Chào tuần mới: 80 năm cho một dòng chảy

27/02/2023 08:11 GMT+7 | Văn hoá

Một tuần mới đến với chúng ta kèm theo một cột mốc đặc biệt - dịp kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam. Gắn với nó là Hội thảo cấp quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển", diễn ra vào sáng nay, 27/2, quy tụ khoảng 300 đại biểu.

Như người trong cuộc chia sẻ, bản thân tên gọi của hội thảo đã cho thấy khát vọng của những người làm công tác quản lý văn hóa, cũng như tâm huyết của nhiều trí thức trong việc phát huy nội lực của văn hóa Việt Nam.

Nhìn lại, trong suốt 8 thập niên kể từ khi Đề cương về văn hóa Việt Nam được soạn thảo và ban hành, văn kiện lịch sử này vẫn luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động văn hóa - và rộng hơn, trong suốt quá trình vận động và phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam.

Ở đó, ba nguyên tắc cơ bản gồm dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa đã thực sự "soi đường cho quốc dân đi" để tạo ra sức mạnh tổng hợp cho cả một quốc gia trên nhiều lĩnh vực - trong khi yêu cầu "phải kịch liệt chống những xu hướng văn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm" cho đến hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự và gắn với ý thức của những người làm văn hóa.

Chào tuần mới: 80 năm cho một dòng chảy - Ảnh 1.

Hội thảo cấp quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển", diễn ra vào sáng nay, 27/2, quy tụ khoảng 300 đại biểu

Để rồi, bên cạnh việc được phóng chiếu trong mọi hoạt động văn hóa, không khó để nhận thấy: Toàn bộ các văn bản pháp lý liên quan tới văn hóa, cũng như sự ra đời của các Luật Điện ảnh, Luật Xuất bản, Luật Di sản văn hóa… trong nhiều thập niên qua cũng đều bám sát và phát triển từ tinh thần của đề cương này.

Và ở hướng ngược lại, như phân tích của các chuyên gia, từ những tư tưởng đầu tiên của Đảng về phát triển nền văn hóa Việt Nam dân tộc, khoa học, đại chúng, văn hóa Việt Nam trong dòng chảy phát triển đến lượt mình cũng bổ sung thêm những lớp nghĩa mới cho các khái niệm này, để tạo thêm sự phong phú về nội hàm, đồng thời phù hợp với bối cảnh thực tiễn.

Đơn cử, theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn (Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội), theo thời gian, nguyên tắc dân tộc hóa đã được bổ sung những giá trị của thế giới để trở thành nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; nguyên tắc khoa học hóa đã gắn với việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, bồi dưỡng tri thức để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn của hội nhập quốc tế và kinh tế tri thức; nguyên tắc đại chúng hóa được bổ sung bằng quan điểm xây dựng và phát triển vǎn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng…

Còn bây giờ, chúng ta kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam trong bối cảnh xã hội đang nhắc nhiều tới khái niệm "thời đại 4.0" với sự bùng nổ của công nghệ, cũng như khái niệm "công nghiệp văn hóa" vốn đang phát triển rất mạnh và trở thành mục tiêu của nhiều địa phương có bề dày lâu năm như Hà Nội hoặc TP.HCM. Thực tế ấy đang đòi hỏi những bước đi mới về giải pháp, hướng tiếp cận và cả cơ chế, chính sách để tiếp tục khơi nguồn và phát huy những giá trị cơ bản của văn hóa.

Hãy cùng chờ đợi, sau 80 năm, dòng chảy của Đề cương về văn hóa Việt Nam sẽ tiếp tục được bổ sung và tiếp nhận những năng lượng mới, từ một Việt Nam đang hội nhập, với các thế hệ những người trẻ có khả năng chuyển hóa và làm giàu hơn những giá trị văn hóa truyền thống bằng sức sáng tạo của mình.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm