Thái Lan đang ở “ngã ba đường”

03/07/2011 11:01 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày hôm nay (3/7), hàng chục triệu người dân Thái Lan sẽ đi bỏ phiếu bầu Quốc hội và đảng nào giành đa số ghế sẽ có quyền chỉ định Thủ tướng.

Tuy nhiên câu hỏi lớn nhất vẫn ám ảnh Thái Lan là chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo sau bầu cử. Liệu quân đội và Hoàng gia có chấp nhận một chính phủ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và sự trở về của ông trong tương lai? Liệu phe đối lập có chấp nhận việc đảng Dân chủ tiếp tục nắm quyền? Liệu bên thua cuộc có xuống đường biểu tình? Liệu có đảo chính và hỗn loạn sẽ theo đó trở lại?

“Kỳ phùng địch thủ”

Yingluck Shinawatra trong quá trình
vận động tranh cử cho đảng Pheu Thai

Có thể nói cuộc bầu cử ở Thái Lan gần như chỉ còn là hoạt động ganh đua “song mã” giữa đảng Dân chủ cầm quyền và đảng Pheu Thai có quan hệ mật thiết với ông Thaksin Shinawatra.

Thaksin hiện không ở Thái Lan, chưa nói gì tới việc đi bỏ phiếu. Nhưng 5 năm sau khi quân đội lật đổ chính quyền do Thaksin lãnh đạo, ảnh hưởng của ông đã trở lại vô cùng lớn mạnh thông qua những lực lượng đại diện như Pheu Thai và em gái Yingluck Shinawatra.

Yingluck là một bất ngờ lớn trong cuộc bầu cử lần này. Cách đây 1 tháng, khi bà được chọn làm nhân vật lãnh đạo chiến dịch tranh cử của đảng Pheu Thai, rất nhiều người đã phải ngỡ ngàng. Họ chỉ ra rằng Yingluck không có kinh nghiệm chính trị, không nổi tiếng và rằng cô chỉ là bản sao, là cái bóng của Thaksin.

Thực tế những điểm tưởng như bất lợi này đang mang tới lợi ích cho Yingluck. Việc thiếu kinh nghiệm chính trị cho phép Yingluck bước vào chính trường với tư cách một doanh nhân và vì thế ít bị soi xét. Kinh nghiệm chính trị không có đồng nghĩa với việc cô có một lý lịch sạch sẽ và mối quan hệ chặt chẽ với Thaksin khiến cô nhận được rất nhiều sự ủng hộ.

Những cuộc thăm dò gần đây đều cho thấy cô có tỉ lệ ủng hộ hơn 10% so với đương kim Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.

Trong khi đó, ông Abhisit và đảng Dân chủ cầm quyền đang đối mặt với nhiều chỉ trích mạnh, không chỉ trên khía cạnh kinh tế đang suy thoái mà còn vì các hành động đàn áp người biểu tình hồi mùa Xuân năm ngoái khiến hơn 90 người thiệt mạng tại Bangkok.

Tuy nhiên giới phân tích đã dự đoán rằng cả đảng Pheu Thai lẫn đảng Dân chủ đều sẽ không có đủ 250 ghế đa số cần thiết để thành lập Chính phủ. Điều đó có nghĩa họ sẽ phải vận động các đảng nhỏ hơn tham gia liên minh và cuộc tranh giành này cũng rất khốc liệt.

Những dấu hỏi lớn sau cuộc bỏ phiếu

Cuộc bầu cử cũng được xem như một cuộc trưng cầu dân ý lớn, cho thấy người Thái đã chia rẽ tới đâu kể từ khi chính quyền của Thaksin bị lật đổ. Liệu quân đội và Hoàng gia có chấp nhận một chính phủ ủng hộ Thaksin Shinawatra và ngược lại, liệu phe đối lập có chấp nhận việc đảng Dân chủ tiếp tục nắm quyền? Liệu bên thua cuộc có xuống đường biểu tình. Liệu có đảo chính?

Cần nhớ rằng Thaksin bị quân đội phế truất hồi năm 2006, với các cáo buộc tham nhũng và bất kính với Quốc vương. Những người ủng hộ ông đã tái tập hợp lực lượng và giành chiến thắng cuộc bầu cử diễn ra một năm sau đó. Nhưng liên tiếp 2 vị Thủ tướng ủng hộ Thaksin đã bị tòa án hạ bệ trong những phán quyết gây tranh cãi, sau khi phe “áo vàng” chống ông đổ xuống phố tuần hành, phản đối. Người biểu tình thậm chí còn chiếm văn phòng Thủ tướng, phong tỏa 2 sân bay quốc tế của Bangkok và khiến hàng ngàn du khách ngỡ ngàng.

Khi Abhisit nắm quyền dưới sự ủng hộ của quân đội, tới lượt phe “áo đỏ” thân cận với ông Thaksin lại xuống đường biểu tình. Họ đã gây náo loạn một cuộc họp cấp khu vực hồi năm 2009, làm các lãnh đạo nhiều nước trong vùng Đông Nam Á phải sơ tán khẩn cấp. Tiếp đó họ tổ chức một cuộc phong tỏa thủ đô Bangkok kéo dài 2 tháng, trước khi biến nó thành vùng chiến sự. Các cuộc đụng độ giữa phe biểu tình và lực lượng an ninh đã khiến hơn 90 người thiệt mạng và làm xấu hình ảnh Thái Lan.

Tất cả những chuyện này diễn ra trong bối cảnh có những quan ngại về việc quốc vương Bhumibol Adulyadej đã già yếu. Năm nay 83 tuổi, quốc vương Adulyadej đã phải nằm viện từ năm 2009 và bất kỳ sự thay đổi nào tại Hoàng gia liên quan tới ông đều có thể làm mất cân bằng cán cân quyền lực trong nước và đem tới những hậu quả khó lường.

Ổn định trở lại nếu kết quả được tôn trọng

Ngoài ra còn phải tính tới vai trò của quân đội, lực lượng có ảnh hưởng khá mạnh trong đời sống chính trị của Thái Lan. Chính quân đội đã điều khiển 18 kế hoạch đảo chính kể từ năm 1932 và tháng trước, lãnh đạo quân đội Prayuth Chan-ocha đã kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho “người tốt”, đề nghị họ bảo vệ Hoàng gia. Lời nói này được cho là “dằn mặt” phe đối lập và ủng hộ ông Abhisit.

Tuy nhiên sự lựa chọn về kết quả cuộc bầu cử lại không nằm trong tay Prayuth. Trong 4 cuộc bầu cử đã diễn ra gần đây, Thaksin cùng lực lượng ủng hộ ông đều giành chiến thắng. Trong khi đó đảng Dân chủ của Abhisit chưa từng giành chiến thắng trong một cuộc tổng tuyển cử kể từ năm 1992.

“Sau nhiều năm bất ổn, Thái Lan giờ đang ở ngã ba đường. Có những hy vọng rằng cuộc bầu cử diễn ra hôm 3/7 sẽ mang ổn định trở lại, nếu kết quả bỏ phiếu được tôn trọng” - Siripan Nogsuan Sawasdee, một nhà khoa học chính trị ở Đại học Chulalongkorn đánh giá - “Nhưng nếu không, chúng tôi sẽ trở lại xuất phát điểm số 0, với nhiều cuộc biểu tình, nhiều bạo lực hơn trước”.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm