'Đào tạo trẻ không hề đơn giản'

26/03/2014 11:00 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng tuyên bố trong cương lĩnh hành động của ông ở nhiệm kỳ VII rằng, nếu trước đây bóng đá Việt Nam vẫn “xây nhà từ nóc” thì nay sẽ quay lại “xây nhà từ móng”, tức hướng nền bóng đá phát triển từ gốc rễ là đào tạo trẻ.

Xung quanh vấn đề này, Thể thao & Văn hóa có cuộc trao đổi với chuyên gia Phan Thanh Hùng, người đã vươn tới đỉnh cao với bóng đá trẻ.

HA.GL Arsenal JMG tạo hiệu ứng tích cực

* Từ hiện tượng U19 Việt Nam mà nòng cốt là lứa cầu thủ đầu tiên thuộc Học viện bóng đá của bầu Đức, thời gian vừa qua, người ta nhắc nhiều đến bóng đá trẻ. Thậm chí tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng còn điền nó vào “cương lĩnh” hành động của mình ở khóa VII. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Chúng ta đã nói nhiều đến chất lượng đào tạo của HA.GL Arsenal JMG, thông qua những thành công bước đầu tại các giải đấu và cả hướng đi của họ. HA.GL có điều kiện quá tốt, được đầu tư nhiều, cùng phương pháp đào tạo – huấn luyện có thể nói là khá mới mẻ, việc họ thành công đó cũng là chuyện bình thường thôi.

Nhưng cần chắc rằng, ở Việt Nam không chỉ có mỗi HA.GL làm bóng đá trẻ. Thế nên, chúng ta cũng không nên cứ đau đáu mãi vào một “địa chỉ đỏ”, vì điều đó vô tình khiến nền bóng đá trở nên nghèo nàn, mất cân đối, chưa nói là nó còn có thể khiến các địa phương khác chạnh lòng.

Các lò đào tạo như SLNA, SHB.Đà Nẵng, K.Khánh Hòa, Đồng Tháp, Nam Định trước đây hay Hà Nội.T&T bây giờ…, cũng đã làm tốt, đã cấy được vào đội hình 1 tham dự V-League và giới thiệu cho các ĐTQG khá nhiều gương mặt, ở nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn khác nhau. Chỉ khác ở chỗ, họ không giàu như HA.GL để có thể đầu tư tốt hơn nữa cho các tuyến trẻ.

* Vậy theo ông, hướng đi nào cho bóng đá trẻ Việt Nam ở thì tương lai? Việc “nhân giống” mô hình của HA.GL Arsenal JMG phải chăng là biện pháp tối ưu?

- Tài năng bóng đá trẻ Việt Nam có hay không, có nhiều chứ?! Nhưng quan trọng là cách làm thôi. Cả một cộng đồng cần phải chung tay vào và để có được điều này, thì vai trò của VFF trong định hướng là quan trọng.

Để nhân rộng, thì phải đồng bộ, phải có nhiều mô hình đào tạo, để so sánh mức độ hiệu quả. Thậm chí nếu cần, VFF cũng có thể “làm mẫu” với chức năng mà mình có trong tay. Hiện các em của lứa đầu tiên Học viện HA.GL Arsenal JMG vẫn chưa đá chuyên nghiệp, nên chưa biết được chấn lượng sản phẩm đầu ra cao đến đâu, có bán được như tiêu chí ban đầu hay không.

Thời gian qua, nhiều CLB chuyên nghiệp Việt Nam đã quay trở lại với đào tạo trẻ, phần để giảm bớt chi phí chuyển nhượng, nhưng cơ bản, đó là lựa chọn duy nhất cho sự phát triển bền vững của đội bóng, cũng như của nền bóng đá. Mặc dù vậy, không phải ai cũng thành công với đào tạo trẻ và có thể lấy B.Bình Dương, đội bóng đã có 2 chức vô địch V-League, là một ví dụ điển hình.

Phải chấp nhận đầu tư và phải kiên nhẫn

* Sự nghiệp trồng người không nói chơi được. Nó còn là một cuộc chiến tốn kém và phải có những hy sinh, mất mát. Với kinh nghiệm làm bóng đá trẻ và bóng đá đỉnh cao, ông có đồng ý với quan điểm này không?

- Phải đầu tư nhiều lắm và phải kiên nhẫn nữa, từ tiền lực, trí lực và nhân lực, thậm chí chấp nhận tốn kém hơn so với làm bóng đá chuyên nghiệp, để có đầu ra tốt, với những sản phẩm ưu tú. Ngoài chuyên môn, thì các chế độ dinh dưỡng, học hành, môi trường phát triển và các giải đấu trẻ được tổ chức…, rất quan trọng.

Đào tạo trẻ không đơn giản như cách người hoạt ngôn hay giới ngoại đạo vẫn rêu rao. Như ở Hà Nội.T&T lúc này, chúng tôi có những HLV làm bóng đá trẻ giỏi chuyên môn và tận tụy, thông qua một chiến lược phát triển rõ ràng, có gốc rễ. Chúng tôi vẫn thường trao đổi, tư vấn (bằng sự tôn trọng) và giúp đỡ lẫn nhau để cùng hướng tới mục tiêu chung.

* Lãnh đạo VFF khóa mới nói nhiều về bóng đá trẻ, về công tác đào tạo, song liệu có mối quan hệ hữu cơ nào giữa VFF và các địa phương, các CLB trong việc định hướng phát triển bóng đá trẻ không, thưa ông?

- Ngoài việc tổ chức các giải bóng đá trẻ theo lịch đã định sẵn, đồng thời thi thoảng có những gói hỗ trợ khác, ví như đặc cách để Học viện HA.GL Arsenal JMG làm nòng cốt tham dự các giải đấu U19 khu vực và châu lục, thì VFF hiện luôn ở… “quá xa” các CLB chuyên nghiệp, cũng như những địa phương.

Có quá ít những hành động cụ thể, ví như việc, chúng tôi vẫn nài nỉ cần có thêm nhiều hơn các giải bóng đá dành cho các tuyến trẻ, nhưng bao năm có được đâu?! Các ĐT “U” của CLB, mỗi năm chỉ chơi vài trận ở vòng loại các giải đấu chính thức của Liên đoàn, nếu may mắn thì đi VCK, may mắn hơn là có thành tích, còn lại toàn tập chay. Nếu điều này cứ kéo dài quả thật rất bất lợi cho phát triển bóng đá trẻ.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

“VFF là tổ chức lãnh đạo, việc quyết định chọn HLV nội hay ngoại cho ĐTQG là chuyện của họ và các CLB phải có nhiệm vụ cung ứng cầu thủ lên ĐT. Tôi phải nhắc lại rằng, dù lên ĐT với vai trò gì, HLV hay cầu thủ đều thấy đó là những vinh dự lớn lao cả.

Song chúng ta cần có sự định hướng rõ ràng với tiêu chí theo đuổi tại mỗi giải đấu hay mỗi giai đoạn phát triển của đội bóng. Ví như đào tạo trẻ chẳng hạn, cần xác định ngay từ đầu rằng, đào tạo để làm gì? Bán, chuyển nhượng, cung ứng cho đội hình 1 hay quảng bá, săn giải thưởng? Mục đích cuối cùng vẫn phải là sự phát triển bền vững, bởi chỉ khi nào chân đế rộng và chắc, chúng ta mới hy vọng sẽ xây được những tòa tháp cao”, HLV Phan Thanh Hùng chia sẻ.

Tùy Phong (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm