Thaksin tiếp sức cho em gái vào ghế Thủ tướng

01/06/2011 11:02 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Sau một thời gian im hơi lặng tiếng, hôm 31/5, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã xuất hiện trở lại, không phải để tuyên bố chạy đua vào chiếc ghế quyền lực cao nhất nước như trước, mà nhằm thể hiện sự ủng hộ sự nghiệp chính trị của cô em gái.

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi tại ngôi nhà riêng sang trọng nằm ở Dubai, Thaksin Shinawatra cho phóng viên chương trình “Lateline” của kênh truyền hình ABC biết rằng ông rất tin tưởng vào khả năng chiến thắng của Đảng Puea Thai trong cuộc bầu cử Quốc hội, dự kiến diễn ra tháng 7 tới.

Em gái là bản sao, nhưng không phải bù nhìn

“Theo nhiều cuộc thăm dò của nhiều tổ chức và tính cả tới những báo cáo nội bộ, chúng tôi tin rằng mình sẽ chiến thắng” - Thaksin nói.

Thực tế các cuộc thăm dò gần đây của ĐH Suan Dusit Rajabhat tiến hành, cho thấy Puea Thai đang dẫn trước với 43% tỉ lệ ủng hộ và theo sau là Đảng Dân chủ với 37% số phiếu.

Thaksin nói rằng Yingluck giống như một bản sao của ông. “Yingluck là em gái tôi, đã làm việc cùng tôi từ đầu. Vì thế tôi đã dạy dỗ, huấn luyện em gái có một phong cách, một thói quen làm việc giống hệt mình” - Thaksin tâm sự. Ông giải thích từ “bản sao” có nghĩa Yingluck có “chung một văn hóa, một nền tảng, một lý tưởng, quan điểm và tư duy” giống với mình.

Cựu Thủ tướng Thái Lan hiện đang sống lưu vong tại Dubai


Ông cũng bác bỏ cáo buộc em gái chỉ đóng vai trò bù nhìn cho mình. “Tôi có thể gây ảnh hưởng về mặt ý tưởng và tư duy vì tôi có nhiều kinh nghiệm hơn và tôi muốn thấy Chính phủ mới thành công. Ngoài ra, tôi cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình trong vai trò một cựu Thủ tướng, một người đã chu du đó đây khắp thế giới”.

Yingluck từng tuyên bố rằng một lệnh ân xá cho những người đang bị kết án chính trị là ưu tiên hàng đầu của cô khi cầm quyền. Nhưng Thaksin bác bỏ các cáo buộc rằng ông muốn xóa trắng lý lịch của mình để có thể trở lại chính trường. “Hàn gắn rạn nứt trong nước là ưu tiên hàng đầu, không phải ân xá chính trị. Khi ta hàn gắn rạn nứt thì một lệnh ân xá sẽ nằm trong nỗ lực chung. Nhưng nó không phải là tất cả” - ông phân trần với phóng viên hãng tin ABC.

Một chính trị gia cứng đầu

Những nghi ngờ của các lực lượng chống lại Thaksin về sự trở lại của ông không phải không có căn cứ, nếu xét tới việc ông đã có thời gian dài nỗ lực gây ảnh hưởng tới chính trường trong nước.

Thaksin Shinawatra bắt đầu bước vào chính trường Thái Lan từ năm 1994, trong vai trò thành viên Đảng Phalang Dharma. Hai năm sau, ông rời đi với rất nhiều nghị sĩ của đảng này, gần như toàn bộ các thành phần nòng cốt và tới năm 1998 thì thành lập Đảng Thai Rak Thai (Người Thái yêu người Thái - TRT) rất nổi tiếng.

Dù bị mất quyền đã lâu, Thaksin vẫn được
nhiều cử tri trong nước yêu mến


Sau một cuộc bầu cử mang tính lịch sử hồi năm 2001, Thaksin đã trở thành Thủ tướng Thái Lan và là người đầu tiên cầm quyền hết nhiệm kỳ mà không bị đảo chính. Dưới thời Thaksin, hàng loạt các chính sách xóa đói giảm nghèo vùng nông thôn đã được ban hành, giúp giảm tỉ lệ nghèo đói ở khu vực này xuống còn một nửa trong vòng 4 năm.

Ông cũng triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe miễn phí đầu tiên của đất nước, với khoảng 65% chi phí khám chữa bệnh tới từ ngân sách và số còn lại tới từ các nguồn vốn tư nhân. Ông cũng ra tay trấn áp mạnh tội phạm ma túy. Kết quả tích cực từ những chính sách này là Thaksin được cử tri nông thôn, dân nghèo vô cùng yêu mến. Năm 2005, đảng TRT của ông tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội với tỉ lệ phiếu áp đảo các đối thủ.

Tuy nhiên, thời gian ông cầm quyền, Chính phủ cũng vướng phải nhiều cáo buộc tham nhũng, độc đoán chuyên quyền, xung đột lợi ích và đàn áp báo chí. Cá nhân Thaksin bị buộc tội trốn thuế, lăng mạ quốc vương và bán tài sản quốc gia cho nhiều nhà đầu tư quốc tế. Nhiều tổ chức như Ân xá Quốc tế cũng chỉ trích thành tích nhân quyền của Thaksin.

Bị lật đổ nhưng Thaksin không ngừng gây ảnh hưởng tới tình hình chính trị trong nước. Tháng 2/2008, Thaksin trở về Thái Lan sau khi Đảng Quyền lực Nhân dân do ông ủng hộ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thời hậu đảo chính. Nhưng sau khi rời Thái Lan tới Bắc Kinh để dự Thế vận hội mùa Hè 2008, ông đã không trở về nước vì hay tin Tòa án Thái Lan định xét xử mình.

Kể từ đây, Thaksin bắt đầu sống cuộc đời bôn ba, chu du từ nước này sang nước khác để tránh lệnh truy nã.

Năm 2010, tờ Foreign Policy đã liệt Thaksin vào nhóm một trong 5 nhân vật chính trị “cứng đầu”, kiên quyết không từ bỏ tình hình chính trị trong nước và chấp nhận sống cuộc đời mờ nhạt.

Thaksin chỉ còn muốn “đi thuyết giảng và chơi golf”

Được biết trong cuộc phỏng vấn với ABC, Thaksin thổ lộ rằng ông muốn trở lại Thái Lan vào cuối năm nay để chúc phúc Quốc vương Bhumibol Adulyadej, nhân ngày sinh nhật thứ 84 của ông. Tuy nhiên, Thaksin bác bỏ các thông tin đánh giá mục tiêu cao nhất của ông là tiếp tục nắm quyền ở Thái Lan thêm một lần nữa.

“Em gái của tôi giờ đang tham gia chính trị nên sẽ không cần thiết nếu tôi quay trở lại để ngồi vào ghế Thủ tướng” - Thaksin tuyên bố và cho biết những dự định tương lai của ông chỉ đơn giản là đi thuyết giảng và chơi golf.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm