Man City mua Kaka với giá "cắt cổ": Không phải chuyện hoang đường

19/01/2009 13:48 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Bóng đá luôn không thể lường trước. Thế cho nên, việc bỏ ra 240 triệu bảng chỉ để đảm bảo sự phục vụ của duy nhất một cầu thủ “giống như là chuyện hoang đường”, theo kết luận của một nhà kinh tế học nổi tiếng. Cầu thủ được nhắc tới ở đây là Kaka, 240 triệu bảng là tổng số, bao gồm 100 triệu bảng tiền chuyển nhượng và lương tuần 420.000 bảng trong năm năm nữa mà Manchester City sẵn sàng bỏ ra. Còn nhà kinh tế học là Arsene Wenger, người có bằng tiến sĩ của đại học Strasbourg.

“Nếu Man City thành công, họ sẽ làm đảo lộn thị trường, khiến lạm phát gia tăng trong một thế giới đang giảm phát”, HLV của Arsenal nói, “Chúng ta sống trong một thế giới hiện thực, còn Man City ở một thế giới khác”. Vào lúc mà thậm chí cả Chelsea cũng phải thắt lưng buộc bụng, những gì Wenger nói thật chí lý.

Những phát biểu liên quan tới vụ mua sắm kỷ lục của thế giới bóng đá đã yên lặng hơn vào hôm qua so với lúc Man City đưa ra cái giá vào tối thứ Ba, khi Milan đã cho phép đội bóng áo xanh nói chuyện với cầu thủ giá trị nhất của họ. Vào ngày thứ Tư, Man City đã gọi điện cho bố và cố vấn của Kaka, Bosco Leite, nhưng họ vẫn sẽ còn phải chờ phía Kaka sắp xếp cho một cuộc gặp thương lượng trực tiếp.
 
Với các tỷ phú A rập, tiền không phải vấn đề!

Nhiều báo đưa tin điều này sẽ diễn ra trong ngày hôm nay, nhưng Diogo Kotscho, người đại diện của Kaka, vẫn đang ở Braizl. Những chỉ dấu cho thấy tiền vệ 26 tuổi này sẽ xem xét các đề nghị của Man City nhưng không quyết định vội vã. Giờ đây, khi Milan đã tỏ rõ ý định rao bán anh, Kaka muốn đợi tới mùa Hè khi Real Madrid có thể trở thành một lựa chọn thứ hai với viền vệ người Brazil.

Kaka sẽ chỉ tới vùng Eastlands khi Man City chứng minh được, bằng cách cho anh thấy kế hoạch tuyển mộ chi tiết của họ, rằng đội bóng đủ sức giành suất dự Champions League năm 2010 và sẽ sớm trở thành một ông lớn của bóng đá châu Âu. Kotscho đã nhấn mạnh rằng “không chỉ là chuyện tiền bạc”, nhưng một nguồn thân cận với Milan cũng nói rằng “ý tưởng cho là anh ấy là một cầu thủ hoàn hảo chỉ quan tâm tới sự nghiệp cũng không đúng hẳn”. Kaka được nuông chiều ở San Siro tới mức anh được thưởng một khoản 900.000 bảng một năm chỉ để cho bạn bè và gia đinh đi lại giữa Brazil và Italia. Milan cũng có lương tháng cho anh trai của Kaka, còn bản thân anh có hai căn biệt thự cùng 4 chiếc siêu xe.

Những tin tức từ Abu Dhabi, quê hương của ông chủ Man City Sheikh Mansour bin Zayed Al Nahyan còn cho biết Kaka đòi thêm 100.000 bảng mỗi tuần tiền “bồi thường” nếu như Man City không được tham dự Champions League. Mặc dù những tiếng nói phản đối cầu thủ xuất sắc nhất thế giới năm 2007 đến với một đội bóng đang phải chiến đấu để trụ hạng ở Premier League, nhất là tại Brazil, vẫn rất hùng hồn, nhưng có vẻ như đồng tiền sẽ đè bẹp tất cả.

Những cái giá điên rồ!

Dù cho họ có mua được Kaka hay không, chỉ riêng việc đề nghị trả khoản chuyển nhượng với 9 con số lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá đã khiến Man City là một đội bóng “một mình một chợ” theo đúng nghĩa đen. “Vậy thì sau đó anh ta giá bao nhiêu?”, Ferguson hỏi, “Khó mà xác định được. Tôi cũng cho rằng Kaka nằm trong số ba cầu thủ xuất sắc nhất thế giới hiện nay, nhưng nếu anh ta đánh giá 100 triệu bảng thì Messi và Ronaldo cũng thế”.

Khi được nhắc rằng Ronaldo đã vượt qua Kaka trong cuộc đua cho hai danh hiệu cá nhân cao quý Quả bóng vàng châu Âu và Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới của FIFA trong năm nay, Ferguson cười: “Vậy thì Ronaldo đáng giá 120 triệu bảng! Không thể nói là hợp lý khi nhắc tới những con số như thế trong bóng đá”.

Liệu nếu Man City ra giá 120 triệu bảng thì Fergie có bán Ronaldo. “Chắc chắn là không, chủ yếu vì những ông chủ (nhà Glazer), chứ không phải vì tôi. Tôi tin chắc thế bởi họ là những người tốt và mạnh mẽ”. Nhưng sự giàu có của Sheikh Mansour, với tài sản cá nhân ước tính 15 tỉ bảng, khiến cho mọi chuyện giờ đây đều có thể. Tuần trước, một đoàn đại biểu từ PSG đã sang Manchester để thương lượng về việc đội bóng Pháp sẽ trở thành đội “dự bị” cho Man City, tức là họ nhận tiền để đào tạo cầu thủ trẻ, được Man City cho mượn hoặc bán cầu thủ, đổi lại sẽ giành quyền ưu tiên bán các ngôi sao của mình cho đội bóng Anh.

“Man City đang theo đuổi một giấc mơ tạo ra một thương hiệu toàn cầu bằng những siêu sao, nhưng tôi không thấy bị thuyết phục”, Harry Philp, giám đốc điều hành hãng Hermes Sports Partners nói, “Chelsea có là một thương hiệu toàn cầu chưa? Họ giành 2 chức vô địch Premier League, vào chung kết Champions League và ngày càng mở rộng trong 5 năm qua, nhưng ở châu Á, vẫn không có mấy chú nhóc mặc áo Chelsea. Điều nguy hiểm về hợp đồng với Kaka là nó có thể kéo theo sự gia tăng phí chuyển nhượng và tiền lương ở nhiều nơi, làm tăng chi phí vào thời điểm doanh thu từ bóng đá đang giảm sút”. Đó cũng là cơn đau đầu mà Hughes sẽ phải đối mặt khi duy trì quan hệ trong phòng thay đồ Man City sao cho hữu hảo khi mà chênh lệch về tiền lương quá lớn.

HẢI MINH

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm