Bóng đá Việt Nam: Thầy nội hay thầy ngoại

29/03/2024 06:27 GMT+7 | Bóng đá Việt

LĐBĐ Việt Nam vừa bổ nhiệm HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt U23 Việt Nam dự VCK U23 châu Á 2024, và có thể đội tuyển Việt Nam cũng sẽ có HLV nội tạm quyền. Nhưng về lâu dài, HLV ngoại vẫn là lựa chọn tối ưu.

1. Kịch bản một HLV nội lên làm tạm quyền sau khi HLV ngoại chia tay giữa chừng không còn mới. Lấy cột mốc 20 năm kể từ sau nhiệm kỳ thứ hai của cố HLV Alfred Riedl, thì đã có 8 lần VFF bổ nhiệm HLV nội. 

Trong số này, có những HLV tạm quyền như Mai Đức Chung (2 lần), Nguyễn Thành Vinh, Trần Văn Khánh, Nguyễn Văn Sỹ, và cũng có những HLV chính thức như Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, và Nguyễn Hữu Thắng.

Nhưng điểm chung của các HLV nội này là hoặc thời gian làm việc quá ngắn ngủi, hoặc không đạt thành tích gì đáng kể. Dưới thời HLV Phan Thanh Hùng, ĐT Việt Nam thậm chí còn bị loại từ vòng bảng AFF Cup 2012. 

U23 Việt Nam do các HLV Hoàng Văn Phúc và Nguyễn Hữu Thắng cầm thì bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games 2013 và 2017. Để so sánh: hai chức vô địch AFF Cup của đội tuyển Việt Nam đều nhờ công các HLV ngoại là Calisto 2008 và Park Hang Seo 2018.  

Thầy Park dĩ nhiên là HLV thành công nhất khi ngoài chức vô địch trên còn có 2 tấm HCV SEA Games liên tiếp (2019, 2021), bên cạnh những thành công ở đấu trường châu lục như á quân U23 châu Á 2018, bán kết ASIAD 18 và tứ kết Asian Cup 2019.

Ở một mức độ thấp hơn, nhưng giữ được sự ổn định phải kể đến cố HLV Alfred Riedl, người từng không ít lần đưa U23 Việt Nam và ĐT Việt Nam vào chung kết khu vực (Tiger Cup 1998, SEA Games 22, 23), và lần đầu tiên giúp bóng đá Việt Nam vào đến tứ kết Asian Cup.

Ông Toshiya Miura cũng để lại những ấn tượng khá tốt trước khi bị chấm dứt hợp đồng vào đầu năm 2016.

Tiêu điểm: Thầy nội, thầy ngoại - Ảnh 1.

VFF sẽ chọn HLV nội, hay ngoại cho chiếc ghế HLV ĐT Việt Nam?

2. Lịch sử đã chứng minh rằng các HLV nội không đủ khả năng mang về thành tích nổi bật mà vẫn chỉ đóng vai trò trợ lý, phụ tá cho HLV ngoại. HLV nội có lợi thế là hiểu rõ tâm lý và suy nghĩ của cầu thủ Việt, nhưng điểm yếu là hầu hết lại không có cái uy giống như những người đồng nghiệp ngoại.

Sau khi VFF quyết định chấm dứt hợp đồng với HLV Troussier, đã có một số ứng cử viên nổi lên thay thế như HLV Chu Đình Nghiêm (Hải Phòng), Vũ Hồng Việt (Nam Định), Velizar Popov (Thanh Hóa), Kiatisuk Senamuang (CAHN), Daiki Iwamasa (Hà Nội FC) và thậm chí có tin đồn HLV Park Hang Seo có thể trở lại. 

Song căn cứ vào thực tế như trên, không khó nhận ra cơ hội dành cho các HLV Chu Đình Nghiêm và Vũ Hồng Việt làm HLV trưởng ĐT Việt Nam là không nhiều, trong khi bản thân các ông thầy này cũng không hứng thú với chức danh tạm quyền bởi họ đang ổn định ở cấp CLB. 

 VFF cũng không loại trừ khả năng bổ nhiệm ông Hoàng Anh Tuấn làm HLV tạm quyền của ĐTVN, nếu như U23 Việt Nam đạt thành tích khả quan ở VCK U23 châu Á. Nhưng về lâu dài, đội tuyển Việt Nam vẫn cần một HLV ngoại. 

Nhưng sau bài học từ ông Troussier, VFF sẽ ưu tiên một HLV đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Lý do: ngoài những đánh giá dựa trên tiêu chí về uy tín, về trình độ chuyên môn và điều quan trọng nữa là HLV đó phải phù hợp với bóng đá Việt Nam và có sự tương đồng nhất định về văn hóa.


Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm