về quá khứ thì cứ ra đó mà xem. Tôi thì nhìn ở khía cạnh lưu giữ đồ đạc một thời, chẳng khác chi… cái kho “vạn năng”. Còn ở góc nhìn như anh nói, theo đó con đường này thể hiện được hết các cung bậc của Sài Gòn, đủ các mặt tốt xấu, tôi nghĩ đó cũng là ý thú vị, nhưng quả thật khi viết tôi không nghĩ đến.

Kể cả ở các bài khác, nội dung hay nhân vật đề cập đến cũng không hẳn là tiêu biểu cho lĩnh vực của họ. Tôi không có ý viết một cuốn sách phản ánh đầy đủ, toàn diện các góc độ về Sài Gòn, mà điều đó cũng không thể làm được. Tôi chỉ muốn đóng góp cho độc giả thêm những câu chuyện thú vị về Sài Gòn nhìn từ góc độ và hiểu biết của riêng tôi.

* Phảng phất và lặp lại là những “hồn cốt Sài Gòn” mà anh muốn phác họa, theo anh trong số đó có những nét nào là đặc trưng riêng, hoặc ưu trội của thị thành này?

- Có lẽ chỉ có các nhà nghiên cứu mới trả lời đầy đủ câu này. Tôi chỉ nghĩ nét đặc trưng của Sài Gòn là dễ tiếp nhận các yếu tố mới và sau đó “tiêu hóa” tốt, chọn lọc giỏi để giữ lại những gì thuận lợi nhất cho cuộc sống ở đây. Điều này tạo nên sự đa dạng sinh động của Sài Gòn. Cái gì cũng có, món ăn gì cũng có, dân xứ nào cũng có… tất cả tìm cách sống chung với nhau.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm