Góc nhìn 365: Khi báo chí và văn chương chung sống thuận hòa

20/06/2023 07:54 GMT+7 | Văn hoá

Sáng 18/6, tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM) có buổi giao lưu với bốn tác giả: Dương Thành Truyền, Nguyễn Khắc Cường, Trung Nghĩa và Hồ Huy Sơn.

Điểm chung của bốn tác giả này là đều cách in ở Nhà xuất bản Trẻ: Bắt đầu bằng để lại (Dương Thành Truyền), Kho báu trong thành phố (Nguyễn Khắc Cường), Từ Bàn Môn Điếm đến Chernobyl (Trung Nghĩa) và Xin chào ngày nắng đẹp (Hồ Huy Sơn). Một điểm chung khác: Bên cạnh viết văn, họ còn là những nhà báo.

Tại buổi giao lưu, bốn nhà báo thuộc nhiều thế hệ đã chia sẻ những lợi thế mà văn và báo có thể bổ trợ cho nhau.

Như với nhà báo Nguyễn Khắc Cường, kinh nghiệm 30 năm làm báo thiếu nhi (Khăn Quàng Đỏ, Mực Tím, Ngôi Sao Nhỏ, Rùa Vàng, Nhi Đồng) là quãng thời gian dài đủ để hình thành nhiều thế hệ khác nhau trong cùng một gia đình. Chính nhờ sự chia sẻ đồng cảm với thiếu nhi mà gần đây anh đã viết được hai tác phẩm trong trẻo, hồn nhiên dành cho lứa tuổi này: Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch, Kho báu trong thành phố.

Góc nhìn 365: Khi báo chí và văn chương chung sống thuận hòa - Ảnh 1.

Bốn tác giả kể về trải nghiệm viết sách từ nghề báo. Ảnh: Jolie/VnExpress

Ngày nay, vẫn còn định kiến cho rằng, báo chí chỉ đơn giản chỉ là những sản phẩm thông tin thuần túy, xơ cứng. Nhưng không phải vậy. Từng có thời báo chí và văn chương tưởng chừng là hai bộ phận không thể tách rời. Những thiên phóng sự của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Tam Lang… đã vượt qua tính thời sự nhất thời để tồn tại trong đời sống văn học Việt Nam như một tác phẩm văn chương đích thực.

Năm 2015, giải Nobel Văn học đã trao cho Svetlana Alexievich "vì lối viết phức điệu, một tượng đài tưởng niệm sự thống khổ và lòng can đảm trong thời đại của chúng ta". Svetlana Alexievich được biết đến với tư cách nhà báo, các tác phẩm nổi tiếng của bà là những sản phẩm báo chí kỳ công đã thu thập câu chuyện, tiếng nói của nhiều nhân vật khác nhau.

Có sự trùng hợp là buổi chiều cùng ngày tại Đường sách cũng diễn ra buổi giao lưu "Báo chí là bản nháp đầu tiên của lịch sử" nhân dịp ra mắt Cõi người dưng - Nomadland của nhà báo người Mỹ Jessica Bruder. Nomadland theo chân những du dân Mỹ trong thế kỷ 21, đã được chuyển thể thành phim và đoạt giải Oscar Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Nữ chính xuất sắc nhất.

Dĩ nhiên báo chí đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, không được phép bay bổng, "hư cấu"… Nhưng nói như nhà báo Hồ Huy Sơn trong buổi giao lưu, không cần phải quá tách bạch hai con người nhà báo và nhà văn.

Một nhà báo, bằng sự nhạy cảm, nhanh nhẹn của mình, kết hợp với khả năng ngôn ngữ, hoàn toàn có thể viết ra những sản phẩm báo chí vượt khỏi tính nhất thời để trở thành văn chương, thành "bản nháp đầu tiên của lịch sử", nơi mà hậu thế vẫn còn tìm đọc lại để biết về một thời, một thời định hình một đời. Tận dụng được lợi thế ở hai lĩnh vực, thì con người báo chí và con người văn chương vẫn có thể sống thuận hòa với nhau trong cùng một chỉnh thể.

An Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm