CLB Hà Nội tạo 'địa chấn' tại AFC Champions League: Đứng trên vai 'người khổng lồ'

09/12/2023 06:09 GMT+7 | Bóng đá Việt

Cơn địa chấn mà Hà Nội FC tạo ra trước nhà ĐKVĐ AFC Champions League, Urawa Red Diamonds, là thứ gia vị thượng hạng mà bóng đá Việt Nam cần có ở thời điểm đang cố gắng chế biến một món ăn hợp khẩu vị châu lục.

1. Bóng đá Việt Nam cũng có một vài trận đấu theo kiểu "địa chấn" trong khoảng 20 năm qua, nhưng có lẽ chưa chiến thắng nào mang nhiều ý nghĩa như việc Hà Nội FC hạ gục Urawa Red Diamonds.

Đây là một "người khổng lồ" thực thụ của bóng đá Nhật Bản và châu Á. Đội bóng thuộc sở hữu của Tập đoàn Mitsubishi này đã thắng mọi danh hiệu có thể có tại Nhật Bản và châu Á. Họ là một trong 3 đội bóng giàu thành tích nhất Cúp C1/Champions League của châu Á và đang là đương kim vô địch.

Phong độ hiện tại của Urawa Red Diamonds cực cao, họ vào đến chung kết Cúp Liên đoàn Nhật Bản nhưng để thua A.Fukuoka và vừa kết thúc mùa giải J-League 1 ở vị trí thứ 4, thứ hạng cao nhất kể từ năm 2016 đến nay.

Đội bóng Nhật Bản chỉ còn một mục tiêu duy nhất tại AFC Champions League và đến Hà Nội bằng quyết tâm lớn nhất có thể khi buộc phải thắng mới hy vọng có tấm vé đi tiếp vào vòng knock-out.

Phải nói một chút về bối cảnh để thấy giá trị của chiến thắng mà Hà Nội FC tạo ra. Ở lượt đi, trên đất Nhật Bản, đội bóng đến từ V-League đã bị vùi dập không thương tiếc với tỷ số 0-6. Tại trận lượt về này, ngoài yếu tố tâm lý thoải mái thì Hà Nội FC chẳng có cái gì để so sánh với đối thủ cả.

Thế nhưng, vượt quá mong đợi, Hà Nội FC đánh bại nhà vô địch châu Á theo một cách dữ dữ dội nhất. Họ thoát thua khi đối phương đá hỏng phạt đền thời điểm đầu trận, sau đó vượt lên, rồi bị gỡ hòa nhưng lại giành thắng lợi từ một pha đá phạt đền thành công. Thất bại này khiến Urawa Red Diamonds trở thành cựu vương AFC Champions League khi là đội bóng nhì bảng có thành tích kém nhất khi so với các bảng còn lại.

Còn Hà Nội FC, họ vươn lên đứng thứ 3 trong bảng đấu "tử thần", nơi có đến 2 đội bóng từng thắng 6 danh hiệu AFC Champions League đến từ 2 nền bóng đá mạnh nhất châu Á (Pohang Steelers – Hàn Quốc, Urawa Red Diamonds – Nhật Bản), cùng một đại diện khác của Trung Quốc (Wuhan Three Towns).

Tuyệt vời hơn,  Hà Nội FC kết thúc mùa giải châu lục bằng 2 trận thắng vang dội, trước các đối thủ mạnh hơn mình và rất quyết tâm giành 3 điểm. Trong khi đó, suốt 20 năm dự sân chơi cao nhất châu Á trước đó, các đại diện Việt Nam chỉ mới giành được tổng cộng 5 trận thắng, chủ yếu nhờ vào thời điểm đối thủ "lơi chân".

2. Nhưng những điều đáng nói không chỉ nằm ở kết quả. Có một vài con số đáng chú ý. Trong 3 trận đấu trên sân nhà trước các đối thủ mạnh hơn mình, Hà Nội FC vẫn tung ra tổng cộng gần 40 cú sút, trung bình 13 lần sút cầu môn mỗi trận, trong đó con số đưa bóng đi đúng hướng vào khoảng 35%.

Trong 6 trận đấu đã chơi tại vòng bảng năm nay, trung bình Hà Nội FC vẫn kiểm soát bóng trên 40%, không hoàn toàn lép vế, ấy là nhờ sự chủ động chơi tấn công, pressing đối thủ.

Câu chuyện thể thao: Đứng trên vai người khổng lồ - Ảnh 1.

Phong độ rực sáng của Tuấn Hải ở AFC Champions League đã giúp Hà Nội FC làm nên cột mốc lịch sử. Ảnh: Minh Dân

Ngay cả ở thất bại nặng nề 0-6 trên sân của Urawa Red Diamonds, đội bóng khi đó còn do HLV Bozidar Bandovic dẫn dắt vẫn tung được 9 cú sút, 4 đi đúng hướng và kiểm soát 49% thời lượng bóng. Chưa từng có một đội bóng Việt Nam nào, bao gồm cả đội tuyển quốc gia, có thể đạt được đến những thông số ấy trước các đối thủ Nhật Bản, Hàn Quốc.

Nhưng sự thú vị không dừng tại đó. Ở cả 2 chiến thắng trước Wuhan Three Towns và Urawa Red Diamonds, Hà Nội FC lại có số lượng các cú sút khá ít ỏi. Họ chỉ có tổng cộng 7 lần đưa bóng đi đúng hướng nhưng lại ghi 4 bàn ở 2 trận đấu đó, đi kèm là những điểm số trọn vẹn. Đó đều là những trận đấu mà Hà Nội FC chơi phản công cực hay, chắt chiu được các tình huống nguy hiểm và hạ gục đối thủ bằng các pha làm bàn sắc sảo.

Những gì mà Hà Nội FC đã làm được tại AFC Champions League mùa giải 2023/2024 thực sự rất đáng quan tâm. Họ tiến vào giải đấu này với tâm thế "sẽ làm chuyện lớn", dù không thành, nhưng những cam kết ấy phần nào đã được thể hiện trong cách tiếp cận trận đấu với nhiều sự chủ động của đội bóng Thủ đô.

Nó cho thấy để thu hẹp khoảng cách với tốp đầu châu lục, bóng đá Việt Nam ở mọi cấp độ, chẳng có chọn lựa nào khác là phải chấp nhận chơi thứ bóng đá theo nguyên tắc: Đưa bóng nhanh về phía trước càng nhiều càng tốt.

3. Nhưng có lẽ cũng cần phải có một chút thực tế: Vẫn chưa có một đại diện nào của bóng đá Việt Nam vượt qua được vòng bảng AFC Champions League. Trong bảng chấm điểm năng lực do hãng thống kê Opta thực hiện thông qua 13.000 CLB trên toàn thế giới dựa trên các kết quả thi đấu hằng tuần thì Hà Nội FC vẫn đang ở hạng 2.000, xếp sau một vài CLB của Indonesia, Singapore.

Trong khi đó, đội bóng Pohang Steelers của Hàn Quốc đang ở hạng 210, còn Urawa Red Diamonds là 349, cũng có nghĩa cái khoảng cách vươn đến tầm châu Á thực sự là quá mênh mông.

Thế nên câu hỏi: Liệu Hà Nội FC có thể làm được tốt hơn những gì đã làm không? Hoặc sau khi đã đứng trên vai người khổng lồ, thì bóng đá Việt Nam có thực sự to khỏe hay không? Có lẽ không dành cho Hà Nội FC. Tại đấu trường trong nước, Hà Nội FC vẫn đang vất vả, chơi không thành công khi phải phân sức ở 2 trận địa.

Những gì mà Hà Nội FC đã làm tại AFC Champions League mùa này rồi cũng sẽ giống như các chiến thắng trước đó của HAGL, B.Bình Dương hay Viettel…, nếu như V-League chỉ cạnh tranh cục bộ, gặt hái thành tích trước mắt thay vì có các những chiến lược căn cơ hơn để thúc đẩy những CLB nâng cao tiêu chuẩn châu Á cho riêng mình.

Quay đi quẩn lại, vẫn là bài toán chuyên nghiệp thực thụ ở V-League. Nếu để ý kỹ, thì các đội bóng Việt Nam từng có thành công tại châu Á đều được xem là "trụ cột" của V-League ở khả năng đầu tư, tính chuyên nghiệp, năng lực đào tạo trẻ và tham vọng vươn xa.

Vấn đề là có bao nhiêu đội bóng cùng những tiêu chuẩn như vậy. Chính cái sự không đồng đều ở V-League khiến cho khả năng cạnh tranh của bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế cũng phập phù, thiếu ổn định.

Dù sao cơn địa chấn mà Hà Nội FC đã làm trước Urawa Red Diamonds cũng đã khẳng định chu kỳ thành công của bóng đá Việt Nam từ 2018 đến nay vẫn chưa đến mức lao dốc.

Khi những cầu thủ kỳ cựu như Phạm Xuân Mạnh, Phạm Tuấn Hải, Đỗ Hùng Dũng được đưa vào sân trong hiệp 2, Hà Nội FC đã khiến đối thủ phải bất ngờ. Những con người đó hiện nay không còn là chọn lựa hàng đầu trên đội tuyển quốc gia dưới thời HLV Philippe Troussier, nhưng họ vẫn đang ở phong độ tốt nhờ kinh nghiệm chơi bóng lâu năm. Họ cho thấy mình vẫn chưa hết thời… 


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm