Kaka tới Man City: Khi Hiệp sĩ đầu hàng

18/01/2009 14:04 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH) -  Hôm qua, lần đầu tiên Berlusconi lên tiếng. Vị thủ tướng Italia kiêm người chủ sở hữu Milan khẳng định ông không thể từ chối một khoản tiền lớn như thế được, cách trực tiếp để nói rằng, chính ông đã đồng ý để cho Kaka ra đi. Lần thứ 2 trong vòng 3 năm, ngài Hiệp sĩ (biệt danh của ông là Cavaliere, hiệp sĩ) đầu hàng vô điều kiện.

Sự thất bại của Berlusconi trong vụ Kaka được bù đắp bằng rất nhiều tiền. Sự thất bại của Italia trong cuộc tiến công của nước ngoài vào calcio, niềm đam mê lớn nhất của họ, có giá 120 triệu euro. Quả thật Italia cần tiền. Người ta tính ra, số tiền ấy tương đương với 1/4 trợ cấp đặc biệt của nhà nước cho người có thu nhập thấp và chỉ hơn một chút so với quỹ mà Italia dành cho những gia đình gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng Italia được gì trong vụ này? Không một xu. Cả Berlusconi nữa. Nếu danh dự của calcio đáng tiền, thì cái giá 120 triệu euro bán Kaka kia chẳng thấm tháp vào đâu.
 
Berlusconi "chết" vì tiền?
 
Berlusconi sẽ làm gì với số tiền ấy? Bỏ ra thêm 30 triệu để chồng đủ 150 triệu trên bàn và mua Messi theo điều khoản giải phóng hợp đồng cho anh? Quên đi. Milan sẽ tái thiết bằng những tên tuổi lớn nhờ số tiền ấy? Không có đâu. May ra ông chủ Milan sẽ mua về một tiền đạo giỏi cỡ 20 đến 30 triệu euro để “đền bù” cho nước mắt của các tifosi. Trên thực tế, quá trình tái thiết ấy đang diễn ra rồi, bằng những cái tên ít ai để ý hơn, từ Thiago Silva, Mattioni và Agger, những người chưa đến 25 tuổi.
 
Số tiền còn lại Berlusconi sẽ làm gì? Bù vào những thâm hụt lớn trong chi tiêu của Milan. Khủng hoảng kinh tế mà. Đến hãng hàng không quốc gia Alitalia mà Berlusconi hứa với cử tri rằng nó sẽ thuộc về người Italia bằng mọi giá, giờ cũng đã bị tư nhân hóa và được ông bật đèn xanh để bán 25% cổ phần cho nước ngoài kia kìa (hãng Air France-KLM). Trong bóng đá, những ông hoàng của Abu Dabi bây giờ mới tiêu pha kinh người. Nhưng Berlusconi đã ném tiền qua cửa sổ từ 23 năm nay. Hơn thế nữa, người ta không thể coi thương vụ 120 triệu euro này là một scandal. Thử nhìn Moratti xem, cho đến khi đoạt Scudetto đầu tiên ở triều đại ông, vua hóa và lọc dầu Italia đã vứt ra đường nửa tỉ euro, để bây giờ Inter đang thâm hụt 248 triệu euro. 248 triệu ấy mua được những 2 Kaka!
 

Sự thất bại của người Italia

Nhưng cảm nhận chung của tất cả người Italia là sự thất bại. Cho đến khi những ông hoàng Arab xuất hiện trên đất Italia và ném lên bàn thương lượng 120 triệu euro cho ngôi sao sáng nhất trong dải ngân hà Milan, Berlusconi vẫn là vị chúa tể của bóng đá châu Âu. Kể cả khi Shevchenko rời Milan năm 2006, vị chúa tể ấy vẫn còn giữ trên đầu vương miện, bởi lần ấy, ai cũng biết là Milan chỉ bán tiền đạo người Ukraina khi anh nhất quyết không ở lại. Nhưng bản thân đấy là một cú sốc lớn, bởi từ trước đến nay, chưa có một cầu thủ biểu tượng nào quyết rời Milan ra đi. Còn bây giờ, tất cả đã thay đổi, vì lần đầu tiên Berlusconi chịu lùi bước sau khi đã cương quyết chối từ những tấn tiền của Real và Chelsea trong 2 năm qua.
 
Vị chúa tể đã nhường ngai vị cho những ông hoàng đến từ xứ sở dầu mỏ, tay đeo kim cương và nhìn thấy bóng đá như một trò tiêu khiển thú vị bậc nhất trên đời. Vị Hiệp sĩ của Italia đầu hàng chóng vánh, sau khi đưa ra một cái giá mà theo ông là hoàn hảo cho một con người cỡ Kaka. Nguyên tắc của Berlusconi: tất cả đều có giá, kể cả ông, sự sĩ diện và danh dự của ông. Người ta nhớ lại ngày Berlusconi đã bỏ ra gấp đôi số tiền mà Juventus đã ra giá để mua Donadoni từ Atalanta vào năm 1986, ngày mà Berlusconi mua lòng trung thành của Lentini trong một chuyến bay trực thăng với ông, khi ông ném cho anh cả một đại dương tiền, ngày mà ông cuỗm được đội trưởng xuất sắc của Lazio, Nesta, người cũng nổi tiếng về lòng trung thành.

Thế nên, tất cả bị sốc trước sự đầu hàng của Berlusconi, sự đầu hàng khiến người Italia cảm thấy mất danh dự, dù ông ta không bán đi một người Italia (với họ là vô giá), mà là một người Brazil. Nhưng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, bởi với Berlusconi, bóng đá có 2 mặt. Lòng trung thành và tình yêu của Kaka với Milan bao giờ cũng có, nhưng với Berlusconi, nó có giá, bởi Kaka trước sau cũng chỉ là một thương vụ. Vị Hiệp sĩ của Italia chỉ ban phát tình yêu và sự ngưỡng mộ thực sự đối với những ai thuộc về “gia đình”, nghĩa là những người đã ra mắt với đội bóng, gắn bó với nó và đã trở thành những biểu tượng thực sự mà từ đó Milan đi lên. Maldini vẫn đá hàng tuần dù tóc đã có sợi bạc. Ancelotti đã sống ở San Siro 8 năm. Milan trở thành một dạng chính phủ mà ở đó HLV và các quan chức là bộ trưởng, Berlusconi là thủ tướng. Tất cả những ai ngoài “gia đình” đều có thể bán một cách dễ dàng vì đã từng bị Berlusconi mua một cách dễ dàng bởi hàng tấn tiền mà ông vứt ra. Berlusconi bây giờ không tham gia vào những thương vụ lớn như các ông chủ khác vẫn làm, nhưng chưa bao giờ tỏ ra là mình keo kiệt và nghèo hèn. Một người đã bỏ ra 22 triệu euro để đưa về một chú nhóc 18 tuổi có tên Pato chắc chắn không ít tiền và không phải kẻ ngu.

Chỉ có điều những nguyên tắc đã thay đổi, vì thời thế đã thay đổi. Chiến binh La Mã chỉ có thể tự hào vỗ ngực trước thiên hạ một khi ông ta còn trẻ, chưa gặp những đối thủ mạnh mẽ, quyết đoán và tàn nhẫn hơn ông. Người chiến binh ấy bây giờ không thiếu tiền, nhưng ông ta trở nên thực dụng và ít cảm thấy xấu hổ hơn, vì có lẽ, lần đầu tiên ở tuổi 72, ông ta biết là mình đã già.

A.N (Roma)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm