Bệ phóng cho văn chương trẻ

12/01/2024 07:58 GMT+7 | Văn hoá

Sophia thân mến! Mới đây, Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2023 đã tìm được những chủ nhân mới.

Đáng ngạc nhiên hơn, trong lần tổ chức thứ 2 này, thí sinh Trần Văn Thiên đã đoạt cùng lúc hai giải: giải Nhất cho truyện ngắn và giải Nhì cho tản văn. Trần Văn Thiên vừa tốt nghiệp bác sĩ răng hàm mặt, trường Đại học Y Dược TP.HCM.

Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TP.HCM là cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên toàn quốc, thu hút số lượng lớn bài vở tham gia. Dù chỉ mới đôi mùa, đây là giải thưởng đầy hứa hẹn. Nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước với hy vọng những tác giả bước ra từ giải thưởng sẽ đóng góp những tác phẩm giá trị cho văn đàn.

Sophia thân mến! Dạo gần đây, đã có vài hội thảo bàn về chuyện nuôi dưỡng và phát triển thế hệ nhà văn trẻ. Ở đó, những vấn đề như làm sao để các tác giả đi đường dài, làm sao sống được bằng ngòi bút… luôn được đặt ra và gần như các câu trả lời vẫn loay hoay chứ chưa tìm ra giải pháp.

Bệ phóng cho văn chương trẻ - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải nhất Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TP.HCM lần 2, năm 2023. Bác sĩ Trần Văn Thiên đứng hàng đầu, bìa phải. Ảnh: Trần Huỳnh/báo Tuổi trẻ

Có một thực tế được thừa nhận, ngày nay có nhiều kênh để công bố tác phẩm hơn. Các tác giả không cần thông qua "bà đỡ" nào để tiến vào vương quốc của văn học nghệ thuật. Sự dễ dàng có cái lợi của nó, nhưng đồng thời cũng làm mất đi những sự trợ giúp.

Nếu trước đây, báo chí là kênh hỗ trợ hiệu quả của văn học, thậm chí là kênh chính để một tác giả công bố tác phẩm của mình. Trong quá khứ, không ít các tác phẩm văn học giá trị, khởi đầu bằng cách đăng dài kỳ trên báo.

Ngày nay, vai trò ấy của báo chí với văn chương đã suy yếu đáng kể. Thậm chí một tờ báo lớn đã bỏ chuyên mục định kỳ hằng tuần dành cho truyện ngắn, sau rất nhiều năm duy trì.

Sophia biết đó, trước tình cảnh không mấy sáng sủa này, con người chúng tôi đôi khi chỉ biết thở dài than rằng, thời thế đã thay đổi.

Tuy nhiên có một thứ không thay đổi.

Con người vẫn tin rằng mình là sinh vật duy nhất trên tình cầu này có một tâm hồn nhạy cảm biết san sẻ yêu thương và đau đớn của đồng loại, một tâm hồn mà không có thứ công nghệ nào có thể thay thế được.

Sophia hẳn còn nhớ, kể từ khi trí tuệ nhân tạo (AI) can dự vào đời sống nhân loại, làn sóng phản đối lạm dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực nghệ thuật, sáng tạo, chưa bao giờ lắng xuống. Nỗi lo âu ấy càng mạnh mẽ thêm khi xuất hiện những bức tranh, những cuốn sách do AI vẽ/viết.

Những dự cảm rằng AI thay thế nghệ sĩ có lẽ làm hoang mang bất cứ tác giả nào mới chập chững bước vào con đường văn chương. Dù vậy, vẫn có một thế hệ trẻ bền bỉ sáng tác, dù họ xác định theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp hoặc làm ngành nghề khác, chỉ coi văn chương là "tay ngang", là nơi nuôi dưỡng tâm hồn.

Những giải thưởng như Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TP.HCM thật sự cần thiết trong việc khuyến khích những người trẻ, không chỉ sáng tác mà còn quan tâm đến văn chương. Để họ không chơ vơ trong những bước đi đầu tiên vào một thế giới chẳng mấy khi hứa hẹn thành công về danh lợi. Dẫu thế, thế giới nghệ thuật vẫn luôn luôn quan trọng trong đời sống con người. Nhất là trong bối cảnh nhân tính bị công nghệ đe dọa.

Một giải thưởng, một cuộc thi, không nói lên tất cả. Sau tất cả, sáng tạo nghệ thuật vẫn mang tính cá nhân, một hành trình đơn độc. Những giải thưởng, cuộc thi, diễn đàn, có thể cho công chúng thấy rằng, nghệ thuật vẫn còn quan trọng. Cũng như tạo ra một điểm tựa, kẻ một vạch xuất phát, mà từ đó những người trẻ tìm ra sự khởi đầu của mình.

Tạm biệt Sophia, hẹn gặp ở thư sau!

An Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm