100 năm ngày mất 'cha đẻ' tháp Eiffel: Gustave Eiffel - người 'thống trị' đường chân trời Paris

28/12/2023 11:47 GMT+7 | Văn hoá

Kỹ sư, doanh nhân người Pháp Gustave Eiffel sẽ mãi mãi được nhớ tới vì đã xây dựng nên tòa tháp được mọi người trên khắp thế giới yêu thích  - tháp Eiffel. Như cách gọi của nhiều người, đó là công trình đã "thống trị" đường chân trời Paris trong hơn 1 thế kỷ qua.

Thực tế, cha đẻ của tháp Eiffel còn thiết kế hàng trăm công trình khác trên toàn cầu, thậm chí còn được cấp bằng sáng chế cho hệ thống "các cầu" dưới nước chạy dưới eo biển Manche. Ngày 27/12 vừa qua là dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của Eiffel, người qua đời ở tuổi 91 vào ngày 27/12/1923.

Nghề chọn người

Eiffel đã đem thiết kế tòa tháp mang tên ông tới Hội chợ Thế giới ở Paris năm 1889. Nhưng thực tế, tòa tháp này - hiện là biểu tượng của nước Pháp - rất có thể đã mang một cái tên Đức!

Lý do là Eiffel vốn là người gốc Đức. Ông sinh năm 1832 tại Dijon, Pháp nhưng tổ tiên là những người Đức di cư. Họ định cư ở Paris từ đầu thế kỷ 19. Mặc dù gia đình ông lấy họ Eiffel - theo tên dãy núi Eifel ở quê nhà - nhưng tên khai sinh của Eiffel có cả họ Đức đầy đủ là Alexandre Gustave Bonickhausen dit Eiffel. Mãi sau, với tư duy doanh nhân nhanh nhạy, ông mới bỏ đi phần tiếng Đức trong tên mình sau chiến tranh Pháp - Phổ năm 1870, vì lo sợ nó có thể gây tổn hại tới sự nghiệp của mình.

100 năm ngày mất 'cha đẻ' của tháp Eiffel: Gustave Eiffel - người 'thống trị' đường chân trời ở Paris - Ảnh 1.

Kỹ sư, nhà phát minh thiên tài Gustave Eiffel

Hơn thế, suýt nữa thì kỹ sư Eiffel đã không bao giờ sáng tạo ra những công trình kiến trúc nổi tiếng như hiện nay. Lý do bắt nguồn từ nền tảng gia đình lừng lẫy của ông.

Vào thời điểm Eiffel ra đời, bố ông - một cựu quân nhân - đang làm một nhà quản lý của quân đội Pháp. Nhưng chỉ ít lâu sau, mẹ ông, vốn là người rất am tường kinh doanh, đã mở rộng sản nghiệp kinh doanh than củi của gia đình và do đó, bố ông đã nghỉ việc về hỗ trợ vợ. Mẹ là người có ảnh hưởng tới Eiffel suốt đời.

Ngày nhỏ, Eiffel không phải đứa trẻ ham học. Ông cảm thấy học ở trường thật nhàm chán và lãng phí thời gian. Tuy nhiên, nhờ ảnh hưởng của các giáo viên văn học và lịch sử, ông đã tiến bộ dần và lấy bằng tú tài về nhân văn và khoa học. Hơn thế, phần quan trọng trong giáo dục của Eiffel tới từ chú ông, Jean-Baptiste Mollerat (người phát minh ra quy trình chưng cất giấm và có một xưởng hóa học rất lớn ở gần Dijon) và bạn của chú là nhà hóa học Michel Perret. Hai người đã dành nhiều thời gian dạy cậu bé Eiffel mọi thứ, từ hóa học tới thần học và triết học.

Sau đó, Eiffel theo học trường danh tiếng bậc nhất ở Pháp là École Centrale des Arts et Manufactures. Ông tốt nghiệp chuyên ngành hóa học, xếp thứ 13 trong 80 học sinh khóa năm 1855. Đây cũng là năm Paris đăng cai Hội chợ Thế giới và Eiffel được mẹ mua cho 1 vé xem cả mùa.

100 năm ngày mất 'cha đẻ' của tháp Eiffel: Gustave Eiffel - người 'thống trị' đường chân trời ở Paris - Ảnh 2.

Tờ Le Temps vẽ Gutstave Eiffel bên tháp Eiffel năm 1887

Sau khi tốt nghiệp, Eiffel hy vọng sẽ tìm được việc ở chỗ chú ở xưởng hóa học. Tuy nhiên, những tranh cãi trong gia đình đã chấm dứt nghiệp hóa học của Eiffel. Ở tuổi 23, theo lời khuyên sáng suốt của mẹ, ông học lại ngành kim loại dù bản thân không chắc chắn về tương lai của nó. Và sau đó, vẫn nhờ mẹ, ông tìm được công việc đầu tiên trong lĩnh vực xây dựng đường sắt vào tháng 2/1856, chính thức mở ra sự nghiệp nghiên cứu kim loại của mình.

Tài năng thiên phú của Eiffel nhanh chóng gây được sự chú ý. Sự nghiệp của ông lên như diều gặp gió với các công trình lớn cả ở trong và ngoài nước. Hội chợ Thế giới năm 1878, khi Eiffel 46 tuổi, đã khẳng định vững chắc danh tiếng của ông với tư cách là một trong những kỹ sư hàng đầu thời bấy giờ.

"Nỗ lực không ngừng đổi mới của Gustave Eiffel đã làm nên danh tiếng của Pháp trên toàn thế giới. Ông là hiện thân của một nước Pháp công nghiệp" - Myriam Larnaudie-Eiffel, hậu duệ của kỹ sư Eiffel.

"Quý bà sắt" của Paris

Tuy nhiên, ý tưởng ban đầu về tháp Eiffel vốn không phải là của Eiffel! Maurice Koechlin và Emile Nouguier mới là những người khởi xướng thiết kế.

Tháng 5/1884, Koechlin, sau một thời gian làm việc tại nhà, đã phác thảo tòa tháp của họ và miêu tả đây là "cột tháp vĩ đại, bao gồm 4 dầm lưới tách biệt ở chân đế và chụm lại ở phía trên, được nối với nhau bằng các dàn kim loại". Ban đầu, Eiffel không tỏ ra hào hứng. Dù vậy, ông đồng ý sẽ nghiên cứu sâu hơn về dự án. Sau đó, 2 kỹ sư nhờ Stephen Sauvestre bổ sung thêm các chi tiết trang trí. Phiên bản nâng cao này cuối cùng cũng nhận được sự ủng hộ của Eiffel. Ông đã mua bản quyền bằng sáng chế và thiết kế của Koechlin, Nougier và Sauvestre.

100 năm ngày mất 'cha đẻ' của tháp Eiffel: Gustave Eiffel - người 'thống trị' đường chân trời ở Paris - Ảnh 4.

Tháp Eiffel ngày nay được coi là biểu tượng của nước Pháp

Eiffel tin rằng tòa tháp sẽ tượng trưng "không chỉ nghệ thuật của kỹ sư hiện đại, mà còn của cả thế kỷ công nghiệp và khoa học mà chúng ta đang sống. Con đường này đã được mở ra bởi phong trào khoa học vĩ đại của thế kỷ 18 và bởi cuộc cách mạng 1789. Do đó, tòa tháp sẽ được xây dựng để bày tỏ lòng biết ơn với nước Pháp".

Dù vậy, không ít người có ý kiến ngược lại, chỉ trích tháp Eiffel cả về tính khả thi lẫn nghệ thuật. "Ủy ban một trăm" (mỗi thành viên ứng với một mét chiều cao thiết kế tháp), gồm nhiều nhân vật máu mặt trong giới văn hóa Pháp, từng gửi kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ công trình Jean-Charles Adolphe Alphand với nội dung: "Hãy tưởng tượng trong giây lát về một tòa tháp đầy choáng váng, lố bịch thống trị Paris giống như một ống khói đen khổng lồ, đè bẹp dưới khối lượng khổng lồ man rợ của nó nào Notre Dame, tháp Saint-Jacques, điện Louvre, mái vòm của điện Invalides, Cổng khải hoan. Tất cả các tượng đài của chúng ta sẽ nhục nhã biến mất trong giấc mơ khủng khiếp này. Và trong 20 năm tới, chúng ta sẽ thấy cái bóng ngả dài như một vết mực của một cột kim loại đáng ghét".

Bất chấp vậy, cùng với nhiều bàn luận, hợp đồng xây dựng tháp Eiffel chính thức được ký kết vào ngày 8/1/1887. Eiffel đã ký với tư cách chính cá nhân ông chứ không phải đại diện cho công ty. Chính phủ cấp cho ông 1 triệu rưỡi franc để xây dựng tháp, chưa bằng 1/4 chi phí ước tính là 6 triệu rưỡi franc. Bù lại, Eiffel sẽ nhận được toàn bộ thu nhập từ khai thác tháp trong thời gian triển lãm và 20 năm tiếp theo (tháp ban đầu chỉ định dựng lên trong 20 năm!).

Khởi công vào ngày 28/1/1887, tháp Eiffel được xây dựng trong thời gian kỷ lục khi hoàn thành vào cuối tháng 3/1889. "Quý bà sắt" nặng tới 7.300 tấn, cao 330 mét và là công trình kiến trúc nhân tạo cao nhất thế giới trong 4 thập kỷ sau đó. Bình luận về vị trí của nó trong lịch sử, Văn phòng Hội chợ Quốc tế nói rằng, tòa tháp "đánh dấu đỉnh cao của kiến trúc bằng sắt và tạo đà cho cơn sốt xây dựng các tòa nhà chọc trời sẽ diễn ra trong suốt thế kỷ 20".

Một nhà phát minh thiên tài

Khi nhắc tới Gustave Eiffel, hầu như mọi người chỉ nhớ tới tháp Eiffel. Tuy nhiên, trong suốt cuộc đời mình, Eiffel luôn là kỹ sư và nhà phát minh thiên tài với nhiều phát kiến đi trước thời đại. Theo Hiệp hội Hậu duệ của Gustave Eiffel: Chúng tôi đã liệt kê được 500 công trình của ông ở hơn 30 quốc gia trên khắp 5 châu lục. Nhưng chúng tôi biết phải có khoảng 700 tới 800 công trình".

Eiffel đã tạo dựng được tên tuổi của mình như một người xây các cây cầu đường sắt nhưng cũng dùng "phép thuật" kim loại của mình để xây nhà ga Pest ở Hungary, các ngọn hải đăng ở Phần Lan và Madagascar và khung thép cho tượng nữ thần Tự do ở New York… trong đó mỗi dự án đều mang tới sự đổi mới riêng. Ông cũng thiết kế những cây cầu di động, được chuyển đi khắp thế giới kèm bộ dụng cụ. Không bao giờ thiếu ý tưởng, Eiffel đề xuất xây dựng một công trình được ông miêu tả là cây cầu dưới eo biển Manche để nối Pháp với Anh. Dự án này dù chưa bao giờ được thực hiện nhưng vào 104 năm sau, đường hầm nối Anh và Pháp đã được đưa vào hoạt động.

Năm 1887, công ty của Eiffel giành được hợp đồng xây dựng cửa cống cho kênh đào Panama - thương vụ lớn nhất sự nghiệp của ông. Tuy nhiên, do quản lý yếu kém, dự án sụp đổ khiến danh tiếng Eiffel bị tổn hại nặng nề. Ông đã cống hiến 30 năm cuối đời cho nghiên cứu khoa học. Ở tuổi 70, ông là người tiên phong trong lĩnh vực khí tượng học và khí động học với ứng dụng vẫn được sử dụng tới ngày nay trong nhiều ngành nghề.

Không chỉ là kỹ sư thiên tài, Eiffel còn là doanh nhân đi đầu trong lĩnh vực tiếp thị. Ông nổi bật vì những đóng góp cho xã hội và đặc biệt quan tâm tới vấn đề tai nạn tại nơi làm việc.

An Bình (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm