Cơ hội hay nguy cơ?

27/03/2014 15:19 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Thực tế bóng đá Việt Nam bây giờ sống được là nhờ doanh nghiệp chứ không còn là sự đầu tư từ Nhà nước nữa. Bắt đầu từ phong trào doanh nghiệp làm bóng đá (ĐT.Long An, HA .GL ) đến sự ra đời của VPF và cuối cùng thì doanh nhân cũng nắm nốt VFF, tổ chức chuyên môn quyền lực nhất của bóng đá Việt Nam.

Bước đi này là tất yếu, nhưng doanh nhân với mục tiêu chính vẫn là kinh doanh, liệu họ có biến bóng đá quốc gia thành cuộc kinh doanh ???

Công ông bầu

Kể từ khi bóng đá Việt Nam bắt đầu chuyên nghiệp hóa để mang tên V-League cho tới nay, chỉ có 2 lần danh hiệu VĐQG thuộc về một đội bóng không phải nằm dưới quyền sở hữu của một ông bầu hoặc doanh nghiệp là SLNA (năm 2000-2001 và  năm 2011) và Cảng Sài Gòn (năm 2001-2002), còn lại 10 chức vô địch V-League khác đều được trao cho 5 đội bóng do các ông bầu hoặc doanh nghiệp nắm quyền quyết định (xem bảng kèm theo về các nhà vô địch trong lịch sử V-League).



Học viện HA.GL Arsenal JMG là một điểm sáng của bóng đá Việt Nam nhờ công bầu Đức

Với sự tham gia của các ông bầu và doanh nghiệp giàu tiềm lực tài chính, bóng đá Việt Nam đã có sự thay đổi rất lớn về chất. Nhờ được liên tục cọ xát với các ngoại binh đến từ những nền bóng đá phát triển và được hưởng chế độ đãi ngộ hậu hĩnh, các cầu thủ Việt Nam đã có thể trở thành tỷ phú với nghề đá bóng của mình, và trình độ chuyên môn của họ vì thế mà cũng được cải thiện.

Phải thừa nhận rằng nếu không có V-League thì bóng đá Việt Nam sẽ khó lòng gặt hái được những chiến tích xuất sắc ở đấu trường khu vực và châu lục như chức vô địch AFF Cup 2008, chiếc vé tham dự vòng tứ kết Asian Cup 2007, hay thành tích lọt vào tới vòng loại thứ 3 khu vực châu Á của môn bóng đá nam Olympic Bắc Kinh năm 2008.

Cũng với các ông bầu, một số CLB Việt Nam đã bắt đầu hoạt động theo mô hình của một đội bóng chuyên nghiệp thực thụ.  Tức là thay vì chỉ biết tiêu tiền như trước, không ít đội bóng đã biết cách làm ra tiền nhờ bán biển quảng cáo, bán bản quyền truyền hình, ký kết hợp đồng tài trợ trang phục bên cạnh những nguồn thu truyền thống như bán vé hay tài trợ.

Vai trò quan trọng của các ông bầu với bóng đá Việt Nam còn được khẳng định mạnh mẽ hơn nữa với sự ra đời của VPF cách đây 3 năm. Ngay sau khi được thành lập, VPF đã nhận lại quyền tổ chức và điều hành các giải bóng đá quốc gia chuyên nghiệp do VFF khởi tranh, và mặc dù vẫn chưa đáp ứng được tất cả kỳ vọng của dư luận cũng như các đội bóng, song những gì mà VPF đã và đang làm được trong 3 mùa giải gần đây cũng xứng đáng được ghi  nhận.

Tội ông bầu

Tuy nhiên, như người ta vẫn nói: “Tấm huân chương nào cũng có mặt trái”, không phải tất cả những gì các ông bầu đã làm với bóng đá Việt Nam đều mang lại kết quả tích cực. Thực tế là không phải ông bầu nào cũng đến với bóng đá bằng đam mê thuần túy, mà với họ bóng đá chỉ là cầu nối để giúp họ gặp nhiều thuận lợi hơn trong những dự án hoặc kế hoạch làm ăn của mình tại địa phương mà thôi.

Mà một khi các ông bầu đã gắn kết với bóng đá bằng những toan tính đầy màu sắc thương mại như thế nên lúc bóng đá không còn mang lại lợi nhuận như mong đợi thì việc họ nói lời chia tay một cách ồ ạt cũng chẳng làm ai cảm thấy ngạc nhiên. Chỉ có điều, bên phải chịu nhiều thiệt thòi nhất trong những cuộc chia tay như thế này lại là bóng đá và những thành phần của nó.

Mới 2 năm trước, một cầu thủ chỉ vừa qua tuổi 20 và có vài lần khoác áo ĐT U23 QG cũng có thể dễ dàng trở thành tỷ phú chỉ với một phi vụ chuyển nhượng, và chế độ lương thưởng dành cho các cầu thủ được xem  là ở một mức độ khác hẳn so với mặt bằng xã hội.

Còn bây giờ thì hoàn toàn ngược lại, khi nhìn đâu cũng thấy cầu thủ thất nghiệp và 2 mùa bóng gần đây đều xuất hiện nhiều trường hợp đội bóng phải giải thể vì ông bầu hoặc doanh nghiệp tài trợ không còn đủ khả năng theo đuổi bóng đá. Không chỉ có thế, rất nhiều vấn nạn khác trên sân cỏ Việt Nam cũng được cho là gắn với trách nhiệm của các ông bầu.

Việc một số ông bầu chỉ chăm chăm gặt hái thành tích trước mắt mà quên đi những giá trị cơ bản đã khiến bóng đá Việt Nam phải gánh chịu hậu quả ở cả cấp độ ĐTQG cũng như CLB, khi khán đài vắng bóng khán giả, nhà tài trợ ngoảnh mặt vì bóng đá nội mang lại nhiều nỗi bức xúc hơn là niềm vui, còn ở sân chơi khu vực và châu lục, ĐTQG và ĐT U23 QG liên tục phải nhận thất bại trong khoảng 3, 4 năm trở lại đây.

Và hy vọng từ những ông bầu

Trong bóng đá người ta hay sử dụng câu nói: “Ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó” để nói về phẩm chất và bản lĩnh của những cầu thủ hoặc đội bóng đã biết đứng dậy sau khi mắc sai lầm và phải trả giá, và có vẻ như không ít ông bầu của bóng đá Việt Nam cũng đã thấm nhuần điều đó. Bầu Đức là một dẫn chứng điển hình, bởi khi mới đầu tư vào bóng đá cách đây hơn 10 năm, ông bầu này cũng sử dụng chính sách tung tiền mua sắm cầu thủ và thực hiện chế độ lương cao thưởng hậu để thu hút nhân tài.

Tuy nhiên, từ năm 2007, khi bắt tay xây dựng Học viện HA.GL Arsenal JMG, bầu Đức đã cho thấy quyết tâm làm bóng đá một cách bài bản và nghiêm túc của mình, và việc lứa học viên đầu tiên của Học viện HA.GL Arsenal JMG trong màu áo ĐT U19 Việt Nam đang trở thành niềm hy vọng số một của người hâm mộ bóng đá Việt Nam chính là trái ngọt mà bầu Đức được hưởng nhờ việc trở về với những giá trị truyền thống.

Không chỉ có bầu Đức, bầu Hiển cũng được xem là một ông bầu có tầm nhìn khi đầu tư cho bóng đá trẻ song song với việc chăm bẵm cho đội 1 Hà Nội.T&T và đội 1 SHB.Đà Nẵng ở V-League. Bằng việc đưa về dưới trướng của mình rất nhiều chuyên gia đào tạo trẻ là cựu tuyển thủ Thể Công, vốn là lò đào tạo bóng đá trẻ hàng đầu Việt Nam, bầu Hiển đã giúp Hà Nội.T&T trở thành một quyền lực thực sự ở các giải trẻ QG với 2 chức vô địch giải U21 QG và giải U19 QG trong 2 năm liên tiếp.

Tương tự như thế, bầu Hiển cũng tiếp tục rót tiền để SHB.Đà Nẵng giữ vững vị thế là một trong những cái nôi đào tạo bóng đá trẻ tốt nhất cả nước với những tài năng hứa hẹn như Quách Tân, Minh Tâm hay Hà Minh Tuấn.

Nhờ cầu nối bóng đá, những ông bầu như bầu Đức hay bầu Hiển đã nhận được rất nhiều thành quả trong lĩnh vực kinh doanh, và với việc đầu tư nghiêm túc cho bóng đá trẻ, coi như các ông bầu này đã biết cách đền đáp lại bóng đá bằng những hoạt động thiết thực. Và không chỉ có thế, sau khi nắm quyền lãnh đạo chủ chốt ở VPF, các doanh nhân lại chứng tỏ mức độ ảnh hưởng của mình bằng việc tiếp quản luôn những vị trí lãnh đạo chủ chốt ở VFF nhiệm kỳ VII. Sẽ có những lo ngại rằng với doanh nhân thì lợi nhuận là trên hết nên có khả năng bóng đá Việt Nam sẽ trở thành công cụ làm ăn của họ, nhưng có vẻ như đây là sự lo lắng hơi có phần thái quá.

Bản chất của bóng đá là một hoạt động xã hội và khi trao quyền lãnh đạo và điều hành nền bóng đá cho các doanh nhân thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc trao lại bóng đá cho xã hội, mà chúng ta hay gọi là xã hội hóa. Vậy thì có gì phải lo lắng khi bóng đá được trở về với chính bản chất của nó, trong khi cơ quan quản lý nhà nước vẫn có biện pháp kiểm soát hữu hiệu để duy trì hoạt động bóng đá nằm trong khuôn khổ và quy định của pháp luật.

Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm