Chào tuần mới: Chào Ngày Quốc tế hạnh phúc

18/03/2024 06:57 GMT+7 | Văn hoá

Tuần này có một ngày thú vị: Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3. Đây cũng là cột mốc tròn 10 năm kể từ 2014, thời điểm Việt Nam chính thức tổ chức các hoạt động hưởng ứng và kỷ niệm ngày đặc biệt này.

Trước đó, từ năm 2013, Ngày Quốc tế hạnh phúc đã được Liên hiệp quốc thành lập. Đó không chỉ là một ngày mang tính biểu tượng, mà còn là ngày của những nỗ lực để nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.

Ở Việt Nam, khi mới xuất hiện trong những năm đầu tiên, Ngày Quốc tế hạnh phúc có thể chưa thu hút được sự chú ý của đông đảo cộng đồng và phần nào dễ dẫn tới những liên tưởng về tính hình thức, khuôn mẫu quanh một khái niệm lớn như "hạnh phúc".

Rồi, mỗi khi báo cáo hạnh phúc thường niên của thế giới công bố "chỉ số hạnh phúc" của Việt Nam, hẳn không ít người trong chúng ta vẫn có xu hướng hồ nghi - hoặc băn khoăn - về những bước tăng trưởng khá đều đặn của chỉ số này.

Chào tuần mới: Chào Ngày Quốc tế hạnh phúc - Ảnh 1.

Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3. Ảnh: Internet

Dễ hiểu, bởi thực tế ấy thường đến từ một cách nghĩ mặc định, rằng khái niệm "hạnh phúc" luôn phải là sự giàu có, dư dả. Nói mình hạnh phúc khi điều kiện kinh tế còn đang hạn chế, hẳn nhiên nhiều người sẽ khó tìm thấy sự tự tin trong đó.

Nhưng nếu đủ bình tĩnh để nhìn rộng hơn, chúng ta vẫn ý thức rõ: Hạnh phúc của mỗi người không thể chỉ giới hạn trong sự cân đong đo đếm về chuyện giàu nghèo. Giống như, những diễn biến phức tạp của thế giới trong những năm qua luôn cho thấy: Sự giàu có và văn minh không thể là giá trị duy nhất để làm cho cuộc sống con người trở nên dễ chịu hơn.

***

Nhìn lại, Ngày Quốc tế hạnh phúc được lấy cảm hứng từ ý tưởng của Bhutan - quốc gia ngay từ thập niên 1970 đã ghi nhận vai trò của hạnh phúc hơn cả thu nhập. Ở đó, bộ chỉ số riêng được Bhutan xây dựng không chỉ liên quan tới khía cạnh kinh tế, mà còn bao hàm rất nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần, môi trường, khả năng tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế hoặc an sinh xã hội… cho cộng đồng.

Và, với nội dung "cân bằng, hài hòa là 1 trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc", rõ ràng thông điệp xuyên suốt của Ngày Quốc tế hạnh phúc cũng là sự tương đồng với triết lý bền vững mà nhân loại từng nói tới rất nhiều: Xã hội phải được xây dựng trên nền tảng của sự hài hòa cân bằng giữa vật chất - tinh thần, kinh tế - văn hóa, công nghệ - tự nhiên…

Với Việt Nam, theo Báo cáo hạnh phúc thường niên do Liên hiệp quốc công bố, chỉ số hạnh phúc của chúng ta những năm gần đây đang liên tục có sự thay đổi đáng kể - mà gần nhất là việc đạt vị trí 65 trên thế giới (và xếp thứ 4 trong khu vực) vào năm 2023. Và nếu kết quả ấy có thể khiến ai còn hồ nghi, thì hãy nhìn sang một thực tế tất yếu: Cùng với sự đi lên về nhận thức và tri thức, chúng ta cũng ngày càng chú ý tới những giá trị cơ bản và thiết thực ở cuộc sống quanh mình, thay vì chỉ có chuyện giàu - nghèo.

Đó có thể là những vấn đề về chống ô nhiễm môi trường, về an sinh xã hội ở những khu vực chưa phát triển, về việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản của những nhóm đối tượng yếu thế. Hoặc xa hơn, trong vòng quay của xã hội hiện đại, chúng ta cũng đã ngày càng chú ý với vai trò quan trọng của cấu trúc gia đình, của sức khỏe tâm lý, của sự hài lòng, yêu thích với công việc, bên cạnh yếu tố thu nhập cá nhân.

Chủ đề của Ngày Quốc tế hạnh phúc trên thế giới năm nay khá giản dị: "Hạnh phúc cho mọi người". Nhưng sau sự giản dị ấy lại là một nguyên tắc cơ bản: Hạnh phúc - và sự hài hòa quanh nó - phải là thước đo của xã hội, đồng thời là mục tiêu tối thượng của mọi chính sách.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm